Phụ huynh lại đau đầu vì các khoản đóng góp

27/08/2022 - 15:46

PNO - Một số trường đã cho học sinh tựu trường, một số khác 29/8 mới bắt đầu; song nhiều khoản đóng góp là nỗi lo chung của các bậc phụ huynh.

Dành dụm cả năm

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thương có hộ khẩu nội thành Hà Nội (Q. Cầu Giấy) nhưng cả hai đều là lao động tự do. Từ khi cô con gái đầu lòng vào lớp Một, sáu năm nay, năm nào vợ chồng chị cũng dành riêng một khoản để đóng tiền đầu năm học mới cho con.

Năm nay, khoản tiền dành dụm đó phải nhân đôi vì cậu con thứ hai bước vào lớp Một. Cả hai trường đều không yêu cầu phụ huynh phải mua sách giáo khoa (SGK) tại trường. Chị tính mua ở ngoài để được chọn lẻ. Chị sẽ không lấy một số cuốn bổ trợ mà chị cảm thấy không cần thiết (bài tập đạo đức, bài tập hoạt động trải nghiệm…) để tiết kiệm. Thế nhưng chị đi mấy hiệu sách gần nhà đều không tìm được bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” lớp Một. Cuối cùng, chị đành phải đăng ký mua SGK từ một nhà cung cấp do trường của con giới thiệu.

Các khoản tiền đầu năm cần phải đóng của một học sinh lớp Ba tại Hà Nội.
Các khoản tiền đầu năm cần phải đóng của một học sinh lớp Ba tại Hà Nội

Chị nhẩm tính: Hai bộ SGK hết gần một triệu đồng. Cháu lớn năm nay chuyển cấp, phải mua đồng phục mới, tôi đóng cho cháu hết 1,6 triệu đồng; rồi tiền học hè của cháu lớp Một để bù lại năm không được học mẫu giáo lớn do COVID-19.

COVID-19 cũng khiến công việc của cả hai vợ chồng chị bấp bênh. Sinh hoạt phí của gia đình cũng phải tằn tiện, giật gấu vá vai. Mấy tháng trước, còn chưa dành dụm đủ khoản tiền năm học mới cho con thì cả nhà chị cùng mắc COVID-19. Thuốc men, nghỉ làm khiến khoản tiền ấy rơi vào hao hụt.

Có hai con học trung học cơ sở, hai ông bà nội chỉ đủ sức trồng rau quanh vườn, vợ chồng anh Hoàng Văn Dũng (H. Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thường xuyên tăng ca để có thêm một khoản cho gia đình sáu miệng ăn. Vợ chồng anh bảo nhau mỗi người trích ra 500.000đ/tháng để nuôi heo đất từ tháng Chín năm trước đến đúng tháng Chín năm sau mới đập. Tiền nuôi heo đất của đôi vợ chồng cùng làm công nhân ấy dành để đóng tiền học đầu năm cho con.

Nhiều khoản ngoài học phí

Khoảng mươi ngày trước, chị Phạm Thị Nhung (H. Ứng Hòa, TP. Hà Nội) đi họp phụ huynh cho con. Hai đứa con chị cùng học lớp Ba, trường làng. “Tiền đóng đầu năm học của hai đứa “sương sương” hơn 11 triệu đồng thôi. Ở quê làm ruộng mà lo đóng học đầu năm cho con cũng bở hơi tai…” - chị đùa rồi lại thở dài.

Là năm thứ ba học sinh tiểu học được miễn học phí, song theo chị Nhung, các khoản phải đóng góp khác lớn hơn số học phí được miễn nhiều lần, chị liệt kê: “Nào tiền quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, tiền điện, tiền bảo dưỡng điều hòa…”. Chị bảo đó là con chị không học tiếng Anh, không học kỹ năng sống, không ăn trưa, không học buổi chiều ở trường. Vợ chồng chị có gian xưởng nho nhỏ làm đồ thủ công nên còn “dễ thở”, chứ với các gia đình thuần nông thì hai tấn thóc mới đủ đóng tiền đầu năm học cho hai đứa con.

Giữa tháng 8/2022, Hải Phòng đã phải xử lý việc hiệu trưởng một trường THCS lạm thu
Giữa tháng 8/2022, Hải Phòng đã phải xử lý việc hiệu trưởng một trường THCS lạm thu

Cũng không lo học phí, mà lo rất nhiều khoản ngoài học phí, chị Lê Thị Loan (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) khá bức xúc vì đầu năm học mới các cháu đã đóng tiền vệ sinh rồi mà vẫn phải đóng kèm một khoản gọi là… ủng hộ lao công do trường rộng, nhiều lá rụng. Tiền bảo vệ cũng đã đóng mà vẫn phải đóng cả tiền gửi xe, tiền ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất rồi vẫn phải thêm tiền sửa quạt…

Chị Trần Thị P. (H. Thường Tín, TP. Hà Nội) thì cho biết: “Sau khi đưa con đi nhận lớp, cô giáo chủ nhiệm lập nhóm Zalo dành cho phụ huynh. Cùng ngày, cô giáo nhắn vào nhóm rằng phụ huynh 5 lớp được học ở dãy nhà mới xây đều muốn mua tặng nhà trường mỗi lớp một chiếc bảng mới: “Tôi xin thông qua và xin ý kiến các vị, rất mong nhận được sự đồng thuận của tập thể phụ huynh”. Nhóm 50 thành viên, chỉ 4 người trả lời đồng ý, vậy mà chỉ vài hôm sau cô giáo đã gửi ảnh hóa đơn mua 5 bảng, hết hơn 11 triệu đồng”, chị P. cho biết.

Nhiều năm nay, trước thềm năm học mới là khoảng thời gian “đến hẹn lại… lo” của các bậc phụ huynh. Cuối năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn 2153/BGDĐT-KHTC 2022 gửi các tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục. Trong đó, có nội dung yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học. Tuy nhiên, các khoản đóng góp đầu năm ở không ít trường vẫn đang làm đau đầu nhiều phụ huynh.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI