Một công ty kinh doanh phụ kiện văn phòng ngót nghét 200 năm tuổi là điều đặc biệt hiếm thấy. Yếu tố chủ chốt làm nên sự bền bỉ của Bene, nhà sản xuất nội thất - phụ kiện văn phòng lâu đời nhất thế giới, nằm ở khả năng thích nghi linh hoạt. Michael Fried, Giám đốc điều hành thương hiệu nổi tiếng có trụ sở tại Áo, chia sẻ: “Chúng tôi rất giàu truyền thống nhưng không phải một đơn vị hoạt động dựa trên tư duy truyền thống. Khi thị trường nội thất và phụ kiện văn phòng không ngừng phát triển, Bene cũng phải linh hoạt đổi mới tầm nhìn”.
|
Văn phòng phẩm bFRIENDS làm từ 100% chất liệu sinh học tự phân hủy - Ảnh: Pearson LLoyd |
Ngày nay, giữa kỷ nguyên kinh doanh bền vững, công ty mong muốn tích cực truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường theo cách thức riêng. “Tòa nhà trụ sở của Bene tọa lạc ở ngoại ô thủ đô Vienna, trong một khoảng rừng xanh tốt. Được bao bọc bởi thiên nhiên, dấu ấn bền vững luôn là nét đặc trưng về chúng tôi. Thế nhưng, cả khi đã chú trọng vấn đề này, vẫn khó tránh khỏi việc tạo khí thải carbon dù ít hay nhiều trong quá trình sản xuất” - Fried thừa nhận.
Giải pháp khắc phục Bene lựa chọn chính là kỹ thuật in vật liệu ba chiều (3D).
Bước tiến công nghệ đầy hứa hẹn
“Để cố gắng cắt giảm khí thải ra môi trường cũng như hòa cùng phong trào sản xuất bền vững, chúng tôi bắt đầu áp dụng kỹ thuật in 3D, sáng tạo sản phẩm phụ kiện từ vật liệu phân hủy sinh học đã qua sử dụng” - Fried cho biết.
Tháng 11/2021, Bene ra mắt bFRIENDS - bộ sưu tập văn phòng phẩm đầu tiên ứng dụng công nghệ in 3D, làm từ 100% nguyên liệu nhựa sinh học tái chế. Đây là dự án công ty hợp tác thực hiện cùng Pearson Lloyd, đơn vị thiết kế phụ kiện văn phòng uy tín có trụ sở chính tại London, Anh.
|
bFRIENDS được tạo ra bằng công nghệ in 3D, mang nhiều lợi ích vì môi trường - Ảnh: Pearson LLoyd |
Nguồn nguyên liệu Bene sử dụng được thu gom và xử lý bởi một doanh nghiệp xã hội chuyên tái chế vật liệu nhựa tự phân hủy từ rác thải bao bì, dành riêng cho mục đích in 3D. Fried chia sẻ: “bFRIENDS bao gồm những văn phòng phẩm thông dụng như hộp bút, khay đựng tài liệu, hộp đựng điện thoại, phụ kiện điện tử... Điểm đặc biệt là chúng được làm hoàn toàn từ bao bì thực phẩm đã qua sử dụng”.
Bộ 21 mẫu văn phòng phẩm có mười màu khác nhau nhưng nhờ quy trình in 3D hiện đại, tiện lợi, khách hàng đặt số lượng lớn có thể yêu cầu màu sắc sản phẩm theo ý thích.
Kỹ thuật in 3D cho phép nhà thiết kế tạo hình sản phẩm ở dạng đắp lớp liền mạch từ một “đường chỉ” vật liệu duy nhất, trái ngược với cách in cắt khối hoặc thông qua khuôn đúc truyền thống, vốn thường tiêu tốn nguyên nhiên liệu nhiều hơn.
Với bộ sưu tập văn phòng phẩm, Bene đang muốn hiện thực hóa khái niệm “nền sản xuất tuần hoàn” - khi doanh nghiệp kéo dài vòng đời mặt hàng bán lẻ để chúng có thể được linh động tái sử dụng và tái chế nhiều lần. Mô hình này giúp giảm thiểu sức ép về rác thải đồng thời khuyến khích người tiêu dùng xây dựng thói quen tái chế, nhờ đó đem đến lợi ích cho nhà sản xuất, khách hàng cũng như môi trường tự nhiên.
|
Ohmie có thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với không gian làm việc, học tập lẫn để trang trí nội thất - Ảnh: Dezeen |
Cách Áo không xa, tại quốc gia láng giềng Italy, thương hiệu trẻ Krill Design cũng đang nỗ lực thúc đẩy ý tưởng sản xuất tuần hoàn bằng công nghệ in 3D. Sản phẩm phụ kiện văn phòng xanh hóa Krill Design vừa ra mắt là Ohmie - mẫu đèn bàn gọn nhẹ được làm từ vỏ cam.
Đội ngũ thiết kế lựa chọn vỏ cam, vốn lâu nay vẫn bị xem là loại rác thải thừa mứa trên đảo Sicily, miền nam nước Ý. Mỗi chiếc đèn để bàn kiểu dáng trang nhã làm từ vỏ của khoảng 2 - 3 trái cam được thu gom tại một nhà máy sản xuất thực phẩm thuộc tỉnh Messina, Sicily.
“Chúng tôi cần một loại chất liệu với nguồn cung sẵn có dồi dào. Ngành nông nghiệp Sicily hiện cung ứng đến 3% tổng sản lượng cam toàn cầu. Đây là lợi thế giúp chúng tôi có thể thường xuyên thu mua, tái tạo vỏ cam thành sản phẩm tiêu dùng hữu ích. Qua những dự án như Ohmie, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy một dây chuyền sản xuất tuần hoàn vì môi trường. Cam là một trong những biểu tượng về nước Ý. Lồng ghép vào chất liệu này thông điệp bảo vệ môi trường, chúng tôi tin sẽ tạo nên ấn tượng đẹp cho người tiêu dùng” - nhóm chuyên gia thiết kế của Krill Design chia sẻ trên tạp chí kiến trúc Dezeen (Anh).
|
Thiết kế máy lọc nước bằng đất nung của Lucas Couto - Ảnh: Yanko Design |
Không chỉ có thiết kế nhỏ gọn, tiện dụng, Ohmie còn trông bắt mắt với sắc cam đỏ tự nhiên và tỏa hương thơm thanh nhẹ phảng phất của vỏ cam. “Mẫu đèn làm hoàn toàn từ vật liệu thuần tự nhiên. Do đó, đến khi không còn khả dụng nữa, nó có thể dễ dàng được tái chế thành phân bón hay nhiên liệu sinh học” - nhóm thiết kế tại Krill Design cho biết.
Cảm hứng đổi mới với chất liệu xanh
Khai thác nguyên vật liệu hữu cơ, ẩn chứa giá trị văn hóa xã hội gần gũi đang trở thành tiêu chí chung, lôi cuốn nhiều thương hiệu trẻ vào xu thế sản xuất phụ kiện văn phòng bền vững. Tiếp nối nét đặc sắc nơi Ohmie là bộ sưu tập phụ kiện bằng đất sét nung của nhà thiết kế gốc Brazil Lucas Couto.
“Đất sét là chất liệu hữu cơ tự nhiên phổ biến ở rất nhiều quốc gia phát triển. Chúng thân thiện với môi trường, dễ tạo hình, giá thành rẻ” - Couto nói. Anh lấy cảm hứng sáng tạo bộ sản phẩm gồm đèn văn phòng, máy tạo ẩm và máy lọc nước từ mặt hàng đất nung truyền thống của quê hương Nam Mỹ.
|
Nút bần được tái sinh thành nhiều sản phẩm phụ kiện văn phòng - Ảnh: Mind The Cork |
“Một mặt, tôi muốn tôn trọng vẻ đẹp mang tính di sản ở đất sét. Mặt khác, tôi không muốn chỉ đơn thuần hiện đại hóa thiết kế phụ kiện. Chẳng hạn với máy lọc nước, tôi chọn một tạo hình cổ điển trong khi bổ sung thêm điểm nhấn mới thiết thực: quai cầm tiện cho việc di chuyển cùng lớp đế đặt ly nước. Đất sét còn được ưa chuộng nhờ đặc tính làm mát và loại bỏ độc tố. Đó là lý do tôi nghĩ ngay đến những sản phẩm hữu ích có công năng tương tự như máy lọc nước, tạo ẩm” - nhà thiết kế bày tỏ.
“Sự khéo léo, chăm chút trong khâu thiết kế, nỗ lực đổi mới cùng thông điệp vì môi trường là ba chủ trương nền tảng của nhiều nhà sản xuất phụ kiện văn phòng hiện đại” - Jenny Espirito Santo, Giám đốc sáng lập Mind the Cork - nhận định.
Công ty chuyên doanh văn phòng phẩm từ chất liệu tái chế có trụ sở tại Anh gây ấn tượng với những phụ kiện để bàn làm từ nút bần. “Nguồn gốc nút bần thực chất là lớp vỏ ngoài cùng của cây sồi. Bạn có thể cạo đi lớp ngoài mà không làm tổn hại cây. Thậm chí hoạt động này còn kích thích cây hấp thu nhiều khí CO2 hơn” - Santo cho biết.
Xoay quanh làn sóng sản xuất phụ kiện bền vững, nữ doanh nhân chia sẻ quan điểm: “Các đơn vị kinh doanh như chúng tôi hẳn nhiên luôn muốn cân nhắc tới yếu tố môi trường trong mọi hoạt động. Thế nhưng, quan trọng không kém là yếu tố con người. Chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm thật sự thân thiện và truyền cảm hứng đến khách hàng”.
Như Ý