Phụ huynh châu Á lo “chống ế” cho con

26/09/2023 - 06:00

PNO - Các dịch vụ mai mối hôn nhân đang quay trở lại ở nhiều nước châu Á sau một thời gian thoái trào. Lý do là các bậc cha mẹ ngày càng sốt ruột hơn về tình trạng hôn nhân của con mình.

Khi cha mẹ phải tự mình đi tìm dâu, rể

Ở Nhật Bản hiện vẫn tồn tại “omiai” - một hình thức mai mối - tạo cơ hội cho các cặp đôi tìm hiểu và tiến tới hôn nhân. Thông thường các đôi xuất hiện dưới sự chứng kiến của người mai mối hoặc cha mẹ ở lần gặp đầu tiên. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày càng có nhiều sự kiện omiai nơi các bậc phụ huynh trực tiếp tham gia mà không có sự hiện diện của nhân vật chính là con cái.

Một sự kiện mai mối hôn nhân ở Trung Quốc - Nguồn ảnh: Getty Images
Một sự kiện mai mối hôn nhân ở Trung Quốc - Nguồn ảnh: Getty Images

Mới đây, khoảng 40 người trong độ tuổi trung niên đã tập trung tại một hội trường lớn ở phường Naka, TP Yokohama, dự sự kiện tìm bạn đời cho con. “Con trai tôi rất chăm chỉ nên chắc chắn sẽ là một người chồng tốt” - một ông bố vừa nói vừa không ngừng lật album khoe những tấm ảnh con trai mình được chụp một cách chuyên nghiệp. Người phụ nữ vừa lắng nghe vừa chăm chú “nghiên cứu” tập hồ sơ mỏng với những thông tin cơ bản như tuổi, chiều cao, cân nặng, trình độ chuyên môn, sở thích, mong muốn ở người bạn đời… 

Sau cuộc trò chuyện, họ “chốt đơn” bằng cách trao đổi địa chỉ, số điện thoại và ký vào bản cam kết sử dụng dịch vụ do trung tâm mai mối soạn sẵn để bắt đầu cho giai đoạn 2 của quá trình tác hợp. Đại diện một trung tâm mai mối hôn nhân tại TP Kyoto cho biết, kể từ khi được tổ chức lần đầu vào tháng 10/2005 đến nay, đã có hơn 500 sự kiện omiai tương tự diễn ra trên khắp Nhật Bản với hơn 40.000 phụ huynh tham gia tìm ý trung nhân cho con. 

Vào sáng Chủ nhật hằng tuần, tại một công viên ở TP Tây An, Trung Quốc, bà mối họ Wang sắp xếp “đồ nghề” để đón những khách hàng từ 50 tuổi đến để thực hiện “sứ mệnh chống ế” cho con. Đặc điểm nổi bật của “trung tâm mai mối” này là hàng trăm tấm áp phích có thông tin cá nhân của những người chưa lập gia đình được giăng khắp nơi.

Ông Ye là khách hàng thường xuyên của bà Wang mấy năm nay để tìm vợ cho cậu con trai 45 tuổi. Dù đã mang về nhà không ít hồ sơ các cô gái mà ông thấy hợp nhãn, anh con trai của ông vẫn chỉ lắc đầu. “Tôi xem đây là nghĩa vụ của một người cha và chỉ dừng lại khi vấn đề độc thân của con trai được giải quyết” - ông Ye nói. 

Một trường hợp khác là bà Ma Yingdi - một người mẹ đơn thân - đang cố giúp cô con gái 25 tuổi tìm được ý trung nhân. Con gái bà tốt nghiệp đại học được 3 năm và mãi lo sự nghiệp đến nỗi không có thời gian hẹn hò. Vì vậy, giống như nhiều bậc cha mẹ khác ở Trung Quốc, bà Ma lo lắng đến mất ăn mất ngủ và quyết định đi kén rể cho con.

Khi Bhavabhuti Patel gọi điện hỏi thăm sức khỏe cha mẹ mình (đang sống ở TP Mumbai, Ấn Độ), anh nhận được một thông báo đầy bất ngờ. “Cha mẹ tôi đăng hồ sơ của tôi lên trang web mai mối hôn nhân và đã tìm được vài ứng viên cho tôi. Chúng tôi đã có một cuộc tranh cãi nặng nề về chuyện này” - chàng kỹ sư phần mềm 30 tuổi kể lại. Bhavabhuti cho biết, cha mẹ anh nhấn mạnh đến việc anh đã ngoài 30 tuổi và họ luôn phải giải thích với họ hàng về lý do tại sao mãi mà cậu con trai của mình vẫn chưa chịu yên bề gia thất. 

Các trang web mai mối hôn nhân đang ngày càng nở rộ, dịch vụ này đã trở thành ngành kinh doanh hấp dẫn ở Ấn Độ trong suốt thập niên qua.

Vì sao giới trẻ ngày nay ngại kết hôn?

Các chuyên gia xã hội học cảnh báo Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số trong khi số cặp đôi chịu kết hôn và sinh con đang sụt giảm nghiêm trọng. Giáo sư Shigeki Matsuda từ Đại học Chukyo (Nhật Bản) cho biết, dù có tới 80% người tham gia cuộc khảo sát năm 2022 nói họ mong muốn kết hôn, áp lực phải đối mặt với vấn đề thiếu việc làm, chi phí sinh hoạt cao, mức lương không đổi kể từ những năm 1990 khiến viễn cảnh có được “ngôi nhà và những đứa trẻ” của thanh niên Nhật Bản càng trở nên mờ mịt.

Theo tổ chức OECD, mức tiền lương trung bình hằng năm ở Nhật Bản chỉ tăng 5% từ năm 1991-2021, tụt hậu rất xa so với mức tăng 34% ở các nền kinh tế G7 khác. “Điều này đã làm suy yếu khả năng tài chính của giới trẻ, khiến họ không sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân” - giáo sư Matsuda kết luận. 

Kết quả một cuộc khảo sát do Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc thực hiện năm 2021 cho thấy 44% phụ nữ trẻ cho biết họ không có ý định kết hôn. Hiện số nam giới trong độ tuổi từ 20-40 cao hơn nhiều lần so với số phụ nữ cùng độ tuổi. Điều này cho thấy tình trạng mất cân bằng nam nữ tiếp tục diễn ra ở những người trong độ tuổi kết hôn. Tình trạng này cũng diễn ra ở một số quốc gia châu Á khác như Ấn Độ và Hàn Quốc. 

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI