Phụ huynh đắn đo thông tin con từng là F0

26/10/2021 - 06:45

PNO - Hiện các trường tại TPHCM đang tổ chức cho học sinh từ 12 - 17 tuổi đăng ký tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Không ít phụ huynh lo ngại nếu cho biết con từng là F0 đã khỏi bệnh sẽ bị bạn bè kỳ thị. Bởi ở độ tuổi này, các con chưa hiểu hết về dịch bệnh.

Lo ngại con bị xa lánh 

Chị T.Q.L., 40 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, cho biết cả nhà chị từng mắc COVID-19 nhưng may mắn đã khỏi. Cách đây vài ngày, trường của con chị thông báo về việc đăng ký tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Chị L. đọc phiếu đăng ký tiêm thấy có mục là diện F0 đã điều trị hoặc đang điều trị. Chị phân vân và quyết định không điền nữa vì cho rằng: “Tôi là người lớn mà khi ra ngoài vẫn còn bị mọi người dè chừng dù đã khỏi bệnh gần hai tháng, huống hồ trẻ con tâm lý sẽ bị ảnh hưởng cỡ nào nếu bị người khác phân biệt đối xử. Tôi sợ khai con là F0 đã khỏi bệnh gửi lên trường, thông tin không bảo mật tốt, những học sinh khác biết được sẽ trêu chọc, xa lánh”.

Theo chị L., nếu nhà trường có biện pháp tốt để đảm bảo sau khi khai học sinh từng là F0 sẽ không bị bạn bè kỳ thị thì chị và nhiều phụ huynh sẽ an tâm hơn.

Xét nghiệm để chuẩn bị cho học sinh H.Cần Giờ đến trường - ẢNH: PHÚC TRẦN
Xét nghiệm để chuẩn bị cho học sinh huyện Cần Giờ đến trường - Ảnh: Phúc Trần

Gần đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết đã nhận được nhiều phản ánh của phụ huynh liên quan tới trẻ là F0 đã khỏi bệnh bị kỳ thị. Bác sĩ Khanh kể, một bà mẹ chia sẻ về tình huống dẫn con gái 14 tuổi đi siêu thị. Chị này đưa cho nhân viên bảo vệ siêu thị xem giấy chứng nhận F0 đã khỏi bệnh của con gái và “thẻ xanh COVID-19” của mình.

Sau khi đọc giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh của bé, người bảo vệ lùi ra xa, nhìn cô bé bằng ánh mắt e ngại. Sau đó, tuy không ai nói gì nhưng cả bảo vệ và nhân viên siêu thị xì xào, nhìn về phía cô bé. Kể từ lần đó, bé gái rất buồn, về nhà bé trở nên lặng lẽ, không muốn tiếp xúc với mọi người. Theo bác sĩ Khanh, kỳ thị không nhất thiết cứ phải buông lời chê bai, đôi khi chỉ cần ánh nhìn cũng đủ khiến người khác tổn thương.

Ngoài trường hợp của bé gái trên, còn nhiều phụ huynh khác bày tỏ băn khoăn, không hiểu nhà trường sẽ bảo vệ học sinh từng là F0 khỏi sự kỳ thị như thế nào khi các bé quay lại lớp học.

Theo bác sĩ Khanh, việc đăng ký tiêm vắc xin là hoàn toàn tự nguyện, nếu trẻ không tiêm thì cũng không cần nói lý do. Trước khi chờ đợi xã hội bảo vệ con mình khỏi sự kỳ thị thì cha mẹ hãy tự bảo vệ trẻ trước. Chỉ bắt buộc khai nếu việc đó gây ảnh hưởng tới mọi người, còn trẻ là F0 khỏi bệnh rồi thì chẳng gây hại cho ai, nếu phụ huynh e ngại con bị kỳ thị thì không cần nói ra.

Cha mẹ không nên tự xây rào cản cho chính mình

Đối với lo ngại của một số phụ huynh như nói trên, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng, phụ huynh đừng tự đặt rào cản tâm lý cho chính mình. Bởi, cha mẹ căng thẳng sẽ tác động không tốt tới tâm lý của con. Hãy nhìn mọi thứ nhẹ nhàng, tự giải tỏa nút thắt trong lòng, từ đó giúp con kiên cường, bình thản đối đầu với các vấn đề của cuộc sống.

Nếu bây giờ yêu cầu nhà trường cam kết bảo mật thông tin, chẳng may có người nào đó biết học sinh là F0 và phụ huynh nói đó là lỗi của trường thì đây quả là một gánh nặng. Việc tiêm hay không tiêm vắc xin hoàn toàn là tự nguyện, tới thời điểm này cũng chưa có văn bản nào quy định rằng trẻ không tiêm vắc xin thì không được đến trường. 

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), cho biết: Việc phụ huynh không dám ghi con từng là F0 xuất phát từ vấn đề truyền thông chưa tốt nên phụ huynh, học sinh mặc cảm. Thời gian giãn cách là lúc cần kết nối giữa phụ huynh và nhà trường nhất, vì vậy gần như tháng nào trường cũng họp với phụ huynh để lắng nghe, chia sẻ và thậm chí giao nhiệm vụ cho phụ huynh hỗ trợ giáo dục con; đối thoại với học sinh…

Qua những buổi này, thầy cô truyền thông cho cha mẹ và học sinh hiểu nếu chẳng may là F0 thì cần chia sẻ, mạnh dạn báo với nhà trường để các con được thụ hưởng chế độ hỗ trợ đặc biệt. Trường đã tiếp nhận thông tin của hàng chục trường hợp học sinh mắc COVID-19, giáo viên chủ nhiệm theo dõi và báo cáo vào link chung để nắm tình hình đã hết bệnh hay chưa và hỗ trợ kịp thời…

“Lớp có bạn bị F0 thì cô chủ nhiệm sẽ phân cho cán sự lớp hoặc các bạn học giỏi quan tâm, hỗ trợ bạn cùng học, phụ bạn chép bài. Thầy cô bộ môn sẽ không kiểm tra các em trong thời gian điều trị bệnh; đưa ra kế hoạch dạy đặc biệt, nhẹ nhàng hơn, sẽ dạy phụ đạo riêng nếu cần thiết. Ngoài ra, nếu gia đình khó khăn, ban giám hiệu tìm cách hỗ trợ nhiều mặt ngoài học tập…

Vì thế, học sinh của trường bị F0 không giấu, khi đăng ký tiêm vắc xin cũng không ngần ngại đánh vào ô F0 đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thắc mắc F0 đã khỏi bệnh có cần tiêm vắc xin hay không thì nhà trường vẫn chờ hướng dẫn của ngành y tế”, cô Tâm chia sẻ. 

Trường sẽ tổ chức nói chuyện để học sinh không kỳ thị bạn từng là F0

Bày tỏ quan điểm về việc học sinh có nguy cơ bị kỳ thị khi khai vào phiếu đăng ký tiêm ngừa mình là F0 đã khỏi bệnh, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng: “COVID-19 là đại dịch toàn cầu, ai cũng có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào.

Vì vậy, thay vì kỳ thị thì nên thấu cảm, chia sẻ, động viên nhau, nhất là khi cơ quan y tế cấp giấy xác nhận hồi phục sức khỏe. Gia đình, họ hàng của tôi có 23 người là F0, nhiều thầy cô của trường trở thành F0. Trong xã hội, một số ít người vẫn thiếu sự thấu cảm các F0 đã khỏi bệnh. Chính vì thế, ngay khi học sinh trở lại trường, chúng tôi sẽ tổ chức buổi nói chuyện để phân tích cho các em hiểu không được kỳ thị bạn mình đang là F0 hoặc từng là F0”. 

Thanh Huyền - Thanh Thanh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI