Phụ huynh đuối khi con “on-off” liên tục

08/03/2022 - 13:19

PNO - Vừa trở lại trường sau một tuần học trực tuyến, Quân (lớp 1/4, Trường TH Lương Thế Vinh, TP. Thủ Đức) lại trở thành F1, tiếp tục học trực tuyến thêm một tuần.

Liên tục “on- off”, phụ huynh đuối sức

Sau một tuần học trực tuyến khi lớp xuất hiện F0, Quân háo hức trở lại trường. Mẹ của Quân - chị Trần Tố Uyên - “thở phào” vì thời gian con ở nhà học trực tuyến chị phải chạy đôn đáo giữa cơ quan và nhà, để theo sát và hỗ trợ con học.

“Khi giáo viên chủ nhiệm thông báo lớp con sẽ trở lại trường, cả nhà mừng lắm. Con học trực tuyến cả nhà vất vả, đảo lộn hết nhịp sinh hoạt. Dù con ở nhà với bà ngoại nhưng tôi cũng phải chạy đi chạy lại để xem con học hành, hỗ trợ con vào phần mềm học trực tuyến…”, chị Uyên chia sẻ.

Phụ huynh đuối sức khi con liên tục học trực tuyến- trực tiếp
Phụ huynh đuối sức khi con liên tục học trực tuyến - trực tiếp

Thế nhưng, Quân vừa trở lại trường được một buổi, qua hôm sau chị Uyên được giáo viên chủ nhiệm báo em trở thành F1. Em tiếp tục học trực tuyến ở nhà một tuần.

“Lúc nhận tin nhắn, tôi không biết nên cười hay nên khóc. Dù đã chuẩn bị tâm lý dịch bệnh phức tạp như hiện nay con có thể sẽ học trực tuyến bất cứ khi nào nhưng tình huống on-off liên tục như thế này khiến phụ huynh thực sự đuối sức, trở tay không kịp”, chị Trần Tố Uyên bày tỏ.

Tương tự, gia đình anh Dương Quang Dũng (ngụ quận 5, TPHCM) cũng chật vật xoay xở khi hai con của anh - một tiểu học, một mẫu giáo - liên tục thay nhau học trực tuyến ở nhà.

“Tuần trước, bé học tiểu học chuyển sang học trực tuyến vì lớp xuất hiện F0. Bé mẫu giáo vẫn học trực tiếp. Vợ tôi phải xin nghỉ một tuần làm việc trực tuyến ở nhà để trông con, giám sát con học. Ngay khi bé lớn vừa hết thời gian cách ly trở lại trường thì đến lượt bé mẫu giáo được thông báo là lớp xuất hiện F0. Lúc này thì vợ tôi đi làm, tôi nghỉ một tuần ở nhà trông con…”, anh Dũng ngao ngán.

Tinh thần thầy cô là điểm tựa

Luôn sẵn sàng tâm lý lớp học sẽ chuyển trạng thái bất cứ khi nào song cô N.B.C. (giáo viên tiếng Anh, trường THCS tại quận 4) cho hay, việc liên tục chuyển lớp học trực tiếp - trực tuyến khiến giáo viên “mệt nhoài” thiết kế thời khóa biểu, bài giảng để co kéo tiến độ chương trình, phù hợp với từng hình thức.

“Trong cùng một ngày, có khi tiết này thì trực tiếp, tiết kia lại trực tuyến. Thương nhất là học sinh, các em rất háo hức đến trường được học tập, vui chơi với bạn bè. Vì thế, dù có khó khăn nhưng tôi luôn động viên học trò cùng cố gắng. Một tuần học trực tuyến cũng qua nhanh, cô trò sẽ lại gặp nhau trên lớp”, cô N.B.C. nói.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (giáo viên chủ nhiệm lớp Một, Trường TH Bình Trị Đông, quận Bình Tân) nhận định, thời điểm này giáo viên phải làm gấp 3 lần công việc bình thường: vừa dạy trực tiếp, vừa dạy online và kiêm luôn công tác y tế. 

Tinh thần của thầy cô là điểm tựa cho phụ huynh, học sinh lúc này
Tinh thần của thầy cô là điểm tựa cho phụ huynh, học sinh lúc này

Dù đã quen với việc dạy online tuy vậy, theo cô Huyền, khó nhất hiện nay là giữ nhịp học tập cho trẻ khi phải liên tục chuyển đổi hình thức. Làm sao giúp những học sinh khi phải học online ở nhà cảm thấy không thiệt thòi so với các bạn, còn những học sinh đang học trực tiếp trên lớp không thấy “hụt hẫng” khi lớp bỗng vắng vẻ. Đặc biệt là ổn định tâm lý phụ huynh. 

“Lần đầu lớp xuất hiện F0, phụ huynh có chút hoang mang, lớp học có chút xáo trộn. Nhiều phụ huynh chia sẻ: "cô ơi, giờ con học trực tuyến gia đình không biết sắp xếp thế nào"… Tuy nhiên, việc chuyển đổi hình thức từ dạy trực tiếp sang trực tuyến là điều bất đắc dĩ phải làm trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo sức khỏe cho các em. Khi được làm công tác tư tưởng, phụ huynh đều rất chia sẻ, hợp tác, giáo viên vì thế cũng vững vàng hơn”, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay. 

Đầu tuần này, một giáo viên môn Văn Trường THPT Hiệp Bình (TP. Thủ Đức) vừa hết thời gian cách ly trở lại trường thì một giáo viên môn Toán báo đã là F0. Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Anh một lần nữa “lên dây cót” tinh thần với đội ngũ, sắp xếp bố trí giáo viên dạy thay, động viên thầy cô.

“Khi vẫn sắp xếp được giáo viên dạy thay, nhà trường sẽ cố gắng duy trì để học sinh được học trực tiếp. Dù biết là khó và vất vả song đội ngũ luôn động viên nhau, làm sao tạo môi trường tốt nhất để các em được rèn luyện, học tập. Tinh thần thầy cô chính là điểm tựa để học sinh, phụ huynh nỗ lực hơn trong lúc này…”, Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Anh nhấn mạnh.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI