Phụ huynh, thí sinh bao vây thầy cô giáo hô lớn:"Hãy để chúng tôi gian lận!"

18/06/2016 - 07:06

PNO - Tình trạng gian lận thi cử của học sinh Trung Quốc đã trở thành vấn nạn quốc gia, đặc biệt trong kỳ tuyển sinh ĐH hằng năm và các cuộc thi SAT, GRE với mục đích du học tại các trường hàng đầu của Mỹ và các nước.

Lời đề nghị trắng trợn và phi lý đó là có thật, do một số thí sinh quay cóp bị bắt trong kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) ở tỉnh Hồ Bắc nói ra. Tình trạng gian lận thi cử của học sinh (HS) Trung Quốc đã trở thành vấn nạn quốc gia, đặc biệt trong kỳ tuyển sinh ĐH hằng năm (gaokao) và các cuộc thi SAT, GRE với mục đích du học tại các trường hàng đầu của Mỹ và các nước. Đâu là nguyên nhân sự xuống cấp đạo đức thê thảm như vậy?

Kỳ thi tuyển sinh ĐH của Trung Quốc (TQ) được đánh giá là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới. Kỳ thi diễn ra khoảng giữa tháng Sáu hằng năm, hàng triệu thí sinh cạnh tranh để có được một chỗ ở trường ĐH. Năm 2016, dự kiến 9,4 triệu HS trung học thi ĐH, trong khi chỉ có ba triệu chỉ tiêu vào các trường.

Phu huynh, thi sinh bao vay thay co giao ho lon:
Kỳ thi năm 2016 được cho là “nghiêm khắc nhất” trong lịch sử thi cử ở Trung Quốc. Có địa phương cấm thí sinh mang đồng hồ và các vật kim loại, áo ngực có móc kim loạI - Ảnh: BBC

Trở lại vụ Hồ Bắc. Trong kỳ thi ĐH tháng 6/2013, hàng chục giáo viên tại một trường học ở thành phố Chung Tường bị thí sinh và phụ huynh bao vây sau khi các thầy cô này ngăn chặn hành vi quay cóp. Đám đông vừa uy hiếp các thầy giáo, vừa hô lớn: “Chúng tôi muốn có công bằng. Hãy để chúng tôi gian lận!”. Vụ việc đã gây chấn động dư luận xã hội TQ. Đáng buồn, có người hỏi rằng, ở TQ ai cũng tìm cách phạm luật, vậy việc HS quay cóp bị bắt là “có công bằng hay không?”.

Hầu hết phụ huynh TQ trong nhiều năm đã kiên trì rót vào tai con cái chân lý mà họ coi là chìa khóa thành công, rằng mục tiêu sống còn là được vào học tại một trường tốt. Từ nhỏ, các em phải thấm nhuần định hướng này, hệ quả là các em không thể bồi đắp khát vọng học hỏi, cũng không có cảm hứng học tập để sống một cuộc đời nhiều ý nghĩa. Chính sách kế hoạch hóa gia đình dẫn đến phần lớn HS Trung Quốc là con một, gánh nặng phụng dưỡng bố mẹ, ông bà đều đặt lên vai họ. Vì vậy, áp lực thi tốt để thành công càng nặng nề.

Hơn nữa, sự thật đau lòng là nền giáo dục TQ quá nhấn mạnh điểm đến hơn là hành trình, biến kiến thức thành sản phẩm có thể mua bán, tranh cướp. HS không thấy quay cóp là hành vi sai trái, chưa kể vấn nạn quan chức tiết lộ đề thi. Áp lực thi cử khiến không ít HS TQ quá thất vọng phải tìm đến cái chết. Tháng 8/2014, một nam sinh tại tỉnh Tứ Xuyên nhảy từ vách đá cao tự tử vì điểm thi quá thấp. Trước đó hai tháng, HS họ Vương (18 tuổi) ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy nhảy lầu từ tầng 27 chỉ vài giờ sau khi nhận được kết quả thi đại học…

Gian lận trong thi cử hiện chính thức bị coi là phạm tội hình sự ở TQ. Những trường hợp gian lận bị đình chỉ thi trong nhiều năm, nếu liên tục vi phạm hoặc nhờ người thi hộ có thể phải đối mặt với án tù lên đến bảy năm. Tuy nhiều người cho rằng hình phạt này quá khắc nghiệt, nhưng đó chính là điều ngành giáo dục TQ đang cần. Điều kinh khủng của giáo dục TQ là gian lận không chỉ phổ biến trong tuyển sinh ĐH, mà còn hiện diện ở các kỳ thi tuyển sinh du học.

Ước tính khoảng 90% thư giới thiệu cho các thí sinh TQ nhập học các trường ĐH Hoa Kỳ là giả mạo, khoảng 70% nguyện vọng trong đơn xin học không phải do chính các em viết và 50% học bạ được “phù phép” đẹp như mơ! Điều đáng nói, khi HS TQ đặt chân đến một trường ở Mỹ, nhiều “dịch vụ gian lận” đã có sẵn. Tháng trước, hãng Reuters công bố sự thật chấn động về việc sinh viên TQ gian lận ở M ỹ, từ dịch vụ chợ đen làm bài tập, viết tiểu luận thuê cho đến thi thuê.

Phu huynh, thi sinh bao vay thay co giao ho lon:
Một người mẹ cầu nguyện bên ngoài phòng thi - Ảnh: BBS.VOC.COM

Theo báo cáo của Viện Giáo dục quốc tế phối hợp với một công ty chuyên về dịch vụ du học ở Pittsburgh (Mỹ), trong số 274.000 sinh viên TQ nhập học ở Mỹ năm học 2013-2014, có khoảng 8.000 sinh viên bị trục xuất. Hầu hết sinh viên “rớt đài” vì điểm trung bình (GPA) quá thấp, thiếu trung thực trong học tập và vi phạm quy chế...

“Sách trắng về vấn đề sinh viên TQ bị đuổi học ở Mỹ” năm 2015 cho thấy, 58% lưu học sinh bị đuổi khỏi trường do điểm trung bình thấp, gian lận thi cử chiếm 23%. Không giống như các lưu học sinh TQ ở Mỹ 20 năm trước (chủ yếu là con nhà nghèo học hành chăm chỉ để giành học bổng), HS TQ ngày nay phần lớn là con em gia đình khá giả và đi du học sau khi không lọt vào các trường tốt trong nước. 

Hoàng Diệu (Theo SCMP, Xinhua, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI