Phụ huynh rối bời với tuyển sinh đầu cấp

09/07/2024 - 06:10

PNO - Thời điểm này, việc tuyển sinh đầu cấp (lớp Một, lớp Sáu) ở TPHCM đang tập trung vào đợt 1 - ưu tiên tuyển học sinh cư trú thực tế tại địa bàn quận, huyện. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cảm thấy rối bời khi nhận thông báo kết quả phân tuyến của con.

Mỗi năm phân tuyến một kiểu

Nhiều phụ huynh ở phường 15, quận Gò Vấp cho biết, dù nhà ngay sát Trường tiểu học Lê Đức Thọ nhưng con vẫn “rớt” lớp Một trường này, trong khi con lớn đang học ở đây. “Cùng một cấp học nhưng 2 đứa học 2 trường” - một phụ huynh than vãn.

Hy hữu là trường hợp gia đình anh T.L. - ngụ phường 14, quận Gò Vấp - khi gia đình có 3 con cùng học bậc tiểu học nhưng được phân 3 trường khác nhau. Gia đình anh thường trú ở một địa chỉ hơn 10 năm nay. Cách đây 4 năm, đứa con đầu của anh được phân về Trường tiểu học Lê Quý Đôn. Năm trước, đứa con thứ hai được phân về Trường tiểu học Lam Sơn. Còn năm nay, bé thứ ba lại được phân về Trường tiểu học Lê Văn Thọ.

“Tôi không khỏi ngao ngán khi nhận kết quả này. Bởi 2 đứa trước học 2 trường khác nhau vợ chồng tôi đã rất vất vả trong việc đưa đón. Giờ 3 đứa cùng một cấp học lại học ở 3 trường chúng tôi không biết thế nào. Tại sao mỗi năm lại phân về một trường, làm phụ huynh khó khăn vô cùng?” - anh T.L. nói.

Phụ huynh làm thủ tục nhập học lớp Một năm học 2024-2025 cho con tại Trường tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp, TPHCM)
Phụ huynh làm thủ tục nhập học lớp Một năm học 2024-2025 cho con tại Trường tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp, TPHCM)

Tương tự, chị X.H. - ngụ phường Phú Thạnh, quận Tân Phú - cũng cho biết, việc tuyển sinh lớp Sáu năm nay rất lộn xộn khi phân tuyến dựa trên bản đồ định vị GIS. Cụ thể, nhiều học sinh ở phường Phú Thọ Hòa thì được phân sang Trường THCS Đồng Khởi (phường Phú Thạnh). Ngược lại, nhiều học sinh ở phường Phú Thạnh lại được phân về Trường THCS Lê Anh Xuân (phường Phú Thọ Hòa).

“Những năm trước, học sinh phường nào phân về trường thuộc phường đó, khi trường nhận không hết mới phân sang trường gần đó. Chúng tôi đã lên Phòng GD-ĐT Tân Phú phản ánh và phòng đã yêu cầu các trường ưu tiên nhận học sinh gần trường. Nhưng khi tôi lên làm đơn thì trường cho biết chỉ hỗ trợ nhận học sinh cách trường 100m trở lại, còn chúng tôi cách trường 400 - 500m nên không được” - chị X.H. bức xúc nói.

Có con vào lớp Sáu năm nay, chị N.Y. cho biết, nhà chị thuộc phường 26, quận Bình Thạnh. Theo tuyến, con sẽ về Trường THCS Lê Văn Tám nhưng lại bị phân qua Trường THCS Rạng Đông ở phường 12, đi học xa hơn. “Nhà ngay sát trường nhưng con không được phân về trường. Như vậy, nói phân tuyến theo phường nhưng con lại phải học trái tuyến ở phường khác?” - chị N.Y. thắc mắc.

Nhiều phụ huynh ở quận 12, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn… cũng phản ánh trường hợp tương tự, khi con được phân tuyến về các trường cách nhà rất xa.

Học sinh đông, áp lực phân tuyến

Giải thích tình trạng mỗi năm phân tuyến về một trường, ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp - cho biết: “Công tác tuyển sinh mỗi năm không giống nhau vì lệ thuộc vào số lượng học sinh. Năm nào ít thì phân khác, nhưng nếu học sinh tăng thì phải tính toán lại. Việc tuyển sinh đầu cấp vì thế rất áp lực”.

Đặc biệt, phường 9 của quận này chưa có trường tiểu học và THCS, nên các phường lân cận phải “gánh” thay. Ông Trịnh Vĩnh Thanh nói thêm: “Người dân đề xuất xây trường nhiều năm nay. Chúng tôi cũng biết nhưng chưa tìm được đất để xây dựng. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh trực tuyến dựa trên bản đồ GIS, không phân biệt tạm trú, thường trú nên học sinh tăng lên rất lớn. Trước khi thực hiện phân tuyến, chúng tôi đã trao đổi kỹ với cán bộ các phường để họ truyền đạt đến cha mẹ học sinh nắm trước tình hình. Do vậy, việc anh em một nhà mỗi đứa học một trường là chuyện bình thường, mong người dân chia sẻ khó khăn này với chúng tôi”.

Trả lời tương tự, ông Phan Sĩ Đạt - Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú - thừa nhận, xảy ra một vài trường hợp bị trục trặc khi năm đầu tiên sử dụng bản đồ GIS để định vị phân tuyến. “Chúng tôi đã giải quyết bằng cách sắp xếp lại cho các bé cách trường từ dưới 100m được học ở trường gần nhà, hoặc chuyển lại những bé bị phân tuyến quá xa. Nhiều hơn nữa thì không thể nào giải quyết hết được vì chỗ học rất khó khăn, không thể sắp xếp cho tất cả học sinh gần nhà được, vì như vậy sẽ có những học sinh thuộc phường không có trường phải đi học rất xa. Ưu tiên lớn nhất khi phân tuyến là làm sao đủ chỗ học cho học sinh trước” - ông nói và cho biết việc phần mềm gặp trục trặc hiện đã được điều chỉnh.

Còn ông Trần Anh Kiệt - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh - cho hay, Trường THCS Lê Văn Tám nhận học sinh của phường 26. Tuy nhiên, riêng phường này có tới 2 trường tiểu học, số học sinh lớp Năm vào lớp Sáu hằng năm rất đông nên không thể nhận hết. Để công bằng, quận phải đưa ra quy định đầu vào, trường nhận học sinh thường trú - đang sinh sống thực tế tại phường 26, đã hoàn thành chương trình lớp Năm tại quận Bình Thạnh và tổng điểm kiểm tra cuối kỳ học kỳ II của lớp Năm (toán, tiếng Việt) từ 19,5 điểm. Như vậy, với trường hợp con của chị N.Y., điểm kiểm tra cuối kỳ học kỳ II của lớp Năm đạt 19,125 là chưa đủ điều kiện vào Trường THCS Lê Văn Tám. “Tất cả học sinh khi hoàn thành chương trình lớp Năm đều được phân tuyến về các trường trong quận, gần nhà nhất có thể nên phụ huynh không nên quá lo lắng” - ông Trần Anh Kiệt nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám - cho biết, trường có 8 lớp Sáu, trong đó có 2 lớp tích hợp (mỗi lớp 35 em), còn lại 6 lớp (mỗi lớp khoảng 45 em). Trong khi đó, danh sách quận phân về khoảng 350 chỉ tiêu. Tuy nhiên, sau khi tuyển xong đợt 1 sẽ có một số thí sinh không nhập học. Nếu thiếu trường sẽ tiếp tục tuyển sinh đợt 2.

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, điểm mới của tuyển sinh đầu cấp năm nay là mở rộng phạm vi áp dụng hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS) hỗ trợ công tác tuyển sinh toàn thành phố. Thông qua bản đồ GIS, các địa phương có thể phân bổ học sinh vào các trường phù hợp với khoảng cách từ nhà tới trường, không còn cứng nhắc như trước đây khi phân bổ theo hộ khẩu.

Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng GIS trong tuyển sinh đầu cấp mà bỏ qua các công cụ khác như phổ cập, rà soát địa bàn thì sẽ xảy ra tình trạng dư, thiếu học sinh cục bộ ở một số trường. Thông tin trên GIS vẫn còn một số sai sót hoặc chưa chính xác, đặc biệt ở những khu vực mới, dẫn tới khi phân bổ chỗ học có thể chưa chính xác. Do vậy, các quận, huyện phải linh động hơn trong việc phân tuyến sao cho phù hợp.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI