Phụ huynh Trung Quốc tự xử nạn bắt nạt ở trường

23/12/2016 - 11:35

PNO - Vấn nạn bị bắt nạt ở trường ngày càng nan giải, chính sách và các biện pháp bất cập, một số phụ huynh ở Trung Quốc đi đến quyết định “thay trời hành đạo”.

Mới đây, một clip gây sốc ghi hình ảnh cậu bé 12 tuổi ở Thâm Quyến bị bạn học đánh dã man, gây nên làn sóng phẫn nộ khắp Trung Quốc. Trong lúc vấn nạn này ngày càng nan giải, chính sách và các biện pháp bất cập, một số phụ huynh đi đến quyết định “thay trời hành đạo”.

Họ sử dụng mạng xã hội như phương thức đảm bảo công lý. Thông qua sự phẫn nộ của đám đông trên internet, họ tạo áp lực để nhà chức trách phải bắt tay hành động. Đó là cách một bà mẹ ở Bắc Kinh làm tuần trước khi đưa câu chuyện thương tâm về con trai 10 tuổi của mình lên ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat.

Phu huynh Trung Quoc tu xu nan bat nat o truong
Một bà mẹ ở Bắc Kinh đưa câu chuyện thương tâm về cậu con trai 10 tuổi bị nhóm bạn đánh đập lên mạng nhắn tin WeChat, lập tức tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ - ẢNH: WECHAT

Đứa bé bị bắt nạt suốt một năm học, đỉnh điểm là việc bạn học cùng lớp ném phân và rác vào người, cuối cùng cậu bé được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng cấp tính. Đáng chú ý, Trường tiểu học Zhongguancun số 2 nơi xảy ra sự việc, một trong những trường nổi tiếng nhất của Bắc Kinh, tìm cách chối phăng vụ việc. Người mẹ viết: “Chúng tôi biết rõ các nạn nhân ở đây, chúng tôi chỉ yêu cầu trường xử lý vụ này và xin lỗi, nhưng tại sao lại đối xử với chúng tôi như vậy?”.

Câu chuyện đầy bức xúc được người mẹ đăng lên mạng đã tạo làn sóng đồng cảm và giận dữ, tranh thủ được cảm tình của hàng triệu người cũng như các phương tiện truyền thông, khiến nhà trường vội vã thông báo công khai mọi chuyện.

Về clip bắt nạt đang gây sốt trên mạng được quay tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, nạn nhân bị đánh hội đồng là cậu bé 12 tuổi từ chối nộp tiền “bảo kê” cho băng đảng trong trường. Trước sự phản ứng và lên án dữ dội của cư dân mạng, các quan chức địa phương vội tìm cách… hòa giải.

Gia đình của những “đại bàng con” xin lỗi và bồi thường chi phí thuốc men cũng như các tổn thất khác cho nạn nhân. Điều đáng buồn là, dùng tiền để giải quyết một vụ bắt nạt tuy không chính thống, nhưng lại phổ biến và được khuyến khích ở Trung Quốc.

Pháp luật bảo vệ trẻ vị thành niên của Trung Quốc khuyến cáo các trường “thực hiện giáo dục chống bắt nạt” và “đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân”, nhưng các nhà hoạt động nói biện pháp đó quá mơ hồ và thiếu chế tài. Dù chính phủ cố gắng cải thiện vấn đề này, bao gồm sửa đổi quy định liên quan, nhưng nhiều phụ huynh cũng như truyền thông nhà nước nói rằng cần có các biện pháp cứng rắn hơn.

Tờ Global Times của Trung Quốc lên tiếng nhạo báng rằng các quy định hiện hành “đã rụng hết răng”, tức là kém hiệu năng, đồng thời thiếu số liệu và phân tích chính thức về tình trạng bắt nạt trong các trường học ở nước này.

Lý do khiến việc đưa lên mạng xã hội hay bồi thường (bằng tiền) được lựa chọn, vì các biện pháp “không chính thống” này nhanh và hiệu quả hơn so với việc theo đuổi một cáo buộc hình sự. Nhưng việc phụ huynh “thay trời hành đạo” không phải là giải pháp lâu dài. Phụ huynh sẽ gặp bế tắc khi tìm cách điều chỉnh pháp lý các vụ việc nghiêm trọng, vì theo luật bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong những vụ án nghiêm trọng nhất như giết người và hiếp dâm.

Tháng 6/2015, báo chí Trung Quốc đưa tin Huang Tanghong (15 tuổi), nam sinh một trường trung học ở tỉnh Phúc Kiến bị ba bạn học hành hung phải nhập viện vì giập lá lách. Một người em họ của Huang đưa vụ việc, kèm theo hình ảnh nạn nhân lên mạng xã hội Weibo, để kêu gọi công lý. Sự việc khiến công chúng rất giận dữ đòi chính quyền vào cuộc.

Phu huynh Trung Quoc tu xu nan bat nat o truong
Huang Tanghong, một học sinh Phúc Kiến 15 tuổi, nhập viện vì bị nhóm bắt nạt đánh giập lá lách tháng 6/2015 - ẢNH: BEIJING TODAY/ GETTY IMAGES

Những kẻ bắt nạt sau đó bị bắt, nhưng không lâu sau tất cả đều được thả vì cha mẹ chúng đã bồi thường 210.000 nhân dân tệ (33.000 USD) cho gia đình Huang. Vụ việc của Huang và một chuỗi trường hợp tương tự đã làm dấy lên những phản ứng gay gắt về việc thiếu sự bảo vệ pháp lý cho các nạn nhân bị bắt nạt ở trường học.

Những năm gần đây, nạn bắt nạt học đường ở Trung Quốc tăng đột biến, ước tính 1/5 số học sinh bị bắt nạt. Theo khảo sát trong 5.000 học sinh do Trung tâm Nghiên cứu thanh thiếu niên Trung Quốc tiến hành đầu năm 2016, có 32,5% học sinh “bị bắt nạt nhẹ” và 6% “bị bắt nạt nghiêm trọng”.

Trước đó, năm 2012, các chuyên gia công bố một nghiên cứu mang tên “Nạn dịch bắt nạt: Vấn đề của ai?”, thực hiện tại bốn thành phố ở tỉnh Quảng Đông, cho thấy 21% học sinh trung học từng dính líu đến nạn bắt nạt ở trường, trong đó các em là thủ phạm, nạn nhân, hoặc cả hai.

Sự ra tay của phụ huynh Trung Quốc chỉ là tự phát và lẻ tẻ, khi liên quan đến con em họ. Vấn nạn bắt nạt ở trường đòi hỏi nhà chức trách giải quyết tận gốc rễ dưới góc độ pháp luật và giáo dục.

Hoàng Diệu (Theo BBC, CNN, Beijing Today, Beijing Kids, nobullying.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI