Ẩn hoạ từ phụ kiện điện thoại siêu rẻ

07/10/2020 - 11:00

PNO - Nhiều loại phụ kiện điện thoại có giá siêu rẻ đã và đang xuất hiện khắp nơi nhưng nguồn gốc mập mờ, chất lượng chưa được kiểm chứng.

Dây sạc đa năng giá 20.000 đồng, tai nghe bluetooth giá 40.000 đồng, cùng nhiều loại phụ kiện điện thoại có giá siêu rẻ đã và đang xuất hiện khắp nơi nhưng nguồn gốc mập mờ, chất lượng chưa được kiểm chứng.

Phụ kiện lề đường giá rẻ bất thường

Tám giờ sáng, trên lề đường Điện Biên Phủ (Q.3, TPHCM) loa quảng cáo bán dây sạc điện thoại giá rẻ inh ỏi: “Dây sạc đa năng giảm giá, chỉ còn 20.000 đồng”. Lời quảng cáo thu hút sự quan tâm của nhiều người đi đường. Nam thanh niên bán hàng cho biết, thường ngày, một dây cáp sạc điện thoại có giá từ 70.000-100.000 đồng, nhưng hôm nay “xả kho” nên bán rẻ cho mọi người trong một ngày duy nhất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, quầy bán sạc điện thoại lề đường này đã xuất hiện một tuần nay và có khá đông khách ghé mua vì giá rẻ.

Nhiều loại phụ kiện điện thoại được bày bán ở lề đường TP.HCM không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Nhiều loại phụ kiện điện thoại được bày bán ở lề đường TP.HCM không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Tương tự, hai tuần qua, tại giao lộ Võ Văn Kiệt - An Dương Vương (Q.8) cũng xuất hiện một điểm bán tai nghe bluetooth giá siêu rẻ. Theo người bán, một cặp tai nghe ở đây chỉ có giá 40.000 đồng và có thể dùng cho cả điện thoại iOS và Android. “Cái này bên em nhập thẳng từ bên kia về nên mới có giá như vậy. Loại này ở trên mạng bán giá gấp ba lần”, người bán hàng nói.

Chúng tôi mang hai loại phụ kiện trên đến chi nhánh của một hệ thống bán lẻ thiết bị điện tử ở TPHCM để đối chiếu, anh Đ., nhân viên quản lý ở đây, cho biết cửa hàng không bán hai loại phụ kiện này vì đó không phải hàng chính hãng. Có lẽ là hàng trôi nổi nên mới có giá rẻ hơn rất nhiều so với giá chính hãng.

“Loại dây sạc một đầu, dài một mét, thông thường đã có giá trên 100.000 đồng; dây sạc đa năng ba đầu rẻ nhất cũng 220.000 đồng chứ không bao giờ có giá 20.000 đồng. Tương tự, một cặp tai nghe bluetooth trên thị trường cũng có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Giá bán chỉ vài chục ngàn là quá bất thường”, anh Đ. nhận định.

Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, khu vực công viên Lê Thị Riêng, cũng có bán rất nhiều loại phụ kiện điện thoại như sạc pin dự phòng, gậy “tự sướng”, ốp lưng… Đáng nói, sạc pin dự phòng ở đây có giá chỉ từ gần 100.000-500.000 đồng tùy vào dung lượng, tức là chỉ bằng 1/3 giá tại các cửa hàng chính hãng. Theo người bán, phụ kiện ở đây có giá rẻ hơn là vì sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, lại đa dạng mẫu mã nên được nhiều người chọn.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Huỳnh Ngân (Q.5), cho biết: “Sắp tới mình cũng cần đến sạc pin dự phòng. Lâu lâu mới dùng đến mà mua chính hãng thì giá cao, phí, nên mua giá rẻ về dùng tạm, hư thì bỏ”.

Dễ xảy ra sự cố nguy hiểm

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều trường hợp hàng hóa là phụ kiện điện thoại có xuất xứ từ Trung Quốc. Đơn cử, tháng 7/2020, quản lý thị trường thành phố Hải Phòng đã bắt giữ một container chứa hàng ngàn linh kiện điện thoại xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trên sản phẩm này lại ghi là “made in Việt Nam”.

Một cán bộ quản lý thị trường ở TPHCM cho biết: “Tình trạng buôn bán phụ kiện điện thoại không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp trong nhiều năm nay ở TPHCM. Lực lượng quản lý thị trường cũng đã mở nhiều đợt kiểm tra khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3 và Q.10 - nơi được gọi là trung tâm của phụ kiện điện thoại và thu giữ đến hàng chục ngàn phụ kiện có dấu hiệu nhập lậu”.

Những năm gần đây, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Công an TPHCM đã nhiều lần cảnh báo về hiểm họa khi sử dụng các loại phụ kiện này. Theo đơn vị chức năng, tại TPHCM đã từng xảy ra vụ cháy một chung cư cao tầng ở Q.2 do người dân sử dụng sạc điện thoại cắm lâu ngày không rút. Các loại phụ kiện “rởm” thường phát sinh nhiệt lớn, rất dễ gây cháy nổ.

Thời gian qua, ngành y tế cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp nạn nhân bị thương vong do sạc điện thoại gây ra. Và nạn nhân gần đây nhất là anh Lương Thành D., 37 tuổi, bị dập nát bàn tay trái và cụt gần hết ngón tay út. Vụ nổ sạc điện thoại xảy ra ngày 27/5 khi anh D. vừa sử dụng điện thoại di động vừa cắm sạc pin. 

Ông Trang Tuấn Linh - kỹ sư công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, hiện đang là nhân viên kỹ thuật cho một đơn vị ở TPHCM - cho biết: “Thông thường sự cố cháy, nổ điện thoại có nguyên nhân từ chiếc sạc chứ không phải do pin. Bởi lẽ, sạc không đạt chuẩn sẽ làm pin bị phồng, đến một lúc nào đó thì lớp vật liệu bọc pin sẽ quá giới hạn chịu đựng, gây nổ”.

Ông Linh phân tích, ở bộ sạc điện thoại sẽ có một thiết bị để chuyển đổi nguồn điện 220V xuống điện áp 5V. Nếu thiết bị này đạt chuẩn thì nguồn điện đầu ra 5V sẽ không gây nguy hiểm. Nhưng nếu bộ sạc không đạt chuẩn sẽ gây sự cố, điện áp đầu ra tăng lên sẽ làm hỏng pin, gây nổ hoặc gây rò rỉ điện áp lớn, gây giật điện, bỏng cho người tiếp xúc.

“Điện áp đầu ra điện thoại tăng lên có thể gây cháy, nổ điện thoại, người chạm vào bị điện giật. Đa số trường hợp bị sự cố điện thoại là do yếu tố này. Do đó, chúng ta nên chọn loại sạc phù hợp với thiết bị, tức là phụ kiện chính hãng để đảm bảo an toàn. Tốt nhất là không nên sử dụng điện thoại khi đang sạc”, ông Linh khuyến cáo. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI