Phụ nữ Á Đông và sứ mệnh mũ nồi xanh

18/09/2023 - 18:19

PNO - Năm 2000, không có người phụ nữ nào từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc. Ngày nay, hàng ngàn phụ nữ khắp khu vực đã và đang thực hiện sứ mệnh vì hòa bình trên toàn thế giới.

Khi Vũ Nhật Hương - đại úy, 31 tuổi - nói với cha mẹ rằng cô sắp được điều đi làm nhiệm vụ nước ngoài với tư cách là thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc (LHQ), gia đình cô đã rất lo lắng. Cô thực hiện nhiệm vụ tại tiền đồn ở thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới sau nhiều thập niên bất ổn và bạo lực. Cô đã xa cách người thân suốt 379 ngày trước khi trở về Việt Nam vào tháng 12/2022.

Hương chia sẻ cuộc sống ở Cộng hòa Trung Phi giống như trong “một bộ phim cũ”. An ninh bất ổn, nhiệt độ có thể lên tới 45 độ C, thiếu nước, điện, nguy cơ mắc bệnh sốt rét và nền văn hóa xa lạ khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn. Dù nhớ nhà nhưng cô không thể nói chuyện với gia đình nhiều ngày vì kết nối internet kém. Dù vậy, khi nhìn lại chặng đường đã qua, Hương nói tất cả đều đáng giá.
 

Đại úy Vũ Nhật Hương (trái) phỏng vấn nữ sĩ quan Tusinia, chuẩn bị cho sự kiện Ngày gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Cộng hòa Trung Phi - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đại úy Vũ Nhật Hương (trái) phỏng vấn nữ sĩ quan Tusinia, chuẩn bị cho sự kiện Ngày gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Cộng hòa Trung Phi - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tính đến tháng 3/2023, đã có 2.083 phụ nữ châu Á trong lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ (thường được gọi là lực lượng mũ nồi xanh). Dù số lượng ngày càng tăng nhưng phụ nữ cũng chỉ mới chiếm 8% quân số của lực lượng này. Indira Putri - thiếu úy, 29 tuổi, người Indonesia - đã nhận nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi từ tháng 9/2022. Cô chia sẻ: “Gia đình tôi khá sốc.

Họ không thuyết phục tôi từ bỏ ước mơ nhưng luôn hỏi lý do tại sao tôi muốn làm điều này”. Thực ra, Putri đã ấp ủ ước mơ trở thành sĩ quan từ khi còn nhỏ. Cô kể: “Tôi thường thấy một nữ cảnh sát làm việc quanh khu vực trường tôi, chỉ đạo và quản lý giao thông. Tôi muốn được như cô ấy”.

Putri gia nhập lực lượng cảnh sát địa phương vào năm 2014 và cuối cùng trở thành thành viên lực lượng mũ nồi xanh vào năm 2022 với mong muốn giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi xung đột, bị tước đoạt các quyền cơ bản của con người. Khi Putri đặt chân đến Cộng hòa Trung Phi, cú sốc văn hóa xảy ra ngay lập tức. Những con đường đất, đám đông, những cái nhìn chằm chằm… không giống bất cứ điều gì cô từng trải qua. Cô đảm nhận vai trò quản lý trại và xử lý các vấn đề hoạt động khác. Khi cô đã quen với nơi này, người thân của cô, ở cách xa hơn 10.000km, cũng hiểu rõ hơn về công việc của Putri.

Một thành viên khác của lực lượng mũ nồi xanh là thiếu tá Sen Sophirum (35 tuổi) nhận được sự ủng hộ của gia đình, nhưng điều đó không có nghĩa là cô miễn nhiễm với áp lực xã hội. Xuất thân từ một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Kampong Thom, miền trung Campuchia, Sen Sophirum phải chịu nhiều nhận xét tiêu cực về lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Cô bộc bạch: “Người trong làng nói con gái không nên đi lính và tôi không nên xa nhà hay đi nơi khác. Họ tin rằng công việc đó chỉ dành cho nam giới”. Sen Sophirum tin rằng những nhận thức như vậy là nguyên nhân khiến rất ít phụ nữ tham gia quân đội và khi 19 tuổi, cô gần như đã bỏ cuộc. Cô nói: “Tôi nghi ngờ và nghĩ rằng có lẽ mình không nên tham gia quân đội. Mẹ và người thân đã tiếp thêm sức mạnh và động lực cho tôi”.

Đã từng tham gia 2 nhiệm vụ nước ngoài trước đây, Sen Sophirum hiện đóng quân tại Nam Sudan với tư cách là quan sát viên quân sự của LHQ. Khu trại nơi cô làm việc khá sạch sẽ. Khi về nước trong kỳ nghỉ vào tháng 2/2023, Sen Sophirum kết hôn với một người lính khác trước khi quay lại nhiệm vụ. Chồng cô hiện đang ở Campuchia, vẫn liên lạc với Sen Sophirum hầu như mỗi ngày.

Cô thổ lộ: “Cảnh vợ chồng son xa nhau chắc chắn là khó khăn nhưng đó là cuộc sống quân ngũ. Anh ấy luôn thấu hiểu cho tôi". Sen Sophirum có ý định tham gia thêm nhiều hoạt động quốc tế khác.

Cô cho rằng phụ nữ cần có thêm sự hỗ trợ để theo đuổi tham vọng nghề nghiệp. Đồng thời, họ cũng phải có sự thay đổi về tâm lý cá nhân: “Ở Campuchia, phụ nữ sau khi kết hôn thường phải ở nhà chăm sóc chồng con. Đôi khi bản thân họ không muốn ra ngoài làm việc. Vấn đề về tâm lý và trở ngại văn hóa đang cản bước phụ nữ thực hiện ước mơ”. 

Linh La (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI