Đây là những phụ huynh có con đang theo học chương trình tiếng Anh tích hợp tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Đơn kiến nghị của nhóm phụ huynh được gửi tới lãnh đạo Bộ GD-ĐT và TPHCM.
Theo đó, phụ huynh cho rằng học online không hiệu quả nên kiến nghị tạm dừng tổ chức học trực tuyến chương trình tiếng Anh tích hợp (TATH). Khi nào triển khai học trực tiếp thì sẽ cho con học lại để đảm bảo chất lượng.
|
Phụ huynh gửi đơn kiến nghị tập thể |
Trong trường hợp không thể dừng việc học online thì phải giảm 50% học phí để phù hợp chất lượng dịch vụ và phí dịch vụ. Đồng thời xây dựng phương án giảm tải chương trình của học sinh.
Ngoài ra, phụ huynh cũng đề nghị Công ty Cổ phần quản lý Giáo dục và Đầu tư EMG - đơn vị triển khai chương trình tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với phụ huynh; đưa đơn vị độc lập kiểm định chất lượng giảng dạy của chương trình; cung cấp quốc tịch, trình độ… của giáo viên tham gia giảng dạy chương trình này…
Công ty EMG lý giải thế nào về học phí mùa dịch?
Đơn vị này đã có thông tin về học phí đến các cơ quan báo chí: Căn cứ pháp lý để thu học phí dựa vào các văn bản trước đây và mới nhất là văn bản 2462/ SGDDT-KHTC của Sở GD-ĐT TPHCM về việc tiếp tục hướng dẫn thu, sử dụng các khoản thu khác trong năm học 2021-2022 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Trong đó, đối với các khoản thu để thực hiện “Đề án dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” là khoản thu theo nhu cầu của phụ huynh học sinh đã đăng ký tham gia, đảm bảo thực hiện chương trình, bao gồm các chi phí liên quan đến giáo viên nước ngoài. Trong thời gian học trực tuyến, mức thu này có thể điều chỉnh phù hợp nếu có thay đổi về thời lượng, các nội dung đã cam kết và được tổ chức thu theo định kỳ, có thể thu theo quý, học kỳ hoặc cả năm.
Đơn vị này cho rằng, theo quyết định của UBND TPHCM, trong thời gian này, học sinh phải học trực tuyến để đảm bảo an toàn sức khoẻ và tiến độ học tập. Vì thế, chương trình đã có sự điều chỉnh về thời lượng học đối với giáo viên nước ngoài cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Cụ thể, trong tổng số 8 tiết học/ tuần, học sinh bậc tiểu học và THCS sẽ học 6 tiết với giáo viên nước ngoài và 2 tiết với học vụ người Việt Nam. Mức thu học phí này chỉ tính trên 6 tiết giáo viên nước ngoài dạy, còn miễn phí 2 tiết do học vụ người Việt Nam tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức. Như vậy, mức thu học phí đợt 1 của năm học này điều chỉnh từ 10,8 triệu đồng còn 8,1 triệu đồng (tính từ ngày học chính thức). Theo EMG, sự điều chỉnh này sẽ giúp học sinh học trực tuyến bớt áp lực.
“Cũng như các doanh nghiệp, chúng tôi gặp nhiều khó khăn để vượt qua đại dịch. Chương trình TATH có yếu tố nước ngoài nên chi phí vận hành tăng cao hơn rất nhiều khi dịch bệnh xảy ra. Ngoài tăng chi phí tuyển dụng và mời gọi giảng viên nước ngoài đến Việt Nam làm việc, còn phải tăng thêm chi phí cho công tác phòng chống dịch như cách ly, ăn ở, xét nghiệm cho giáo viên… Để đảm bảo đội ngũ giáo viên nước ngoài yên tâm giảng dạy cho năm học 2021-2022, EMG phải “gồng mình” trả lương cho vài trăm giáo viên nước ngoài suốt 4 tháng qua.
|
Học sinh chương trình TATH trong một giờ học - Ảnh: EMG |
Để việc dạy học trực tuyến đạt chất lượng, công ty phải đầu tư công nghệ hiện đại cho toàn bộ hệ thống hỗ trợ giáo viên giảng dạy như đường truyền, máy tính mới có cấu hình mạnh, đặc biệt là phần mềm hiện đại, hệ thống quản lý học tập LMS (Learning management system) riêng, các tài khoản trực tuyến có bản quyền cho học sinh… Vì thế, nên EMG rất mong quý phụ huynh thấu hiểu, đồng hành cùng để chúng tôi có đủ khả năng, điều kiện tiếp tục thực hiện chương trình. Mức học phí của chương trình là 3,6 triệu đồng/tháng do UBND TPHCM cho phép thu từ năm 2014 và duy trì suốt nhiều năm nay dù chi phí tổ chức chương trình đều tăng khoảng 15% mỗi năm”, văn bản này nêu rõ.
Không thể tạm dừng học trực tuyến
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng Chương trình TATH được triển khai theo Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” do UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2014. Theo đó, nội dung chương trình được biên soạn tích hợp giữa chương trình giáo dục của Anh và chương trình của Bộ cho 3 môn tiếng Anh, Toán, Khoa học trên cơ sở giảm tải khoa học và chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất của học sinh với nguyên tắc không trùng lặp và bổ sung kiến thức lẫn nhau. Chương trình được tổ chức giảng dạy song song với chương trình phổ thông hiện hành của Bộ, trong đó những nội dung tương đồng giữa 2 chương trình sẽ được dạy bằng tiếng Anh nên đề nghị của phụ huynh về việc tạm dừng chương trình, khi nào học sinh đến trường học trực tiếp mới tiếp tục giảng dạy là không phù hợp.
Theo lãnh đạo Sở này, phụ huynh nếu không có nguyện vọng tiếp tục tham gia chương trình tiếng Anh tích hợp có thể làm đơn xin chuyển qua chương trình phổ thông Việt Nam.
Về mức thu học phí, thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TPHCM về việc giảm áp lực học tập cho học sinh, đồng thời chia sẻ gánh nặng học phí cho phụ huynh, đơn vị triển khai chương trình đã quyết định giảm số tiết học với giáo viên nước ngoài (từ 8 tiết/tuần trong giai đoạn bình thường xuống còn 6 tiết/tuần trong giai đoạn học trực tuyến) nhưng không giảm nội dung học tập. Học sinh có 2 tiết/tuần học với học vụ người Việt Nam để củng cố và ôn tập kiến thức. Do đó, dù thời lượng học với giáo viên nước ngoài giảm xuống nhưng tiến độ học tập không chậm lại, vẫn đảm bảo tiến trình dạy song song với chương trình giáo dục Việt Nam.
Theo ông Hiếu, hiện nay quy định sĩ số tối đa đối với lớp tích hợp là 35 học sinh/lớp nhưng không có quy định tối thiểu. Trong giới hạn từ 25-35 học sinh/lớp, chương trình tiếng Anh tích hợp vẫn triển khai bình thường.
Thanh Thanh