Phụ nữ Ấn Độ biến thành 'bức tường sống' dài 620km để bước vào đền thiêng

05/01/2019 - 10:28

PNO - 3 giờ chiều ngày đầu năm 2019, Rakhee Madhavan, một giáo viên 39 tuổi sống ở thành phố Kochi bang Kerala miền Nam Ấn Độ, quyết định khởi đầu năm mới bằng một việc làm có ý nghĩa.

Phu nu An Do bien thanh 'buc tuong song' dai 620km de buoc vao den thieng
Hàng triệu phụ nữ Ấn Độ nắm tay nhau đứng dọc theo một đường cao tốc ở bang Kerala tạo thành một "bức tường phụ nữ" vào ngày đầu năm mới để đòi bình đẳng giới - Ảnh: AFP

Dù đang nghỉ lễ ở thành phố Mullukkara quê nhà, Madhavan vẫn quyết định lên một chiếc xe buýt đầy ắp phụ nữ. Một giờ sau, cô hòa mình vào biển người phụ nữ đòi bình đẳng giới lớn nhất ở Ấn Độ. Họ gọi đó là vanitha mathil - trong ngôn ngữ địa phương Malayalam có nghĩa là "bức tường phụ nữ".

Theo ước tính của chính phủ công bố trên báo chí Ấn Độ, có khoảng 3,5 triệu đến 5 triệu phụ nữ đứng thành hàng trên quốc lộ 66 chạy dọc theo bờ biển phía tây của bang Kerala, một bang có diện tích gần bằng Thụy Sĩ và dân số khoảng 35 triệu người. “Bức tường người" dài khoảng 620km. Các nhà tổ chức cho biết "bức tường" liên tục từ đầu này đến đầu kia, nhưng một số người quan sát nói rằng vẫn có những khoảng trống đứt đoạn.

Việc “xây dựng bức tường” phụ nữ được lên kế hoạch nhằm tạo nhận thức về bình đẳng giới và phản đối cấm cản phụ nữ trong độ tuổi hành kinh bước vào vào Sabarimala - một trong những ngôi đền Hindu linh thiêng của đất nước - cho dù Tòa án Tối cao ra phán quyết ủng hộ họ vào ngày 28/9 năm ngoái.

Phu nu An Do bien thanh 'buc tuong song' dai 620km de buoc vao den thieng

Chính quyền bang công bố đề xuất biểu tình hồi đầu tháng 12/2018, sau khi xuất hiện nguy cơ các tín đồ nam sử dụng vũ lực để ngăn cấm phụ nữ vào đền Sabarimala. Người tổ chức sự kiện “bức tường” là Mặt trận Dân chủ cánh tả, một liên minh các chính đảng ở Kerala do thủ hiến bang Pinarayi Vijayan lãnh đạo, nhưng không sử dụng tiền của bang. Cuộc xuống đường lần này được nhiều tổ chức phụ nữ độc lập và các chính đảng ở Kerala tài trợ.

Tình nguyện viên của hơn 176 tổ chức chính trị xã hội đã hợp tác với chính quyền Kerala để thực hiện chiến dịch. Trước đó, sự kiện được thảo luận liên tục nhiều tuần trên các kênh tin tức và trên mạng truyền thông xã hội. Tin tức được truyền miệng đến các thị trấn nhỏ và ở các vùng quê hẻo lánh. Vào ngày đầu năm mới 2019, ban tổ chức đã bố trí các xe buýt riêng để chở phụ nữ đến các điểm dọc theo đường cao tốc. Đây là chi phí chính của sự kiện “bức tường phụ nữ”.

Đúng 4 giờ chiều, những người phụ nữ nắm tay nhau dọc theo con đường để “tuyên thệ” bình đẳng giới. “Bức tường phụ nữ” giữ vững tư thế này trong vòng 15 phút. Đối với Madhavan, cô giáo về quê nghỉ lễ, cũng như nhiều phụ nữ khác tham gia bức tường, động cơ của họ không phải chính trị hay tôn giáo mà mang tính cá nhân sâu sắc, đó là đấu tranh để đảo ngược định kiến cấm cản phụ nữ vào đền thờ.

