Nhiều bà mẹ vì con đã không dám ly hôn, cắn răng chịu đựng cuộc sống ơ hờ tẻ nhạt để con không bị tổn thương tâm hồn.
Thi thoảng đâu đó, ta lại bắt gặp một câu chuyện cảm động về tuổi trẻ vượt khó hoặc gương phấn đấu; kiểu như con của chị công nhân vệ sinh đỗ thủ khoa; bố mẹ nhịn ăn, nhịn mặc cho con vào đại học; cô bé con ông vá xe giành được học bổng du học Mỹ; hoặc cậu nhóc mới tám tuổi, đi bán vé số chăm mẹ liệt giường…
Thiên hạ trầm trồ, nhiều ông bố bà mẹ ao ước, khát thèm, tự vấn: tại sao người ta điều kiện sống kém như thế, mà con họ hiếu thảo, ngoan ngoãn, học giỏi; còn mình như thế này, con mình đủ đầy chẳng thua ai, mà chúng thì…
Thì như thế nào? Những đứa trẻ gia cảnh tươm tất về kinh tế thường ít chí cầu tiến, thích ăn sẵn? Mình “như thế này”, nghĩa là bậc cha mẹ ấy có vị trí xã hội, thành đạt, có thể lo cho con không thiếu thốn gì.
Tức là ông bố bà mẹ kia mặc định rằng, ta đủ sức để lo cho con ta vượt bậc so với những giương sáng hiếu học kia. Vậy mà thật đáng buồn, con mình tệ quá, vừa ham chơi vừa lười học, đã làm biếng lại còn vô tâm...
Ta chán đến nỗi, về trách mắng con mình: “Sao con hư vậy, nhìn mấy tấm gương kia đi - cha mẹ chúng tối ngày bận bịu, vất vả mưu sinh đấy nhé; chứ nếu chúng được chăm bẵm, dạy dỗ chu đáo như con, có khi chúng đã thành ông này bà nọ”.
Đám trẻ nhà mình thật ra không thiếu lý lẽ và cả lý sự, để phản bác một câu ứa gan rằng: Có khi vì cha mẹ của họ… khác! Hỏi có điên không chứ?
|
Ảnh minh họa |
Nhưng rồi ông bố, bà mẹ kia cũng giật mình. Phải chăng cha mẹ phải hoàn hảo thì mới dạy con nên người? Mà chuẩn mực hoàn hảo thế nào, đến đâu? Cha mẹ có cần là người hùng trong mắt con, để con ngưỡng mộ hoặc noi theo?
Một người cha, người mẹ bình thường, không gì nổi bật, chỉ có tình yêu thương, liệu có dạy con nên người? Hay cha mẹ càng thành công, càng thành đạt, càng bận rộn, càng giàu có sang trọng, thì con cái càng dễ sa ngã, trượt dài trong cái thảm nhung trải sẵn của gia đình?
Tôi có cậu em họ. Mẹ em cả đời quanh quẩn nội trợ. Từ thuở bé, bữa cơm nào bà cũng ngóng xem con có vừa ý, con muốn ăn thêm món nào không. Rồi mọi thứ trong nhà đều sắm sửa, sắp xếp theo ý em ấy. Em trưởng thành, đi làm, mẹ cũng dõi theo từng bước, sẵn sàng ngồi nghe em kể lể hoặc… chửi sếp.
Mẹ luôn ủng hộ em vô điều kiện. Giờ em đã có vợ, ở riêng, bỏ lại mẹ thui thủi trong căn nhà rộng. Ngày ngày ra vô ngóng con, mẹ em đi chợ cũng thấp thỏm, sợ em về bất chợt không ai mở cửa. Nỗi cô độc và buồn tủi khiến mẹ như kiệt quệ, chứ phải đâu vì năm tháng nuôi con.
Khuyên bà cứ sống cho mình đi, tuổi già sầm sập đến sau lưng rồi. Hãy ra ngoài với bạn, tập yoga, làm đẹp… nhưng mẹ em lắc đầu, bảo: sợ con không vừa lòng. Phải ráng giữ hình ảnh mẹ hoàn hảo trong mắt con chứ đâu thể vì ham vui mà ăn mặc lố lăng, có mặt ở những nơi hay gặp gỡ những người mà em không ưa được.
|
Ảnh minh họa |
Chung quy lại, cứ dạy con những điều hay lẽ phải mình cho là đúng. Con trẻ ghi nhận được bao nhiêu, noi theo được bao nhiêu, chấp nhận được bao nhiêu là phụ thuộc vào sự kiên nhẫn lẫn tư chất của từng đứa. Đừng tự đặt áp lực cho chính mình là có con rồi, ta phải thế này thế khác, phải phấn đấu có cái nọ cái kia.
Có con rồi, người ta đối đãi với nhau cũng cẩn thận hơn, tránh cãi vã trước mặt con. Vì con, các ông bố bà mẹ càng không dám liều lĩnh, cũng vì sợ gặp thất bại thì cuộc đời xáo trộn, con mình khổ sở.
Mỗi bậc cha mẹ thương con mỗi cách. Đời muôn hình vạn trạng, ai cũng có mặt hay nét dở. Nên chẳng vì thế mà ta mặc cảm hoặc tự ti. Hoặc ngược lại là buông, kệ con cái cảm thấy thế nào mặc nó, khi lớn lên chúng sẽ tự hiểu. Dẫu khi xưa ta bé, cũng đôi lần thắc thỏm, sao cha ta không thế này, sao mẹ lại thế kia mà chẳng thế nọ; ước ao cha mình gần gũi hơn, mẹ mình tâm lý hơn, chẳng hạn.
Nhưng rồi một ngày ta chợt hiểu ra. Chỉ có tình yêu thương là hoàn hảo, chứ cha mẹ thì cũng như ta, là người trần mắt thịt, hoàn hảo theo một chuẩn mực nào đó, mà thôi.
“Để con về nhờ bố. Bố cái gì cũng biết hết!”. Bà mẹ trẻ chưng hửng khi cậu con trai tuyên bố thế, sau khi bà loay hoay cả buổi vẫn không xử lý được món đồ chơi lắp ráp của con. Một chút gì như ganh tỵ, như tủi thân, như ao ước len lỏi vào lòng. Con trai thường lấy bố làm hình mẫu để bắt chước. Con gái cũng hay quyến luyến bố, và luôn thích nhìn vào mẹ để soi đời mình.
Hạ Yên