Không thể “trăm sự nhờ thầy”
Đầu năm học, gia đình chị Nguyễn Thu Hồng (ngụ TP.Thủ Đức) khá hoang mang, lo lắng khi con vào lớp Một phải học trực tuyến. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng “nhập cuộc”, trái với lo lắng ban đầu, chị hoàn toàn an tâm để con tự học.
“Mình mất một vài buổi học đầu nhắc con dậy sớm, ngồi cạnh hướng dẫn con sử dụng các ứng dụng, thanh công cụ trong phòng học Zoom. Về sau, khi đã quen, chính con lại chủ động nhắc mẹ về thời gian học, sạc đầy pin máy tính. Mỗi ngày, con đều tự giác dậy sớm, tự vệ sinh cá nhân, chọn trang phục mặc trong buổi học...”, chị Hồng hào hứng.
Chị Hồng vui vẻ kể thêm, thời điểm này con chị đã có thể đọc thông, viết thạo, đạt được yêu cầu của cô qua từng bài học. Bé còn tập kể truyện cho cả nhà cùng nghe mỗi tối với sự hỗ trợ của cha mẹ với những âm, vần chưa được học. Để có được kết quả đó, trong quá trình hỗ trợ con học trực tuyến, phụ huynh này chia sẻ, chị luôn khuyến khích con tự học với quan điểm cha mẹ chỉ là người đồng hành, theo sát chứ không làm thay con. Khi con gặp khó ở đâu phụ huynh mới “gỡ” ở đó.
Tương tự, anh Phạm Gia Thành (phụ huynh có con học lớp 1, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) cũng phấn khởi khi con nhận được thư khen của GVCN về “hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập”. Anh chia sẻ, cho đến thời điểm này anh không thấy quá khó khăn hay áp lực khi con học trực tuyến.
“Vất vả trong vài buổi học đầu khi phải ngồi học cùng con đúng nghĩa. Tức là cả hai cha con cùng học để nhắc nhở con mỗi khi con không chú ý, làm việc riêng, chỉ con cách cầm bút, hướng dẫn độ cao từng nét chữ... Qua khoảng thời gian đó, khi con đã dần quen lớp, quen cô, quen phương thức học tập, bắt nhịp với việc học thì hiện nay mỗi giờ học trực tuyến con đều tự tham gia, phụ huynh chỉ dõi theo, quan sát”.
Từ kinh nghiệm của mình, anh Thành nhìn nhận, để con hứng thú học tập tại nhà, chính phụ huynh là người “khơi" lên trong con niềm yêu thích đó chứ không hoàn toàn phụ thuộc hết vào giáo viên. “Tư tưởng trăm sự nhờ thầy, nhờ cô trong bối cảnh hiện nay đã không còn phù hợp. Nếu tư tưởng đó được đem vào lớp học trực tuyến thì thiệt thòi nhất lại chính những đứa trẻ. Để những nét chữ đầu đời của con được tròn trịa thì không ai khác phụ huynh phải cùng con khám phá”, anh Thành chia sẻ.
|
Có phụ huynh chia khó, học sinh lớp Một đạt được các yêu cầu đặt ra từng thời điểm |
Phụ huynh không “chia khó”, mọi kế hoạch sẽ “phá sản”
Khẳng định dạy và học trực tuyến giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn, sự tiếp thu của học sinh chắc chắn không hiệu quả bằng dạy trực tiếp, cô Lê Thanh Hương (Hiệu trưởng Trường TH Trần Hưng Đạo, quận 1) nhấn mạnh, nếu không có sự hỗ trợ của phụ huynh, trẻ lớp Một sẽ khó có thể đạt được yêu cầu cần đạt của môn học.
“Mọi phương án được nhà trường, giáo viên xây dựng để thu hút học sinh tham gia trong tiết học trực tuyến đều sẽ có nguy cơ phá sản nếu không có sự đồng hành, sát sao, hỗ trợ của phụ huynh”.
Hiệu trưởng này phân tích, rào cản của dạy học trực tuyến ngoài thiết bị công nghệ còn là sự tương tác với học sinh bị hạn chế. Phía sau màn hình, giáo viên không thể biết được học sinh mình đang làm gì, càng không thể nào mà uốn nắn được từng cho trẻ. Phụ huynh phải phối hợp với giáo viên để khắc phục những hạn chế đó. “Thực tế cho thấy, qua sự phối hợp của phụ huynh với GVCN, với nhà trường như giúp các em viết chữ, đọc bài; quay video bài đọc, chụp hình bài làm của các em gửi đến GVCN để giáo viên nắm, có sự điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời thì các em đều có sự tiến bộ qua từng ngày”, cô Lê Thanh Hương nói.
Năm đầu tiên dạy trực tuyến cho trẻ ngay từ đầu năm học, dù đã có gần 20 năm kinh nghiệm dạy học sinh lớp Một thế nhưng cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (GVCN lớp 1/12, Trường TH Bình Trị 2, quận Bình Tân) vẫn lo lắng trước ngổn ngang khó khăn. Phương án được cô đưa ra là xây dựng video tập đọc, thiết kế video hướng dẫn viết con chữ, ghép vần... để gửi đến phụ huynh hỗ trợ.
“Các em hợp tác rất tốt, viết tốt, đọc thông từng nội dung yêu cầu. Phụ huynh quay các video tập đọc, tập viết của trẻ để gửi, hướng dẫn trẻ viết thêm đọc thêm. Nếu không có phụ huynh “chia khó” thì giáo viên dù có kinh nghiệm đến đâu cũng khó giúp trẻ đạt được yêu cầu đề ra”.
Nhấn mạnh vai trò của phụ huynh trong việc “chia khó” với giáo viên trong năm học đặc biệt này, cô Võ Thị Diễm Phượng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ) nêu rõ, sự đồng hành, chia khó của phụ huynh sẽ giúp trẻ lớp Một đạt được yêu cầu đề ra như đọc, viết, nhận diện mặt chữ, con số ở mỗi thời điểm nhất định.
“Vẫn sẽ có một bộ phận trẻ lớp Một gặp khó khi học trực tuyến do điều kiện gia đình, phụ huynh thiếu sự hỗ trợ. Với đối tượng học sinh này, các nhà trường, GVCN đều nắm danh sách, tiếp cận, hỗ trợ các em bằng nhiều cách để các em tiếp thu, nắm kiến thức, đạt được yêu cầu cơ bản. Song song đó, khi trở lại học trực tiếp, từng trẻ này cũng sẽ được giáo viên có kế hoạch cụ thể, bù đắp kiến thức cho trẻ”, cô Phượng thông tin.
Én Bông