Phu nu An Do bien thanh 'buc tuong song' dai 620km de buoc vao den thieng

"Quan niệm về phụ nữ như vậy thậy đáng buồn, và tôi không muốn truyền dạy lại cho những nữ sinh của mình thông điệp như vậy. Tôi muốn góp sức vào cuộc đấu tranh, bởi vì tôi tin rằng đã đến lúc có nhận thức mới và thay đổi”, Madhavan nói.

Khi Madhavan đăng hình ảnh "bức tường" lên Facebook cá nhân, cô nhận được nhiều sự quan tâm và làm dấy lên các cuộc thảo luận về bình đẳng giới trong các nhóm học sinh của cô. “Bức tường phụ nữ” cũng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội Twitter.

Một người dùng Twitter tên là Pishu Mon viết: “Thời đại phụ nữ khoanh tay phục tùng chế độ phụ hệ bắt đầu chấm dứt từ đây”. Khi phụ nữ mọi lứa tuổi nắm tay nhau thành hàng dài một bên đường cao tốc, nhiều người đàn ông của họ - chồng, bạn bè và người thân – “xếp hàng” ở phía bên kia để thể hiện sự ủng hộ.

Đối với Vigi Ninan - vị luật sư 46 tuổi ở Thiruvalla, sự xuất hiện đông đảo của nam giới, phụ nữ và trẻ em là một dấu hiệu cho thấy đất nước đang dần thức tỉnh trước quyền được đối xử công bằng của phụ nữ.

Ninan nói rằng việc nhiều người đàn ông ủng hộ phụ nữ xuống đường cho thấy họ không đơn độc. Những người đàn ông còn lên Twitter thể hiện sự ủng hộ của mình.

Phu nu An Do bien thanh 'buc tuong song' dai 620km de buoc vao den thieng

Arjun Ramakrishnan viết trên trang Twitter cá nhân: “Họ về đây như những dòng suối, hòa vào nhau tạo thành những dòng sông cùng đổ ra biển cả nhân loại và tư duy tiến bộ”. Còn Azhar kể lại: “Mẹ tôi trở về nhà mệt mỏi sau khi tham gia ‘Bức tường phụ nữ’ và bố đã pha ngay cho mẹ một chén trà”.

Sau cuộc xuống đường của phụ nữ, văn phòng thủ hiến bang Kerala viết trên Twitter: “Thủ hiến Kerala, ông Pinarayi Vijayan nhiệt liệt chúc mừng tất cả những người đã làm cho ‘bức tường phụ nữ’ của bang thành công rực rỡ. ‘Bức tường’ dài 620 km, được tổ chức để duy trì các giá trị Phục sinh Kerala, đã chứng kiến ​​sự tham gia đông đảo của phụ nữ mọi tầng lớp. Đây là một sự kiện trọng đại trong đời sống xã hội của chúng ta.

Phu nu An Do bien thanh 'buc tuong song' dai 620km de buoc vao den thieng

Hôm 2/1, một ngày sau cuộc biểu tình đòi bình đẳng giới, có hai phụ nữ dưới 50 tuổi (tuổi sinh đẻ) cuối cùng đã bước vào đền thiêng. Hai phụ nữ này được cảnh sát hộ tống đã bí mật vào đền trước khi bình minh. Họ được cảnh sát bảo vệ để tránh đám đông ngăn cản không cho phụ nữ vào đền.

Ngày hôm sau, một nhóm cánh hữu tuyên bố hartal – bãi thị, đóng cửa hàng để biểu thị sự phản đối phụ nữ vào đền thiêng. Trong bang nổ ra nhiều cuộc biểu tình bạo lực khiến một người thiệt mạng, 14 người khác bị thương, cảnh sát bắt giữ 745 người.

Cùng ngày, người phụ nữ thứ ba đến thăm ngôi đền giữa những cuộc biểu tình phản đối. Đối với cô giáo Madhavan, bạo lực gây nhiều đau khổ, nhưng không làm cô nhụt chí. Cô nói: "Thay đổi xã hội không thể chỉ trong một ngày mà cần thời gian. Nhưng với những bước nhỏ này, chúng ta giúp thế hệ tiếp theo có thể dễ dàng nắm bắt lấy cơ hội. Bằng cách này, ‘bức tường phụ nữ’ đánh dấu một bình minh mới cho nữ quyền ở Ấn Độ”.

Cẩm Hà (Theo NPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI