Phụ huynh vô tình làm lộ thông tin khi khoe con trên mạng

17/03/2023 - 16:50

PNO - Các chuyên gia đã chỉ ra nguy cơ lộ, lọt thông tin cũng như cách thức tội phạm đánh vào tâm lý phụ huynh trong các vụ lừa đảo “con đang cấp cứu” thời gian qua.

Toàn cảnh tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm

Ngày 17/3, Báo Tiền Phong phối hợp Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) tổ chức tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”. 

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chỉ ra nguy cơ lộ, lọt thông tin cũng như cách thức tội phạm đánh vào tâm lý phụ huynh trong các vụ lừa đảo “con đang cấp cứu” thời gian qua.

“Đánh” vào tâm lý thương con

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - phân tích, những đối tượng mà kẻ lừa đảo nhắm tới chủ yếu là phụ nữ bởi tâm lý yếu, “đánh” vào tình mẫu tử. Đồng thời, đây là phụ huynh của các trường tư thục, trường quốc tế, có điều kiện kinh tế tốt. Hiện nay trò lừa đảo này đang lan ra một số địa phương như Long An, Hà Nội, Bình Dương và đa phần cũng nhắm vào các trường quốc tế. Ông cảnh báo phụ huynh cần hết sức tỉnh táo, có những biện pháp để kiểm chứng thông tin, chẳng hạn yêu cầu đối tượng gọi video call hoặc cung cấp hình ảnh học sinh bị tai nạn.

“Hiện nay càng công nghệ hóa thì càng có nguy cơ lộ thông tin. Chúng ta không thể khẳng định nhà trường hoặc ngành giáo dục không làm lộ thông tin mà vấn đề là phải hết sức thận trọng. Hết đợt lừa đảo này có thể bùng nổ đợt khác. Sắp tới biết đâu sẽ là chiêu lừa đảo đóng tiền đi du học. Do đó, cần tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của phụ huynh, học sinh, nếu chúng ta tỉnh táo thì tội phạm khó lòng tấn công” - ông Huỳnh Thanh Phú nói.

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du
Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du

Ông Nguyễn Đình Độ - Hiệu trưởng THPT Thành Nhân - nhận xét không ít trường hợp chính phụ huynh làm lộ thông tin bằng cách khoe con, khoe bằng khen của con lên Facebook, Zalo. Từ đó vô tình tiết lộ đầy đủ thông tin con mình học trường nào, lớp nào. Do đó, các bậc cha mẹ nên hạn chế đưa những thông tin này lên mạng. Đồng thời, phụ huynh cần bình tĩnh hơn vì nhiều trường hợp tin nhắn mạo danh thầy cô đầy lỗi chính tả nhưng phụ huynh vẫn dễ dàng tin. Phụ huynh nên liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm khi có chuyện liên quan đến con em mình. Nếu làm tốt khâu quan hệ giữa gia đình và nhà trường thì không đối tượng nào lừa đảo được.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long - Trường đại học Mở TPHCM - phân tích, chiêu thức lấy sức khỏe, tính mạng học sinh ra lừa đảo dễ dàng khiến phụ huynh rơi vào “bẫy” tình cảm, bởi bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có nhu cầu quan tâm, lo lắng cho con. Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo thậm chí còn thăm dò để biết phụ huynh ở nhóm nghề nghiệp nào, biết thời gian nào đang ở giai đoạn công việc căng thẳng. Tội phạm canh vào lúc chúng ta bận rộn nhất, không có thời gian suy nghĩ tỉnh táo, thiếu sự bình tĩnh, dễ dàng bị tác động. 

Tội phạm chuẩn bị kỹ, có “kịch bản” 

Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh (Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM) thông tin, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng gia tăng sau thời gian dịch bệnh. Hiện nay, mỗi ngày Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận khoảng 20-30 trường hợp với rất nhiều cách thức, thủ đoạn lừa đảo. Trong đó chiêu lừa đảo đang nóng hiện nay là gọi phụ huynh báo tin con bị tai nạn, cấp cứu ở bệnh viện để lừa chuyển tiền.

Theo ông, các đối tượng lừa đảo này có sự chuẩn bị rất kỹ, có kịch bản, phân vai. Chẳng hạn, ban đầu sẽ là cuộc gọi mạo danh giáo viên, sau đó nếu chưa “ép phê” sẽ tiếp tục có thêm cuộc gọi mạo danh bệnh viện hoặc ban giám hiệu để lấy lòng tin của phụ huynh. Dịp 8/3 vừa qua, một hình thức lừa đảo tương tự là mạo danh ban tổ chức lễ hội áo dài TPHCM để lừa phụ huynh đăng ký cho con tham gia tuyển người mẫu nhí. Theo ước tính, số tiền bị lừa đến nay đã trên 5 tỉ đồng.

Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, chiêu lừa đảo đang nóng hiện nay là gọi phụ huynh báo tin con bị tai nạn, cấp cứu ở bệnh viện để lừa chuyển tiền
Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh cho biết chiêu lừa đảo đang nóng hiện nay là gọi phụ huynh báo tin con bị tai nạn, cấp cứu ở bệnh viện để lừa chuyển tiền

Đánh giá về lỗ hổng thông tin, đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh cho rằng 20% lộ, lọt từ cơ quan, đơn vị và đến 80% là do chính cá nhân người đó làm lộ. Đặc biệt là thế hệ gen Z hiện nay hầu hết đều có tài khoản TikTok có thể cho phép truy cập danh bạ để lấy thông tin danh bạ gia đình, hoặc “dính” mã độc trong quá trình truy cập mạng. Do đó, người dân, đặc biệt là các bạn trẻ cần hết sức cẩn trọng trong việc bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt không đưa hình căn cước công dân có mã QR lên mạng.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena - cho hay, mỗi ngày trung tâm tiếp nhận trên 5.000 cuộc tấn công an ninh mạng. Tội phạm công nghệ cao không có biên giới, nhiều cuộc gọi giả mạo không phải ở TPHCM mà từ nước ngoài, để truy tìm là cả vấn đề. Hiện nay, rủi ro trong lộ, lọt thông tin không chỉ xuất phát từ việc cung cấp thông tin cho các trung tâm ngoại ngữ, tổ chức chiêu sinh...

Đáng lo ngại nhất là học sinh ngày nay sử dụng TikTok hoặc chơi game rất nhiều và từ đây tiềm ẩn nguy cơ mất dữ liệu, mất an toàn thông tin mạng. Có trường hợp con cái chơi game mà ba mẹ mất toàn bộ dữ liệu tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân. Do đó, phải thường xuyên có những chương trình huấn luyện để học sinh thấy được cạm bẫy trên không gian mạng, thấy được việc chơi TikTok, chơi game tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ gì. Từ đó, các em mới có sức đề kháng, có những phương pháp phòng ngừa giúp bản thân an toàn hơn trên không gian mạng. 

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI