Phủ kín bột lạ màu đen vào vết bỏng nước sôi của trẻ để... chữa mẹo

10/11/2022 - 09:19

PNO - Bệnh nhi 5 tuổi vào viện trong tình trạng tổn thương nặng nề, nguy cơ nhiễm trùng cao do gia đình chữa mẹo bằng cách bôi 1 lớp bột lạ màu đen...

 

Lớp bột lạ màu đen phủ kín các vết bỏng khiến trẻ có nguy cơ nhiễm trùng, điều trị khó khăn (Ảnh bệnh viện cung cấp)
Lớp bột lạ màu đen phủ kín các vết bỏng khiến trẻ có nguy cơ nhiễm trùng, điều trị khó khăn (Ảnh bệnh viện cung cấp)

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng gia đình tự chữa bỏng theo "tin đồn" khiến bệnh nhân có nguy cơ trở nặng.

Theo đó, đơn vị này đang điều trị một bệnh nhi 5 tuổi bị bỏng toàn bộ từ vùng lưng xuống mông. Gia đình trẻ cho biết, trước nhập viện một ngày, trẻ không may bị nước sôi đổ vào người. Tuy nhiên, gia đình không đưa trẻ đi khám mà đã tự dùng thuốc bôi theo một số người mách với hy vọng vết bỏng nhanh lành hơn.

Đến tối cùng ngày trẻ kêu đau rát nhiều, gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để thăm khám. Trẻ nhập viện với vết bỏng lớn vùng lưng, vùng mông, vết bỏng tấy đỏ và được phủ kín bởi một loại thuốc bột màu đen.

Các bác sĩ cho biết, đối với các trường hợp bỏng như của bệnh nhi cần được tiến hành bù dịch, cắt lọc phỏng nước và băng kín. Tuy nhiên, gia đình lại bôi cho trẻ loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm chứng về khoa học, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nhiễm trùng, hoại tử có thể xảy ra.

Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, các tổn thương do bỏng nước sôi thường gây tổn thương rất nặng, gây đau đớn cho trẻ. Tổn thương này điều trị lâu dài, tốn rất nhiều chi phí và thường để lại sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Trong bữa ăn, nếu có canh nóng gia đình cần đặc biệt cảnh giác, trông chừng trẻ, bởi với bản tính hiếu động và chưa thể tự nhận biết được nguy hiểm có thể khiến trẻ bị bỏng bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó là không bôi, đắp các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đáng nói, việc các gia đình tự điều trị chữa bỏng, dù đã nhiều lần cảnh báo song vẫn tiếp diễn. Trước đó, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã điều trị cho một bé 8 tháng tuổi bị bỏng cháo. Tuy nhiên, bệnh nhi này đã tới thầy lang và được chữa mẹo bằng cách dùng lông động vật (trong đó chủ yếu là lông chó) để đắp vào vết bỏng. 

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI