Phụ huynh làm 'đại sứ nhãn hàng' bất đắc dĩ

06/10/2018 - 19:30

PNO - Ngoài việc tham gia vào đoạn clip giới thiệu gia cảnh, phụ huynh thí sinh còn phải diễn vai “đại sứ” cho nhãn hàng.

Chương trình Giọng hát Việt nhí 2018 có một số thay đổi về giám khảo, luật chơi và đặc biệt là những clip giới thiệu gia cảnh thí sinh. Trong hai tập đã phát sóng, nhà sản xuất không xoáy vào các hoàn cảnh khó khăn để kiếm nước mắt mà dùng chúng như phương thức quảng cáo.

Phu huynh lam 'dai su nhan hang' bat dac di
Một phụ huynh sử dụng ứng dụng của nhà tài trợ trong chương trình Giọng hát Việt nhí

Theo kịch bản quen thuộc, khi trẻ giành được suất vào vòng Giấu mặt, phụ huynh sẽ xuất hiện bên cạnh để chia vui, động viên con và không quên thưởng. Đây là lúc các nhãn hàng xuất hiện.

Mẹ của thí sinh Thiên Nga (TP.HCM) đặt nhà hàng thông qua app để chiêu đãi con. Thí sinh Anh Tuấn cũng được mẹ đặt quà trực tuyến. Bảo Ngọc được mẹ đặt chuyến du lịch thông qua phần mềm. Các thao tác đặt quà của phụ huynh được máy quay đặc tả và lồng vào đó là nhiều lời khen dành cho nhà tài trợ. Trên kênh YouTube của chương trình, ê-kíp sản xuất còn chèn cả link sản phẩm giới thiệu.

Các chương trình truyền hình giải trí ngày nay buộc phải có nhà tài trợ và đơn vị sản xuất phải trả quyền lợi cho nhãn hàng theo nhiều cách. Nhưng làm sao để sự xuất hiện của doanh nghiệp, sản phẩm không phản cảm, phản tác dụng mới là điều quan trọng.

Trong Giọng hát Việt nhí tập 1, thí sinh Anh Khôi hát bài Happy birthday xoay xoay. Đoạn giới thiệu về hoàn cảnh thí sinh gây xúc động vì chi tiết anh trai em mắc bệnh tự kỷ thì bị phá hỏng khi nhà tài trợ xuất hiện: mẹ của Anh Khôi đặt mua bộ sản phẩm làm bánh kem tại nhà.

Đưa phụ huynh vào những câu chuyện tưởng chừng logic để hợp thức hóa cho sự xuất hiện của nhãn hàng, Giọng hát Việt nhí có vẻ đang lợi dụng gia đình thí sinh để làm quảng cáo, gây tâm lý ức chế nhất định cho người xem. Nhiều đơn vị sản xuất hiện đang tận dụng tối đa thí sinh để làm “đại sứ” cho nhãn hàng.

Thí sinh đang sử dụng điện thoại hãng nào, mặc trang phục được bán ở website nào, sử dụng phần mềm gì để sống ảo trên mạng xã hội… đều được giới thiệu, tất nhiên chẳng không công. Sau chương trình, những hình ảnh này được trao cho doanh nghiệp để tiếp tục sử dụng cho những mục đích khác.

Ở những mùa trước, các tập phát sóng trong vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt nhí vẫn có sự xuất hiện của nhà tài trợ nhưng không nhiều, thường chỉ dừng ở mức thể hiện logo của các thương hiệu. Nhưng năm nay, trước việc lồng ghép quá nhiều clip quảng cáo có sự tham gia trực tiếp của phụ huynh, hành động này khiến công chúng hết sức khó chịu.

Một sự bế tắc sáng tạo thể hiện rõ ở kịch bản khen thưởng thí sinh cứ lặp đi lặp lại. Nếu cứ tiếp tục, không chỉ nhàm chán, những “đại sứ” nhãn hàng bất đắc dĩ cũng không khác gì con rối trong tay nhà sản xuất.

Tú Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI