Xáo trộn công việc vì lo đưa đón con
Từ hôm khai giảng đến nay, gia đình anh D.T. phải chia nhau đưa đón con học lớp Một tại Trường tiểu học Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) vì trường không tổ chức bán trú. Những hôm con có lịch học buổi chiều, cả nhà anh phải đưa đón đến 4 lần. “Sáng vừa đưa con tới trường, đến 10g30 tôi phải vội vàng tới trường đón con. Rồi đầu giờ chiều lại đưa con đi học, cuối buổi chiều đón con. Gia đình tôi xáo trộn công việc theo lịch học của cháu” - anh D.T. bày tỏ.
|
Phụ huynh học sinh Trường tiểu học Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) phải đưa đón con đến 4 lần/ngày - ẢNH: TRANG THƯ |
Khi tìm hiểu, anh biết được bếp ăn của nhà trường đã đóng cửa từ sau dịch COVID-19 và chưa có kế hoạch mở lại. Phụ huynh lớp con anh D.T. đã bàn nhau sẽ kiến nghị trường mở lại bếp ăn để thuận tiện cho học sinh lẫn phụ huynh. Số khác đã tính đến việc chuyển con đến trường có bán trú nhưng vì cần thêm giấy tờ tạm trú nên đành thôi. Ở phường Hiệp Bình Chánh còn có Trường tiểu học Bình Triệu nhưng học sinh trường này cũng không được học bán trú vì bếp ăn đã đóng cửa từ sau dịch COVID-19.
Có con đang học lớp Ba tại Trường tiểu học Võ Văn Tần (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), dù con học buổi chiều, nhưng chị T. phải gọi con dậy từ 6g sáng để ăn uống, chuẩn bị quần áo, sách vở. Sau khi chở con tới lớp bán trú tự phát gần trường, chị mới tới công ty ở quận Bình Thạnh làm việc. Ở “lớp bán trú”, con được ôn lại bài, cho ăn trưa, nghỉ ngơi rồi đưa tới trường lúc 13g. Đến 16g30, con được đón về “lớp bán trú” để chờ ba mẹ rước về nhà. Mỗi tháng, chị T. phải trả 2 triệu đồng cho “lớp bán trú” này.
“Gọi con dậy sớm đi học tôi cũng xót nhưng nhà không có người nên đành làm vậy. “Lớp bán trú” có khoảng 20 học sinh đủ các khối lớp nên việc kiểm tra bài vở sẽ không được đảm bảo. Tôi mong trường mở lớp bán trú để gửi con cho tiết kiệm và yên tâm hơn” - chị T. nói.
Không chỉ con chị T. hay anh D.T., rất nhiều học sinh tiểu học ở TPHCM cũng không thể theo học bán trú tại trường. Tại những quận đông dân như quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp…, do hạn chế về cơ sở vật chất, nhiều trường không thể đáp ứng được tiêu chí học 2 buổi/ngày của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Số học sinh học 2 buổi/ngày còn hạn chế
Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - cho biết: các trường dù rất muốn mở bán trú để thuận lợi cho phụ huynh, học sinh song không đủ điều kiện. Có thể do nhiều trường chưa ký hợp đồng với các bếp ăn hoặc số lượng học sinh quá đông, không đủ chỗ cho tất cả.
“Quan trọng là phải đủ chỗ để các em nghỉ trưa, chứ chỉ ăn mà không nghỉ thì lại không có hiệu quả. Phần lớn học bán trú thì các em sẽ ăn và nghỉ trong lớp chứ không phải trường nào cũng có phòng bán trú. Chỗ học còn chưa đủ thì làm sao bán trú, giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm giải thích với phụ huynh vấn đề này” - vị trưởng phòng nhấn mạnh. Theo ông, về lâu dài cần triển khai xây thêm nhiều trường, lớp để đảm bảo đủ chỗ học, sau đó là chỗ bán trú cho các em.
Ngày 5/9 vừa qua, quận 12 đã đưa vào sử dụng 2 trường tiểu học mới. Nhưng với hơn 48.000 học sinh tiểu học, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT quận - cho biết, tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày chỉ đạt hơn 28%. UBND TPHCM cũng đã cho phép quận mở những lớp học bán trú “vệ tinh” nhằm chia sẻ áp lực cho các trường. Tất nhiên, người mở lớp phải đảm bảo đủ điều kiện thì mới được phường cấp phép hoạt động và thường xuyên được kiểm tra bởi các cơ quan quản lý có liên quan.
Còn với quận Bình Tân, số chỗ học hiện đã đáp ứng đủ nhưng chưa thể triển khai học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh. Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân - thông tin, để tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, bên cạnh việc tận dụng phòng chức năng, quận đang khởi công xây dựng 4 trường tiểu học, dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2024.
Trước tháng 12/2023, quận cũng tiếp tục khởi công thêm 7 trường (bao gồm 6 trường tiểu học và 1 trường THCS). “Tôi nghĩ rằng bài toán thiếu trường lớp vẫn sẽ còn tiếp diễn, bây giờ mình lo cấp tiểu học, thì năm tới sẽ lại lo cấp THCS” - ông Ngô Văn Tuyên chia sẻ.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ GD-ĐT ban hành nêu rõ: “Cấp tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần”. Sau khi ban hành chương trình mới, Bộ GD-ĐT từng đặt mục tiêu có 100% học sinh lớp Một được học 2 buổi/ngày vào năm học 2020-2021. Ở các năm học tiếp theo như sau: năm học 2021-2022 tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh lớp Hai; các năm tiếp theo lần lượt ở lớp Ba, Bốn, Năm. Tuy nhiên, thực tế triển khai chương trình đến nay cho thấy mục tiêu cấp tiểu học dạy học 2 buổi/ngày ở nhiều trường đã không đạt được. |
Xây dựng trường học “dã chiến” để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết trước tình hình thiếu trường lớp, thành phố sẽ triển khai kế hoạch xây dựng 4.500 phòng học mới từ nay đến năm 2025, hướng đến đạt được mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Trong đó, phương án xây dựng trường “dã chiến” từ những nhà xưởng chưa sử dụng của các doanh nghiệp tại một số khu vực đông dân cư, thiếu nhiều trường học cũng sẽ được thực hiện. Các trường này sẽ hoạt động từ 5 đến 10 năm cho đến khi hết nhu cầu. “Tuy “dã chiến” nhưng chất lượng của những ngôi trường vẫn phải tốt, đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu học tập cho toàn bộ học sinh. Để thực hiện kế hoạch này, ngoài phần lớn nguồn tiền từ ngân sách, thành phố cũng sẽ kêu gọi nguồn xã hội hóa. Những ngôi trường này có thể đi vào hoạt động từ năm học tới. Con số cụ thể bao nhiêu thì còn chờ sở GD-ĐT báo cáo lại” - ông Phan Văn Mãi nói. |
Anh Nhàn - Trang Thư