Phụ huynh Hàn Quốc từ bỏ quốc tịch để con được học trường quốc tế

24/11/2024 - 20:32

PNO - Những bậc phụ huynh giàu có từ bỏ hộ chiếu Hàn Quốc để đưa con vào trường quốc tế.

Phụ huynh Hàn Quốc cho rằng môi trường học tập đa văn hóa và chương trình giảng dạy tiếng Anh là lý do chính khiến trẻ em nên vào trường quốc tế - Ảnh: AFP
Phụ huynh Hàn Quốc cho rằng môi trường học tập đa văn hóa và chương trình giảng dạy tiếng Anh là lý do chính khiến trẻ em nên vào trường quốc tế - Ảnh: AFP

Vanuatu, một quần đảo gồm 83 hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, là thiên đường cho những người yêu thiên nhiên. Nhưng tại Hàn Quốc, quốc đảo xinh đẹp này đang thu hút sự chú ý vì một lý do khác: mua quốc tịch.

Bae (30 tuổi) - một bà nội trợ sống tại quận Seocho, phía nam Seoul - đang nghĩ đến việc nhập quốc tịch Vanuatu vì lợi ích của cậu con trai 4 tuổi.

"Con trai tôi hiện đang theo học tại một trường mẫu giáo dạy bằng tiếng Anh. Tôi hy vọng cháu có thể đăng ký vào các trường quốc tế ở Hàn Quốc, thay vì các trường giáo dục phổ thông", cô Bae nói.

Nếu Bae trở thành công dân Vanuatu, con trai cô sẽ đủ điều kiện để được nhận vào các trường quốc tế.

Theo các trường quốc tế được Bộ Giáo dục công nhận, chẳng hạn như Trường Quốc tế Yongsan tại Seoul và Trường Ngoại ngữ Seoul, trẻ em có quốc tịch Hàn Quốc, như con trai của Bae, chỉ có thể được nhận vào học nếu cha hoặc mẹ có quốc tịch nước ngoài, hoặc nếu trẻ đã sống ở nước ngoài ít nhất 3 năm.

Hiện nay, các cơ quan di trú tư nhân ở nước ngoài hỗ trợ các bậc cha mẹ muốn cho con mình vào các trường quốc tế bằng cách đáp ứng phần đầu tiên của yêu cầu: cha hoặc mẹ đổi sang quốc tịch nước ngoài.

Các chương trình "Nhập quốc tịch bằng cách đầu tư" do một số quốc gia Caribe và Thái Bình Dương ban hành đóng vai trò là con đường quan trọng đối với một số người giàu có của Hàn Quốc.

Theo ông Cho - giám đốc một công ty tư vấn di trú tại Seoul, quyền công dân Vanuatu thường yêu cầu đầu tư vào quốc gia này, hoặc chỉ cần quyên góp tiền mặt tương ứng 130.000 USD cho một người nộp đơn, 150.000 USD cho một cặp vợ chồng hoặc 180.000 USD cho một gia đình bốn người.

Ông Cho giải thích rằng những người có đơn xin nhập tịch được Cục Di trú Vanuatu chấp thuận sau ngày 30/11 phải đến đại sứ quán Vanuatu để lấy dấu vân tay và scan khuôn mặt trước khi đăng ký hộ chiếu Vanuatu. Vì không có đại sứ quán Vanuatu tại Hàn Quốc, người nộp đơn sẽ cần đến đại sứ quán nước này tại Malaysia, Dubai hoặc Hồng Kông (Trung Quốc).

Nếu cô Bae nhận quốc tịch Vanuatu, cô sẽ tự động mất quốc tịch Hàn Quốc. Cô cũng sẽ gia nhập một nhóm nhỏ nhưng ngày càng đông đảo công dân Vanuatu đang sinh sống tại Hàn Quốc.

Dữ liệu từ Bộ Tư pháp cho thấy số người đã từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc để nhập quốc tịch Vanuatu trong giai đoạn 2019-2022 là 18. Mặc dù không có dữ liệu nào về sau năm 2022, nhưng dựa vào sự thành công của các doanh nghiệp tư vấn di trú, con số này có khả năng đã tăng lên.

Một bà nội trợ 33 tuổi tên Chang, có cậu con trai 10 tuổi đang theo học tại Trường Ngoại ngữ Busan ở quận Haeundae, Busan, chia sẻ rằng tại trường của con trai cô, nhiều phụ huynh đã chọn sinh con ở nước ngoài hoặc nhập quốc tịch các nước Thái Bình Dương vì tương lai của con em họ.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Giáo dục Hàn Quốc, tổng cộng có 49 trường quốc tế được công nhận đang hoạt động tính đến năm 2023. Học phí hàng năm cho các trường quốc tế tại Hàn Quốc dao động từ 30 đến 40 triệu won (21.471-28.628 USD), một số tiền tương đương với mức lương hàng năm của một nhân viên văn phòng trung bình.

Đối với cô Bae, mức chi phí tối thiểu 130.000 USD có vẻ "đáng giá", đặc biệt là khi xét đến số tiền mà các bậc phụ huynh Hàn Quốc đã chi để đưa con mình vào môi trường học tập ưu tú.

Tại Hàn Quốc, tổng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ từ khi mới sinh đến khi học xong đại học (22 tuổi) trung bình là 275 triệu won (196.531 USD).

Tuy nhiên, các trường "chỉ dành cho người nước ngoài" là những trường mà phụ huynh rất coi trọng và theo đuổi, thậm chí còn mua quốc tịch nước ngoài để cho con em mình theo học.

"Những gì phụ huynh muốn đạt được khi đổi lấy quốc tịch nước ngoài là môi trường học tập đa văn hóa cũng như cơ hội giao lưu với các bậc cha mẹ nước ngoài có xuất thân danh giá" - cô Chang cho biết.

Theo luật sư Kim Hanna tại Công ty luật Yulsaseojae, rõ ràng là không có cơ sở pháp lý nào để ngăn cản mọi người mua quốc tịch ở nơi khác.

Luật sư Kim giải thích: "Đạo luật quốc tịch hiện hành đảm bảo quyền tự do từ bỏ quốc tịch của một người”. Nếu chính quyền muốn ngăn chặn việc lợi dụng quyền công dân nước ngoài để trốn tránh nghĩa vụ quân sự hoặc thuế, họ sẽ phải đưa ra các biện pháp quản lý. Nhưng sẽ luôn có những người cố gắng lách luật.

Linh La (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI