Sáng 10/3, các hội nhóm trên mạng xã hội xôn xao với nội dung được phát tán từ YouTuber Thơ Nguyễn. Cụ thể, trên trang Tik Tok, Thơ Nguyễn đăng tải một đoạn clip với nội dung xin vía học giỏi từ búp bê cho các em nhỏ. Nữ YouTuber cho rằng việc xin vía học giỏi không có gì sai, nên sẽ xin giúp các em.
Thơ Nguyễn cho rằng trước khi cầu khấn điều gì phải cho búp bê ăn uống. Cô bật nắp một lon nước ngọt có ga, rồi tỏ vẻ ngạc nhiên: “Đó các em thấy chưa, mập tham chưa, uống như vậy là các em học giỏi lắm đó, uống quá trời luôn”.
Không khó để người xem nhận ra việc này tương tự như việc sử dụng loại búp bê có linh hồn Kumathong của Thái Lan và nội dung này độc hại với trẻ nhỏ.
Sau đó, Thơ Nguyễn lên tiếng giải thích. Cô nói do Tik Tok giới hạn thời gian clip trong 60s nên chia làm 2 clip. Trong clip sau Thơ Nguyễn có nói việc học giỏi phải do mình, chứ không thể cầu khấn.
Nhưng lời giải thích này không được phụ huynh đồng tình. Họ cho rằng Thơ Nguyễn nên ý thức ngay từ đầu để không thực hiện nội dung phản cảm, truyền bá mê tín dị đoan như thế. Cô phải hiểu bản thân có sức ảnh hưởng lớn đến trẻ em.
|
Hình ảnh Thơ Nguyễn ôm búp bê được cắt từ đoạn clip |
Thơ Nguyễn không còn là cái tên xa lạ với cộng đồng sáng tạo nội dung tại Việt Nam. Cô sở hữu kênh YouTube với hơn 8,7 triệu lượt đăng ký, chuyên sản xuất các video review đồ chơi, hướng dẫn làm làm món ăn đơn giản, đồ chơi handmade… Có người ước tính kênh YouTube này thu về hàng chục tỷ đồng/năm.
Các video của Thơ Nguyễn được lòng trẻ em, nhưng nhiều nội dung được cho là nguy hại hoặc chưa kiểm tra được mức độ tác động nguy hiểm đến trẻ nhỏ như: tắm trong bồn thạch đủ màu sắc, 24g sống trong lồng chim khổng lồ, các thí nghiệm, thử thách chơi với đá khô, sống ở bãi rác trong 24g…
Nhiều phụ huynh cho biết từ lâu họ đã bức xúc với kênh giải trí này, nhưng không thể cấm con xem. Nay khi sự việc Thơ Nguyễn dùng búp bê Kumathong, những nỗi lo lại trỗi dậy.
|
Hình ảnh cắt từ clip Thơ Nguyễn hướng dẫn tắm trong bồn thạch |
Dù rằng YouTube đã có những quy định siết chặt nội dung có thể gây hại cho trẻ em, nhưng việc rà soát bằng trí tuệ nhân tạo vẫn có những kẽ hở. Nền tảng này cũng đã quy hoạch kênh YouTube Kids để dành cho đối tượng trẻ em, nhưng đa số những nội dung trong đó phần lớn chỉ đáp ứng nhu cầu cho những trẻ tuổi mầm non.
Với nhóm trẻ bậc tiểu học hoặc đầu trung học cơ sở, nội dung giáo dục, giải trí trên YouTube gần như là một vùng trống, trong khi nhóm tuổi này bắt chước, học hỏi rất nhanh. Kênh YouTube của Thơ Nguyễn đón trọn nhu cầu này, để từ một người bình thường, chị Thơ Nguyễn nhanh chóng trở thành idol của lũ trẻ.
Chị Hồng Liên, một phụ huynh ở TP.HCM cho biết con chị xem kênh này thường xuyên, từng bắt chước dựng lều cắm trại cả ngày trên sân thượng nắng chói chang. Chị Lan Anh ở Bình Dương thì cho biết toàn bộ đám cháu trong nhà đều nhái theo cử chỉ hành động và giao tiếp bằng giọng nói của Thơ Nguyễn. Điều này khiến người lớn khó chịu và ra sức kiểm soát, chấn chỉnh con, nhưng dường như không thể.
Một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ rằng, bạn bè của con anh cứ mở miệng là bàn tán đề tài các clip mới của Thơ Nguyễn, nên con anh không xem được coi là "nhà quê".
Trên các diễn đàn, phụ huynh đồng loạt bày tỏ sự giận dữ và tuyệt vọng khi con họ hâm mộ Thơ Nguyễn. Họ chia sẻ rằng, idol của lũ trẻ ăn nói thô tục, vô duyên, vô văn hoá, nhảm nhí. Làn sóng giận dữ trở nên mạnh hơn khi có nhiều ý kiến rủ nhau báo cáo (report) kênh và yêu cầu cơ quan chức năng "ra gậy" xử lý.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì việc sử dụng mạng xã hội để truyền bá những nội dung mê tín dị đoan có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Cụ thể trong trường hợp này, sở thông tin truyền thông nơi Thơ Nguyễn đang sinh sống phải vào cuộc để kiểm tra, xử lý.
Hiện tại, chưa biết đến khi nào những nội dung trên mới được cơ quan chức năng xem xét. Nhưng rõ ràng việc xử lý chỉ là khâu dọn dẹp sau khi hàng triệu trẻ em đã xem clip và bị ám ảnh bởi thần tượng Thơ Nguyễn.
Hiện, nếu đồng loạt phụ huynh báo cáo sai phạm (report) với YouTube, chủ nhân của kênh Thơ Nguyễn có thể bị khoá kênh, trẻ nhỏ cũng mất một địa chỉ giải trí. Tuy nhiên, theo nhiều cha mẹ, đây là cách duy nhất để bảo vệ con em, vì họ cũng bận rộn, không thể suốt ngày theo dõi để biết con mình xem gì.
Trung Sơn