Phú Nhuận ơi, quê ngoại tôi đó!

24/01/2024 - 09:56

PNO - Ngày bà ngoại mất, tôi hớt hải chạy từ cơ quan về Phú Nhuận, ngang qua chợ ông Tạ, về hướng đường tàu. Lối này rất quen...

 

Đường tàu cắt ngang chợ Ga - quận Phú Nhuận
Đường tàu cắt ngang chợ Ga - quận Phú Nhuận

Mấy mươi năm trước, nhà ngoại tôi ở Phú Nhuận, cạnh bên đường ray xe lửa, băng qua một khu phố nho nhỏ được gọi là chợ Ga. Đầu đường, có một cái tiệm na ná như cửa hàng lưu niệm bây giờ, nhưng đơn sơ với chiếc tủ kính, trong đó bày biện một số món đồ thơm tho xinh xẻo. Đập vào mắt tôi là một em búp bê chỉ cao chừng hơn gang tay, với mái tóc óng ả, vàng rực. Tôi có lần đánh bạo bước lại thật gần, để ngắm em kỹ hơn, lòng đầy ao ước. Nhưng hồi ấy, “mua đồ chơi” là một khái niệm chẳng có trong từ điển của gia đình chúng tôi, những người ở quê lên phố.

Tôi ngày đó còn là một cô bé tiểu học, tóc lưa thưa cháy nắng, gầy nhom và đen nhẻm, đến từ một tỉnh miền Tây xa lắc. Mỗi năm tôi mới được về Sài Gòn nghỉ hè một lần. Tôi nhớ có lần xe đò lên trễ, khi tới nơi thì đã là tối muộn. Thành phố hồi đó còn hay đi ngủ sớm. Má nắm tay tôi và đứa em trai kế, đi giữa hai dãy nhà chuyên làm nghề nặn tượng. Những bức tượng thạch cao to như người thật đứng san sát nhau, có cả thiên thần giang đôi cánh trắng, nhìn xuống đứa trẻ nhà quê là tôi đang nem nép bước. Cảm giác trang nghiêm và bối rối ấy còn kéo dài mãi nhiều năm sau này. Bây giờ những ngôi nhà còn theo đuổi nghề thủ công ấy dần ít lại, trong nỗi tiếc nuối chắc không chỉ của riêng tôi.

Đường ngang qua chợ Ga còn có mấy quầy bán chả chiên lấm tấm mỡ ăn kèm bánh dày, với bánh cay được chiên từ bột củ khoai mì, thêm ly chè thưng ngọt béo mê người. Lại có cả mùi phở nhà ai tự nấu bán, với các loại gia vị đơn thuần mà bây giờ hiếm gặp, bay lên thơm ngát. Ngày ấy, má con tôi họa hoằn mới có dịp được nếm những thức ngon lành hấp dẫn đó.

Phú Nhuận thuở đấy đất rộng người thưa, xe đạp rất phổ biến. Nhà ngoại tôi có một khoảnh sân rộng, trồng vài cây ổi cao và sai trĩu quả. Mấy trưa hè trốn ngủ, tôi hay leo tuốt lên đó, ngắm phố phường từ chạc ba của cây ổi, vừa gặm những trái ổi vừa chín tới thơm lựng, vừa ngâm nga mấy bản nhạc borelo mợ tôi chép giùm. Thành phố trong tâm trí tuổi thơ tôi ấn tượng bởi thật nhiều đèn đường sáng rực, cùng với Thảo cầm viên mà đứa trẻ nào cũng mê đắm. Và kem ký. Ôi món ăn mát rượi ngọt ngào thần thánh ấy, với hương sầu riêng, khoai môn, đậu xanh, va ni…  này nọ, còn kèm theo đậu phộng và dừa nạo nữa chứ.

Thi thoảng có tiền, các cậu của tôi sẽ ra ngã tư Phú Nhuận, mang về vài tảng kem ký để đãi mấy đứa cháu hảo ngọt. Những khoảnh khắc cả nhà lớn nhỏ vui vầy cầm muỗng xúm xít, sẽ khó mà phai nhạt trong tiềm thức.

Năm 1997, tôi chính thức trở thành sinh viên của thành phố, mỗi năm chỉ còn về quê thăm nhà 2 lần, vào dịp tết và nghỉ hè. Địa điểm yêu thích nhất có lẽ là bưu điện Phú Nhuận tấp nập các cô giao dịch viên mặc áo dài thật duyên dáng. Khách khứa chen chúc ra vào lãnh thư chuyển tiền, gọi điện nội hạt, liên tỉnh hay quốc tế. Điện thoại di động hay laptop, dĩa CD, trụ ATM rút tiền… còn là cái gì đó cao xa và bí hiểm của thì tương lai.

Tôi hẹn gặp mối tình đầu quen biết qua mục “tìm bạn bốn phương” của một tờ báo cũng ở đó, với lời dặn dò đùa vui: "Em sẽ mặc một chiếc áo bảy màu". Tức là màu trắng, nhưng anh bạn không nghĩ ra, nên đứng đó loay hoay xem có cô bé nào xuất hiện thật sặc sỡ. Thật tình cờ, nhà anh cũng ở gần bên Phú Nhuận, dễ dàng để có thể qua thăm nhau.

Chúng tôi yêu đương chừng vài năm, lang thang đâu đó loanh quanh Phú Nhuận, kiểu như công viên Gia Định, hay con đường sách cũ Trần Huy Liệu. Đi bộ dạo chơi dưới bóng mát của hàng cây dầu cổ thụ, với những chiếc lá xoay tròn theo cơn gió, thật quá lãng mạn. Rồi thì, cuộc hẹn để chia tay cũng là ở một khu ghế đá cây xanh ở Hồ Văn Huê, nơi chúng tôi im lặng chẳng nói được lời nào giã từ…

Ngày bà ngoại mất, tôi hớt hải chạy từ cơ quan về Phú Nhuận, ngang qua chợ ông Tạ về hướng đường tàu. Lối này rất quen, thậm chí sau khi kết hôn, đã vài lần tôi lơ đễnh đi nhầm, thay vì về nhà chồng, lại quay xe về hướng nhà ngoại. Đoạn đường ngắn ấy, vậy mà mấy lần tôi phải đừng lại, lau mắt kính nhòe nước, tự trách mình đã không qua thăm ngoại nhiều hơn khi còn có thể…

Đêm ấy nằm xếp lớp bên mấy đứa em ruột, em họ, tôi lắng nghe từng chuyến tàu đang xao xác rời xa thành phố. Ngoài phố khuya có ai đó rao bánh chưng bánh giò, lẫn vào tiếng lách cách mời tẩm quất hoặc hủ tiếu gõ… Từng âm thanh quen thuộc của đêm như cứa vào lòng người thao thức. Chúng tôi chờ trời sáng để đưa ngoại ra nhà thờ Phát Diệm, trong hành trình cuối cùng của kiếp người, vòng vèo qua mấy nẻo đường của Phú Nhuận.

Tôi ngắm thành phố tinh mơ từ cái ô cửa kính xe đặc biệt ấy, thấy vừa lạ vừa quen, vừa thương vừa hờn. Kiểu như, sau nỗi mất mát, “Phú Nhuận của tôi” đã không thể còn trọn vẹn như trước nữa. Đã có một nỗi buồn đăng đẳng ghim ở trong tim mà mỗi góc phố, hàng cây dù cố gắng cũng chẳng thể nào vỗ về.

Một con hẻm cặp đường tàu ở quận Phú Nhuận (ảnh: Nguyễn Quang)
Ở quận Phú Nhuận có con hẻm dài cặp đường tàu (ảnh: Nguyễn Quang)

2 thập niên đã trôi qua kể từ ngày tôi bước chân ra cửa nhà ngoại, theo chồng về một quận khác. Nhưng hai chữ “Phú Nhuận” vẫn vang lên đầy trìu mến và thân thương khi được nhắc tới, với ngày giỗ bà, giỗ ông, với cậu mợ và các em, với những ký ức trong lành ngày thơ bé. Giống như chốn bình yên để tôi tìm về lánh nạn mỗi khi cuộc sống bộn bề áp lực. Tôi vẫn đặc biệt ưa thích ngang qua Phú Nhuận, chỉ cho con mình chỗ hồi xưa mẹ đón xe buýt để ra làng đại học, quán chè mà mỗi lần cùng bạn ghé lại chỉ dám thèm thuồng ăn mỗi đứa một món vì ít tiền. Hoặc “ngày xưa mẹ thường mua bánh đa mè và dưa hấu chỗ này để biếu bà cố”. Này từng là sạp báo mà mẹ với cậu Mèo đã mua những cuốn Harry Porter đầu tiên được xuất bản...

Quận Phú Nhuận cách Quận 1 và Quận 3 một dòng kênh Nhiêu Lộc (ảnh: Nguyễn Quang)
Quận Phú Nhuận cách Quận 1 và Quận 3 một dòng kênh Nhiêu Lộc (ảnh: Nguyễn Quang)

Cùng với Sài Gòn, Phú Nhuận cũng thay da đổi thịt, cao ốc mọc lên, hàng quán sang trọng, giới trẻ sành điệu, xe hơi nối dài trên con đường từ sân bay vào trung tâm thành phố. Tôi đón nhận sự khác đi này với ít nhiều chấp nhận, xem đó là một phần đương nhiên của sự trưởng thành, với từng dấu yêu cũ được nâng niu cất giữ trong tim.

Hải Yến (TPHCM)

 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • THUY NGUYEN 24-01-2024 12:20:52

    Tôi cũng từng là dân Q. Phú Nhuận từ lớp lá den lop 12. Biết bao kỷ niệm. Sau đó nhà toi chuyen ve Q Tân Phú năm 1996, nhưng may mắn tôi duoc lam ở cty tại Q.Phú Nhuận 2005-> 2024. Bài biết thật sự làm tôi xúc động. Nếu may mắn về tiền bạc, tôi vẩn mong sẻ mua nhà và về lại Q.Phú Nhuận ở.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI