Lo lắng con thua thiệt khi vào lớp 1
Chị Kim Chi, có con đang học lớp lá Trường mầm non Vườn Hồng (phường An Khánh, TP.Thủ Đức), cho biết, hết hè năm nay con chị vào lớp 1 nhưng thời gian qua, bé phải ở nhà nhiều do trường học đóng cửa. Lo lắng con vào lớp 1 thua kém bạn bè nên chị sốt sắng tìm lớp rèn chữ, học toán cho con sớm ngày nào hay ngày đó. Theo chị Chi, rất nhiều phụ huynh cùng lớp với con chị cũng có nhu cầu cho con đi học thêm. “Tôi tìm được lớp dạy của giáo viên Trường Tiểu học An Khánh để dạy chữ cho bé. Một nhóm có từ 5 - 7 bé, cô dạy từ 9 - 11 giờ thứ Bảy hằng tuần. Học phí 1 triệu đồng/tháng”, chị Chi cho biết.
|
Trẻ 5 tuổi tại Trường mầm non Hoa Mai (quận 3) - Ảnh: Thanh Thanh |
Còn anh Mạnh Thắng, có con năm tuổi học tại Trường mầm non Anh Đào (quận Gò Vấp), chia sẻ: Dù bậc mầm non có mở cửa trường hay không, gia đình anh vẫn chủ trương cho con học thêm trước khi vào lớp 1. “Trước đây, do dịch bệnh còn phức tạp, các cô giáo không dám nhận dạy thêm, nhưng giờ thoáng hơn rồi. Phụ huynh có nhu cầu các cô đều nhận. Các con đã phải ở nhà nhiều tháng qua, không được tiếp xúc với thầy cô, bạn bè sẽ ảnh hưởng nhiều đến phát triển ngôn ngữ, cảm xúc. Cho con đi học thêm lúc này cũng là một cách để giúp con tự tin hơn khi vào lớp Một”, anh Thắng nói.
Nhiều phụ huynh cho biết sở dĩ giai đoạn này, nhu cầu tìm lớp học thêm tiền lớp Một rất cao vì trong tình hình dịch bệnh khó đoán, việc học ở trường sẽ khá phập phù. “Con mới đến trường được một tuần thì nghỉ một tuần ở nhà do lớp có F0. Chính vì vậy, việc gửi con đến nhà cô là phương án tối ưu, vừa không đứt quãng việc học của bé, cha mẹ vừa an tâm đi làm”, chị Ngọc Anh (quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Nắm bắt nhu cầu của phụ huynh, ngày càng có nhiều lớp dạy thêm của giáo viên, sinh viên mở ra nhằm rèn chữ, dạy toán cho trẻ trước khi vào lớp 1. Trong vai một phụ huynh có nhu cầu tìm nơi dạy chữ cho con trước khi vào lớp 1, chúng tôi liên hệ với một người tự giới thiệu là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Sư phạm TPHCM. Bạn cho biết: Có thể nhận các bé báo bài từ lớp Một đến lớp Năm, các bé chuẩn bị vào lớp 1 với chương trình rèn chữ, đọc, làm toán, đã có kinh nghiệm và nhiệt huyết với nghề.
Học trước làm giảm sự yêu thích học tập của trẻ
Ông Lương Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai (quận 3), cho biết riêng tại trường, từ tháng 9/2021 đã gửi các video, bài tập, hướng dẫn của khối mầm non về cho phụ huynh. Các con làm xong, phụ huynh chụp hình gửi lại cho cô và cũng đã có quá trình sơ kết, đánh giá rất cẩn thận. Hiện tại, nếu các con phải ở nhà vì lớp xuất hiện F0 thì các cô vẫn tiếp tục việc dạy học như trước đây.
Cũng theo ông Bình, việc cho trẻ học thêm là do thói quen của phần lớn phụ huynh, chứ không phải vì lý do gì. Phụ huynh cứ nghĩ con mình học mầm non là chưa đủ, phải đi học thêm kẻo thua con người ta. Nhưng thực tế, chương trình năm tuổi ở trường mầm non được thiết kế đủ và phù hợp. “Tôi vẫn nói với các cô trong trường, tuyệt đối không dạy thêm chương trình lớp 1 cho trẻ. Lớp 1 hiện nay là chương trình mới. Giáo viên dạy lớp 1 phải mất bao nhiêu thời gian nghiên cứu, tập huấn mới dạy được thì giáo viên mầm non sao có thể dạy được?”, ông Bình cho biết.
Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, tâm lý phụ huynh cứ thấy con người khác đi học trước thì cũng cho con mình đi theo. Đó là phụ huynh đang so sánh giữa trẻ với trẻ, chứ không phải trẻ với chuẩn. Trong khi đó, chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi đã có sự chuẩn bị hợp lý, cần thiết, là nền tảng cho trẻ trước khi vào lớp 1.
Việc dạy trước cho trẻ luôn có tính hai mặt. Nếu trẻ được học theo xu hướng rèn luyện thì sẽ rất có lợi. Khi vào lớp 1, trẻ sẽ được học kỹ thêm vì giáo dục tiểu học là giáo dục theo phương pháp đồng tâm, ví dụ cùng học một âm nhưng sẽ có nhiều bài để rèn luyện. Mặt khác, học trước tạo cho trẻ tâm lý thờ ơ, mất tập trung. “Còn đối với giáo viên, phải phân định rõ nên dạy thêm cái gì, nếu dạy trước các môn văn hóa thì sai rồi, còn nếu dạy kỹ năng thì cần thiết cho học sinh”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết hiện nay nếu trẻ phải nghỉ học ở nhà vì dịch bệnh thì các cô vẫn chuyển bài cho phụ huynh để không gián đoạn việc học ngày nào.
Thực tế, ở chương trình lớp lá, dù học trực tiếp hay online, các cô cũng sẽ hướng dẫn trẻ những nội dung, kỹ năng để chuẩn bị vào lớp 1 như kỹ năng ngồi, đứng thế nào, các số từ 1 - 10, phân biệt lớn hơn, nhỏ hơn. Và vào khoảng tháng 6 - 7, sẽ có các bài hướng dẫn, chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi vào lớp 1. Còn có chương trình chuẩn bị kỹ năng, tâm lý cho trẻ, để hình dung khi vào lớp Một sẽ như thế nào, như: làm quen với chữ viết, toán, số, biết họ tên của mình, tư thế tác phong, tư thế ngồi học… Vì vậy, hiệu trưởng trường mầm non đều sắp xếp các cô dạy lớp lá là giáo viên cứng nghề, phát âm chuẩn, tác phong chuẩn mực… Các cô có trách nhiệm dạy trẻ tính tự tin, khả năng đặt vấn đề thông qua các câu hỏi mở để giúp trẻ khám phá, kích thích tư duy.
Trẻ chưa học trước sẽ háo hức học tập Bà Lương Thị Hồng Điệp cho rằng, trẻ vào học lớp 1 mà biết trước hết thì cực hơn các bạn, lý do là các con sẽ thờ ơ, lơ đãng, thậm chí chán khi nghe lại những bài giảng cũ. Chính vì vậy, dù chưa được học trước nhưng chỉ cần hết học kỳ I, thì các con học trước hay chưa đều sẽ như nhau. Những trẻ chưa học trước thậm chí còn có niềm háo hức học tập hơn, lắng nghe các cô nhiều hơn và yêu thích học tập, khám phá hơn. |
Quỳnh Phạm