Phụ nữ Ấn Độ bị trói buộc bởi luật chống dung tục

14/07/2023 - 17:08

PNO - Khi quan niệm về vẻ đẹp phụ nữ càng cởi mở, khái niệm “dung tục” lại trở thành cái cớ cho sự áp chế nữ quyền ở Ấn Độ.

 

Một nhóm tín đồ Hindu giáo cực đoan ở Ấn Độ đang dỡ bỏ đồ lót nữ khỏi kệ một cửa hàng tại Bhopal, vì họ cho rằng việc trưng bày nội y là “khiêu dâm” – Ảnh: Sanjeev Gupta
Một nhóm tín đồ Hindu giáo cực đoan ở Ấn Độ đang dỡ bỏ đồ lót nữ khỏi kệ một cửa hàng tại Bhopal, vì họ cho rằng việc trưng bày nội y là “khiêu dâm” - Ảnh: Sanjeev Gupta

Luật chống dung tục ở Ấn Độ vốn được ban hành nhằm ngăn chặn việc truyền bá nội dung “đồi trụy”, nhưng ngày càng biến tướng trở thành công cụ áp chế quyền tự do biểu đạt của phụ nữ, theo lời chia sẻ của một số người liên quan, được tổng hợp trong bài báo của hãng tin Đức Deutsche Welle (DW) ngày 13/7.

Nội dung của luật được quy định trong các điều 292, 293, 294 của Bộ luật Hình sự Ấn Độ. Theo đó, các hành vi thể hiện, truyền bá hình ảnh, nội dung gây “sa đọa và biến chất” người tiếp nhận đều là tội hình sự.

Một trong các nạn nhân của định kiến về “dung tục” là nữ diễn viên Uorfi Javed, ngôi sao trên truyền hình và internet Ấn Độ. Với hơn 4 triệu người theo dõi trên Instagram và hơn 200.000 người theo dõi trên Twitter, Javed gây chú ý bởi gu thời trang phá cách và táo bạo, đôi khi bị dư luận phản đối.

Trong Quý 1 năm nay, nữ chính trị gia Chitra Wagh, Chủ tịch “liên hiệp phụ nữ” của Đảng Nhân dân Ấn Độ (Bharatiya Janata Party - BJP), đảng cánh hữu cầm quyền ở bang Maharashtra, đã yêu cầu cảnh sát Mumbai bắt Javed, cáo buộc cô này ăn mặc quá “hở hang”.

Javed đáp lại: “Khởi đầu năm mới, đã có một chính trị gia muốn cảnh sát bắt tôi. Trừ khi vùng nhạy cảm của tôi bị nhìn thấy, còn không thì không ai có thể tống tôi vào tù”.

Chia sẻ với DW, Javed nói rằng chỉ vì lựa chọn sáng tạo và phong cách thời trang thể hiện cá tính của bản thân, cô thường “bị gọi là đĩ, sao khiêu dâm, gái điếm” và nhiều hình thức lăng mạ khác. Cô thậm chí còn nhiều lần bị đe dọa bạo lực và cưỡng hiếp.

Javed cho biết: “Điều đó đã gây tổn hại sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của tôi, nhưng giờ tôi đang học cách trở nên vững vàng khi kiên định với lập trường của mình. Tôi không làm gì sai cả”.

Trước đó, một nữ quan chức khác của BJP, Ritu Tawde, đề xuất cấm ma-nơ-canh làm người mẫu nội y ở Mumbai vào năm 2013, để “ngăn chặn sự ô nhiễm tâm trí của thế hệ trẻ”. Đề nghị lập tức bị bác bỏ, vì không có quy định cấm ma-nơ-canh.

Nữ luật sư Shreya Munoth nhận định với DW rằng luật chống dung tục đã được đưa vào luật pháp Ấn Độ từ khi nước này còn là thuộc địa của Anh, nội dung luật không còn phản ánh sự tiến bộ của thời đại.

Munoth cho biết, Ấn Độ vẫn còn giữ “quan niệm hạn chế” về quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, còn luật chống dung tục biến tướng thành công cụ kiểm soát cơ thể của phụ nữ.

Nữ luật sư cho biết thêm: “Tòa án thường có cách tiếp cận đặc biệt gia trưởng đối với các vụ án, nhất là khi liên quan đến phụ nữ. Quan điểm chính của họ là phụ nữ cần được nhà nước dẫn dắt”.

Vào tháng 6/2020, nhà hoạt động nữ quyền Rehana Fathima phải ra tòa vì cáo buộc truyền bá nội dung “đồi trụy”. Fathima đã chia sẻ 1 video trên mạng xã hội, trong đó các con cô vẽ tranh trên cơ thể bán khỏa thân của cô. Sau 3 năm đáo tụng đình, Tòa án Tối cao bang Kerala vừa hủy vụ kiện chống lại Fathima.

Nhận định về vụ việc, Thẩm phán Kauser Edappagath nhận định: “Phụ nữ bị bắt nạt, phân biệt đối xử, cô lập và truy tố vì dám tự mình đưa ra những lựa chọn về cơ thể và cuộc sống của họ”.

Chia sẻ với DW, ông Edappagath bình luận: “Cơ thể bán khỏa thân của một người đàn ông được xem là bình thường và không bị tình dục hóa, còn cơ thể phụ nữ lại không được đối xử theo cách tương tự”.

Trường An (theo Deutsche Welle)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI