Tại TPHCM, một phụ huynh có con vào lớp Một Trường tiểu học Lê Trọng Tấn (Q.Bình Tân) cho biết năm học mới, học sinh chưa phải đóng học phí vì đang chờ chủ trương của thành phố. Thế nhưng, “tờ sớ” với mười mấy khoản phí, quỹ đầu năm mà nhà trường vừa đưa ra cũng đủ để phụ huynh đau đầu. Trong đó, học sinh lớp Một được trường yêu cầu học đến ba chương trình tiếng Anh, gồm: tiếng Anh thông thường thu 720.000 đồng, tiếng Anh phần mềm bổ trợ thu 1,8 triệu đồng và tiếng Anh bản ngữ thu 810.000 đồng. Như vậy, chỉ riêng tiền học tiếng Anh đã lên đến hơn 3,3 triệu đồng/học sinh/năm.
“Với ba chương trình tiếng Anh như công bố của trường thì học sinh sẽ học đến bảy tiết tiếng Anh/tuần, nhưng thực tế theo thời khóa biểu chỉ học có bốn tiết/tuần. Như vậy, trường thu tiền nhiều nhưng không dạy đầy đủ cho học sinh là bất hợp lý. Chưa kể, theo chương trình phổ thông mới, học sinh bắt buộc học môn hoạt động trải nghiệm, mục đích chính của môn này là dạy kỹ năng sống cho các em. Thế nhưng, trường vẫn thu thêm 540.000 đồng tiền dạy kỹ năng sống thì có cần thiết không?” - phụ huynh này đặt câu hỏi. Với các khoản thu chính thức trường đưa ra, một học sinh lớp Một học một buổi phải đóng gần 4,9 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhà trường vận động phụ huynh lớp Một đóng thêm 1 triệu đồng tiền trang bị máy lạnh, 500.000 đồng tiền mua ti vi và 40.000 đồng tiền điện/tháng. Các khoản thu mang danh nghĩa vận động này không có biên lai thu mà chỉ ký sổ. Phụ huynh đồng ý đóng góp tiền mua máy lạnh, ti vi phải cam kết khi hết năm học sẽ để lại cho nhà trường.
Trong khi đó, một phụ huynh có con vào lớp Mười Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) cũng choáng váng khi chưa tính học phí chính thức mà các khoản phải đóng cho nhà trường đầu năm học 2022-2023 đã lên đến hơn 7 triệu đồng. Cụ thể, hàng loạt khoản thu cả quen lẫn lạ như: bảo hiểm tai nạn 50.000 đồng, bảo hiểm y tế 563.000 đồng, tiền dạy buổi hai 2,7 triệu đồng, nước uống 120.000 đồng, tiếng Anh giáo viên nước ngoài hơn 2 triệu đồng, tiền ấn phẩm 200.000 đồng, tiền điện phòng học máy lạnh 320.000 đồng, hệ thống thông tin quản lý học sinh 160.000 đồng, phí tài khoản học trực tuyến K12 online 100.000 đồng, thể dục tự chọn 100.000 đồng… Phụ huynh còn được vận động đóng quỹ hội phụ huynh 500.000 đồng và một số lớp vận động đóng thêm quỹ lớp 400.000 đồng. Phụ huynh này băn khoăn không biết dựa trên cơ sở nào mà hội phụ huynh của trường đưa ra mức vận động “đổ đồng” 500.000 đồng/phụ huynh. Với số học sinh gần 2.700 em, số tiền thu được có thể lên đến hơn 1,3 tỷ đồng.
Tại Trường tiểu học An Lạc 1 (Q.Bình Tân), nhiều phụ huynh cũng bức xúc khi nhà trường tăng tiền điện của học sinh bán trú từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng/học sinh/năm học. Mỗi lớp có 48 học sinh, với mức tiền điện mà trường đưa ra thì một năm học chín tháng thu 14,4 triệu đồng, tương đương 1,6 triệu đồng/tháng là quá cao. Đồng thời, năm nay trường tổ chức học toán, khoa học bằng tiếng Anh với chi phí 500.000 đồng/tháng/học sinh. Mỗi tuần học hai tiết (35 phút/tiết). Với 48 học sinh/lớp, chi phí cho một tiết học 35 phút là 3 triệu đồng. Phụ huynh thắc mắc không biết trường thuê giáo viên trình độ thế nào mà chi phí quá cao như vậy?
Hàng loạt khoản phí đầu năm học khiến phụ huynh đau đầu
Cần kiểm soát cả thu và chi
Lý giải về việc học sinh phải học cả ba chương trình tiếng Anh, bà Lê Thị Thanh Thúy - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Trọng Tấn - cho rằng điều này là cần thiết nhằm khuyến khích học sinh lớp Một tiếp cận môn tiếng Anh theo chủ trương chung của ngành giáo dục thành phố. Đối với chương trình kỹ năng sống của trường, bà Thanh Thúy cho rằng dù đã có môn hoạt động trải nghiệm nhưng vẫn cần duy trì các hoạt động rèn luyện kỹ năng về giao tiếp, phản xạ, vui chơi, gắn kết bạn bè… cho học sinh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh - cho biết trường có xây dựng kế hoạch vận động phụ huynh tài trợ cho các hoạt động của học sinh. Tuy nhiên, trường không ấn định mức thu 500.000 đồng/người mà trên tinh thần tự nguyện. Khoản thu này không dùng đầu tư cơ sở vật chất mà để tổ chức các hoạt động cho học sinh như các chương trình văn hóa, văn nghệ… Đối với một số lớp thu tiền quỹ lớp 400.000 đồng/học sinh, ông Nguyễn Quang Đạt thừa nhận do giáo viên chủ nhiệm tự ý làm là sai quy định. Trường không chủ trương thu loại quỹ này và sẽ rà soát, chấn chỉnh lại.
Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - nhận xét chủ trương xã hội hóa là cần thiết trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho giáo dục chưa thể đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường. Tuy vậy, không thể lấy danh nghĩa xã hội hóa để loạn thu, lạm thu, mà cần căn cứ trên nhu cầu và điều kiện của phụ huynh, đặc biệt là ở nhiều khu vực khó khăn. Thực tế, tình trạng phụ huynh bức xúc với các khoản phí đầu năm học không phải mới mà xảy ra dai dẳng nhiều năm nay. Do đó, ông Nguyễn Văn Ngai góp ý: Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng danh mục các khoản thu được phép xã hội hóa và khống chế mức thu hợp lý. Song song đó, cần kiểm tra và có xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu sai, loạn thu, lạm thu. Nếu đưa ra quy định mà không có kiểm tra, xử lý thì không chấn chỉnh được. Chẳng hạn, đối với quỹ phụ huynh, đã có quy định không vận động thu cho các mục đích đầu tư cơ sở vật chất nhưng thực tế làm sai rất nhiều. Nếu để các trường tự thu như hiện nay dẫn đến mỗi trường một kiểu, “trăm hoa đua nở”, trường nói cần thiết thu, phụ huynh thấy vô lý nhưng vẫn phải “cắn răng” đóng.
“Nói là tự nguyện nhưng cách làm không khác gì bắt buộc. Do đó, phải quy định rõ, có kiểm soát để thu hợp lý và chi đúng mục đích, tránh gây bức xúc kéo dài trong phụ huynh, học sinh, làm mất ý nghĩa thực chất của chủ trương xã hội hóa giáo dục” - ông Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh.
Một số trường không thu bất kỳ loại quỹ nào
Vừa qua, tại TPHCM có một số trường không thu bất kỳ loại quỹ nào của phụ huynh đã được đông đảo dư luận đồng tình, ủng hộ. Trong đó, bà Lê Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Cát Lái (TP.Thủ Đức) - chia sẻ từ năm 2017 khi bà về làm hiệu trưởng, đã yêu cầu không thu bất cứ quỹ nào của phụ huynh. Thực tế ở trường có những phụ huynh khó khăn nhưng cũng có những phụ huynh rất khá giả và mong muốn hỗ trợ cho nhà trường. Do đó, trường hoan nghênh những phụ huynh có điều kiện và nhu cầu đóng góp cho nhà trường trên tinh thần tự nguyện thực sự.
Bên cạnh đó, khi có nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất hoặc tổ chức các hoạt động cho học sinh, trường cũng chủ động kêu gọi sự đóng góp của các mạnh thường quân, doanh nghiệp trên địa bàn. Vừa qua, trường đã lên danh sách các học sinh có hoàn cảnh khó khăn và kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân trên địa bàn, xin được học bổng cho 45 em, với mức từ 2-6 triệu đồng/em. Khi thực hiện xây dựng nhà xe, trường cũng kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ từ phụ huynh. Tùy vào điều kiện mà có phụ huynh hỗ trợ ngày công, có phụ huynh ủng hộ vật liệu xây dựng. Cách xã hội hóa giáo dục của trường là không “đổ đồng”, mà kêu gọi đóng góp trên tinh thần tự nguyện, tùy vào điều kiện của phụ huynh, không “cào bằng” thành một loại quỹ.
Tương tự, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.Thủ Đức) ra thông báo không thu bất kỳ loại quỹ nào của phụ huynh, gồm cả quỹ lớp, quỹ khuyến học và quỹ phụ huynh. Bà Nguyễn Thị Diễm Trang - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, theo quy định, quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh là để chi cho các hoạt động của học sinh, trong đó có khen thưởng cho học sinh hằng năm. Đối với khoản kinh phí khen thưởng này, trường có thể tự lo được nên không yêu cầu phụ huynh đóng góp. Trường cũng yêu cầu giáo viên không được thu quỹ lớp. Đối với nhu cầu photo tài liệu cho học sinh, nhà trường ký hợp đồng với một cơ sở photocopy sát bên trường. Khi cần, giáo viên ra cơ sở đó, ghi rõ lớp và số lượng tài liệu cần photo. Giáo viên không phải trực tiếp trả tiền mà nhà trường sẽ thanh toán.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...