Phụ huynh lưu ý: Anh đóng cửa hơn 40 trang web lừa đảo bằng cấp

06/01/2017 - 18:30

PNO - Nhà chức trách Anh vừa đóng cửa hơn 40 trang web lừa đảo, dọn dẹp hoạt động sử dụng tên tuổi của các trường đại học (ĐH) ở nước này để bán bằng giả.

Một số trang mạng khác chuyên cung cấp các khóa đào tạo từ xa nhưng không có chức năng cấp bằng hợp lệ cũng bị đóng cửa.

Phu huynh luu y: Anh dong cua hon 40 trang web lua dao bang cap
Việc gian lận bằng cấp đã bôi nhọ danh tiếng của các trường ĐH. Hành động của chính phủ Anh là nhằm bảo vệ những người trẻ mới tốt nghiệp ĐH-Ảnh: Getty Images

Chính phủ Anh đã có hành động quyết liệt này sau khi BBC công bố một cuộc điều tra, trong đó phát hiện bằng cấp giả của ĐH Kent, một trong 20 trường ĐH hàng đầu của Vương quốc Anh, đang có nhiều sinh viên nước ngoài theo học, được rao bán trực tuyến tại Trung Quốc với giá 500 bảng (614 USD).

Trước đó, Cơ quan Kiểm tra dữ liệu bằng cấp ĐH (HEDD), một tổ chức được thành lập để điều tra vấn đề này, cho biết họ từng có báo cáo về hơn 90 tổ chức giáo dục không có thật.

Bộ trưởng Đại học và khoa học Anh Jo Johnson cho biết, chiến dịch trấn áp bằng giả sẽ giúp “bảo vệ danh tiếng của Vương quốc Anh như một nhà cung cấp giáo dục chất lượng cao”. Ông xác nhận hành động này của chính phủ là vì lợi ích của những người có bằng cấp hợp pháp.

Phu huynh luu y: Anh dong cua hon 40 trang web lua dao bang cap
Ảnh chụp màn hình một trang web Trung Quốc bán bằng giả nhiều trường đại học Anh Quốc, trong đó có Đại học Kent - Ảnh: BBC/Getty Images

Trước đó, nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh Julian Brazier từng gửi thư cho Bộ Ngoại giao trong thời điểm vừa nổi lên mối lo ngại bằng giả của ĐH Kent đang chào bán ở Trung Quốc có thể được sử dụng để xin thị thực vào Anh, hay tìm việc ở Anh.

Jayne Rowley, Giám đốc học vụ Giáo dục ĐH của tổ chức Prospects điều hành hoạt động của HEDD cho biết, tháng Chín là tháng bận rộn nhất năm 2016 của tổ chức này, khi bốn trang web của các trường ĐH không có thật và ba trang web bán bằng giả từ nhiều trường ĐH của Vương quốc Anh bị đóng cửa.

Theo bà Jayne Rowley, một trong các trường trên có tên nhái là ĐH Stafford, trong khi Anh chỉ có ĐH Staffordshire. Lại có các trang lừa đảo lấy thẳng tên của một trường thật, như trường hợp ĐH Surrey.

Nhiều bằng giả khác có tên nơi cấp là những trường ĐH có thật như ĐH Salford và ĐH Anglia Ruskin, thậm chí bằng giả ghi tên ĐH Manchester (có thật) còn được chào bán trên trang web đấu giá eBay.

Từ tháng 6/2015, chính phủ Anh đã tổ chức một chiến dịch truy quét những nơi cung cấp bằng giả nhằm truy tố và gỡ bỏ các trang web lừa đảo.

Tổ chức HEDD không chỉ chống bọn tội phạm này ở Anh mà còn ở nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, thị trường chính của hoạt động mua bán bằng cấp quốc tế bất hợp pháp.

Trong năm 2015, một công ty có trụ sở tại Pakistan phải đóng cửa sau khi có cáo buộc cơ sở này đã kiếm được hàng triệu bảng do bán bằng ĐH giả. Theo luật Anh, không phải cơ sở giáo dục nào cũng được xưng là trường ĐH nếu không nhận được sắc lệnh của Văn phòng Chính phủ. theo một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Anh, việc gian lận bằng cấp giả “đánh lừa cả người học thật cũng như người sử dụng lao động”.

Cuộc “càn quét” bắt đầu một trang web ở Trung Quốc có mời chào bằng cấp của hàng chục trường uy tín ở Anh, trong đó có ĐH Kent và ĐH Surrey. HEDD cho biết, họ đã đề nghị phía Trung Quốc điều tra và đóng cửa trang web này.

Dù trang web này cho rằng bằng giả chỉ dùng với mục đích “thay bằng cho mới, thay bằng bị mất”, nhưng ĐH Kent khẳng định, việc chào bán bằng giả là không thể chấp nhận. Các sinh viên đã phải học tập rất vất vả mới lấy được bằng cấp của các trường ĐH ở Anh.

Ở tất cả các nước liên quan, việc bán bằng giả là vi phạm pháp luật, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra nghiêm trọng ở các nước mà xã hội rất coi trọng bằng cấp.

Việc gian lận bằng cấp đã bôi nhọ danh tiếng của các trường ĐH. Hành động của chính phủ Anh là nhằm bảo vệ những người trẻ mới tốt nghiệp ĐH, giúp họ không bị tước mất cơ hội việc làm vì những người chỉ bỏ tiền ra mua bằng.

Ở góc độ luật pháp, luật sư về bản quyền Dean Orgil cho biết, rất khó xác định tội trạng của những người đứng sau các trang web lừa đảo này để khởi tố. Ngay cả việc lần theo những thanh toán cũng không đủ cơ sở thực tế để định tội, Vì vậy, các trường ĐH Anh đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Thời gian qua, HEDD đã tích cực  làm việc với cảnh sát, cơ quan chống tội phạm và cơ quan chống lừa đảo quốc gia, tùy vào việc các trường giả vi phạm thương hiệu và bản quyền khi giả mạo trang web và logo của một trường ĐH thật, hay vi phạm đạo luật cải cách giáo dục khi cố tình tự xưng cơ sở của mình là
trường ĐH.

QUẾ LÂM
(Theo BBC, Telegraph,echinacities.com, RT, China Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI