PNO - Một số trường tiểu học ở TPHCM đã thông báo giá “combo” sách giáo khoa kèm sách tham khảo và sách bài tập với số tiền lên đến cả triệu đồng khiến phụ huynh “choáng váng”.
Một phụ huynh có con sắp vào lớp Hai của Trường tiểu học Nguyễn Du (Q.12), cho biết: Vừa qua, chị đi họp phụ huynh thì được nhà trường phát danh mục ấn phẩm lớp Hai bán trú sử dụng cho năm học 2022 - 2023. Bên cạnh bộ sách giáo khoa (SGK) gồm 10 quyển, còn có bộ sách bài tập gồm 11 quyển và thêm 10 đầu sách khác, như: Bộ thực hành Toán - Tiếng Việt lớp 2, Vui cùng chữ viết lớp 2, An toàn giao thông cho học sinh tiểu học, Amazing Science 2, Math in My World 2, Family and Friends lớp 2… với tổng số tiền lên đến 917.000 đồng. Điều đáng nói là trong danh mục này, giá SGK chỉ có 179.000 đồng trong khi tiền sách bài tập, sách tham khảo lại lên đến 738.000 đồng, cao gấp bốn lần phần quan trọng nhất là SGK.
Phụ huynh này tỏ ra lo lắng vì số tiền mua sách quá lớn, trong khi chị và rất nhiều phụ huynh ở khu vực Q.12 đa phần là công nhân nghèo. “Trường có nói phụ huynh cân nhắc để lựa chọn, nhưng thực sự tôi cũng không biết được quyển nào cần, còn quyển nào không thực sự cần thiết. Nếu nhà trường đã lên danh sách nghĩa là tất cả đều cần thiết, còn nếu không cần thì tại sao trường lại đưa ra?”, phụ huynh này đặt câu hỏi.
Tương tự, một phụ huynh Trường tiểu học Trương Định (Q.12) cũng bất ngờ khi nhận được danh mục SGK, vở bài tập năm học 2022 - 2023 cho lớp Bốn lên đến 800.000 đồng. Bên cạnh tám quyển SGK chỉ có giá 80.000 đồng, còn có đến 19 đầu sách tham khảo, vở bài tập, dụng cụ học tập với số tiền 720.000 đồng, gấp chín lần tiền SGK. Trong đó có hai quyển luyện viết tiếng Việt, hai quyển luyện từ và câu, hai quyển luyện tin học, hai quyển luyện mỹ thuật, tài liệu về an toàn giao thông, địa lý, lịch sử, bốn quyển sách tham khảo tiếng Anh… Trong bảng báo giá, trường có để cột đồng ý/không đồng ý cho phụ huynh lựa chọn, nhưng giữa một “rừng” tên sách, tài liệu tham khảo, không phải phụ huynh nào cũng biết được con mình cần quyển sách nào. Còn nếu “cắn răng” mua hết cho con, không chỉ tốn kém mà đôi khi còn lãng phí vì có những quyển cả năm học sinh không dùng đến.
Một phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp Hai của Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp) cũng cho biết dù trường nói không bắt buộc mà chỉ gợi ý nhưng để yên tâm chị cũng mua cho con trọn “combo” cả SGK, tài liệu tham khảo, dụng cụ học tập lên đến 585.000 đồng. Mặc dù, chị cũng băn khoăn là lớp Hai mà có đến năm đầu sách tham khảo tiếng Anh thì liệu học sinh có học hết không.
Bộ sách giáo khoa và tài liệu tham khảo lớp Hai năm học 2022 - 2023 của Trường tiểu học Nguyễn Du (Q.12) có giá 917.000 đồng
Nhà trường cần cân nhắc
Cô Hồ Thị Ngọc Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du - cho biết, trường đã hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm phổ biến đến phụ huynh danh sách SGK và sách tham khảo cho năm học mới. Đối với các đầu sách tham khảo, trường cũng đã nêu rõ là chỉ gợi ý để phụ huynh lựa chọn cho con nếu có nhu cầu, chứ không bắt buộc. Theo cô Hoa, danh mục sách đưa ra trên cơ sở họp tổ chuyên môn, họp nhà trường để lựa chọn theo đúng quy định và công bố trước cho phụ huynh cân nhắc. Khi bắt đầu năm học mới, phụ huynh có thể báo lại với nhà trường là đồng ý hoặc không đồng ý mua đầu sách nào chứ không có chuyện ép phụ huynh phải mua hết.
Tương tự, cô Trần Thị Hồng Ân - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trương Định - cũng cho biết danh mục SGK và các tài liệu tham khảo dùng cho năm học 2022 - 2023 được thống nhất, đề xuất lựa chọn trong cuộc họp hội đồng nhà trường và theo đề xuất của các tổ chuyên môn.
Nhà trường đã công khai các loại SGK, tài liệu tham khảo cho phụ huynh các lớp. Trong đó, các loại tài liệu tham khảo không yêu cầu học sinh phải trang bị. Nếu không sử dụng sách bài tập thì học sinh hoàn toàn có thể viết bài tập vào vở trắng để làm. Trường cũng không yêu cầu phải mua cả bộ sách, mà có cột để cha mẹ học sinh chọn đồng ý hay không đồng ý ở từng đầu sách. Các sách này cũng không bắt buộc mua tại trường mà phụ huynh có thể tìm mua bên ngoài.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng - Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho rằng, nhà trường có thể công bố sách tham khảo cho phụ huynh, tuy nhiên phải tách bạch rõ ràng giữa bộ SGK bắt buộc và sách tham khảo không bắt buộc.
Nếu trường đưa ra một danh sách chung gây hiểu lầm cho phụ huynh là không đúng. Còn ở góc độ phụ huynh, không nên có tâm lý mặc định rằng trường đưa ra danh sách nghĩa là phải mua hết, mà cần chủ động tìm hiểu những đầu sách nào cần cho con mình, hoặc liên hệ lại với nhà trường để được hướng dẫn rõ ràng.
Ở một góc nhìn khác, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng, nhà trường không thể cứ đưa ra một danh mục đầu sách rườm rà rồi lý giải rằng chỉ “gợi ý” chứ không bắt buộc. Thực tế, việc có nhiều đầu sách ở mỗi lớp học khiến phụ huynh bối rối và họ chọn cách tin tưởng sự tư vấn của nhà trường.
Một khi giáo viên đã gợi ý thì đa phần phụ huynh sẽ tin theo. “Nhìn vào danh mục sách lớp Hai mà có đến 10 quyển SGK, 11 quyển sách bài tập, lại còn thêm 10 đầu sách tham khảo thì có quá tải cho học sinh không? Cấp tiểu học có cần nhiều sách tham khảo đến thế không? Nhà trường phải cân nhắc, có trách nhiệm với danh sách mình đưa ra chứ không thể cứ lấy lý do “chỉ gợi ý” là xong”, ông Vinh nhấn mạnh.
Không được vận động mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào
Trong chỉ thị mới nhất về việc sử dụng SGK và sách tham khảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh hoặc phụ huynh mua xuất bản phẩm, ngoài danh mục SGK đã được bộ phê duyệt và các địa phương lựa chọn, dưới bất kỳ hình thức nào. Các cơ sở giáo dục không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã phê duyệt.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...