Công khai thông tin cá nhân quá mức cần thiết
Trưa 6/1, chị H. - phụ huynh có con học lớp Chín, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) - được một người lạ gọi điện báo tin cho biết con của chị bị té ở trường, bị chấn thương nguy kịch và đang được cô giáo đưa vào bệnh viện cấp cứu. Người này cho số tài khoản và yêu cầu chị H. chuyển gấp 100 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, chị H. gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm hỏi thăm mới biết mình bị lừa.
|
Các chuyên gia cho rằng, ngành giáo dục nên chấn chỉnh việc công bố thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh một cách hết sức chi tiết để tránh những hệ lụy như bị lừa đảo, quấy rối |
Ngoài chị H., 2 phụ huynh khác của trường cũng bị gọi điện với chiêu trò tương tự. Nhưng họ đã không rơi vào “bẫy” của bọn lừa đảo khi cẩn thận gọi điện đến trường xác minh. Trước đó, nhiều phụ huynh cũng đã tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy khi nghe kẻ gian báo tin con mình đang nhập viện và không ít người, vì sốt ruột, đã chuyển tiền cho chúng.
Những vụ lừa đảo nêu trên đã khiến người ta thắc mắc: vì sao kẻ lừa đảo lại nắm rõ thông tin cá nhân của học sinh và số điện thoại liên lạc với phụ huynh? Phải chăng những thông tin này đã bị lộ?
Trả lời báo chí, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM - khẳng định, mọi thông tin của phụ huynh học sinh liên quan đến ngành giáo dục trên cơ sở dữ liệu ngành đều được bảo mật. Thông tin lộ ra ngoài có thể do phụ huynh chia sẻ trên các hội, nhóm.
Tuy nhiên, thực tế không như ông Hồ Tấn Minh nói khi thông tin cá nhân của học sinh và số liên lạc của phụ huynh đang được công khai tùy tiện. Ngày 7/3, khi truy cập vào trang web của Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Gò Vấp), chúng tôi dễ dàng tìm thấy một danh sách học sinh bao gồm các thông tin chi tiết như: họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số nhà, tên phụ huynh, số điện thoại phụ huynh. Bất kỳ ai cũng có thể truy cập và tải dữ liệu này một cách dễ dàng. Không chỉ vậy, trang web của Trường tiểu học An Lạc 1 (quận Bình Tân) còn công khai chi tiết thông tin của từng học sinh lớp Một với nơi sinh, số nhà, số định danh cá nhân. Được biết, danh sách học sinh (thông thường là lớp Một) thường được công khai trên trang web của các trường tại TPHCM và không ít trường còn công khai chi tiết quá mức cần thiết.
Cô Thanh Ngọc (giáo viên tại TPHCM) chia sẻ: “Tôi dạy ở trường bán công tại quận 7, trường tôi cũng công khai danh sách học sinh nhưng chỉ có thông tin cơ bản là: họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính và nơi sinh cấp tỉnh. Thông tin như vậy là đủ. Còn con tôi đang học ở trường công lập, nhà trường công khai số nhà, tên phụ huynh và cả số điện thoại phụ huynh lên trang web. Điều này vô tình làm lộ thông tin cá nhân của mẹ con tôi”.
Cũng thế, sau khi đọc được thông tin về các vụ lừa đảo phụ huynh, anh Minh Việt lên trang web Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3) - nơi con anh đang học - để kiểm tra thì phát hiện thông tin cá nhân của con trai và vợ chồng anh đang được nhà trường công khai trên trang web, trong danh sách lớp. “Nếu kẻ gian lấy những thông tin này để lừa đảo thì nhiều người sẽ sập bẫy, vì chúng nói rất đúng những thông tin mà lẽ ra chỉ có giáo viên chủ nhiệm và nhà trường mới biết” - anh Minh Việt nói.
Không chỉ tại TPHCM, việc tùy tiện công khai thông tin của học sinh, phụ huynh đang diễn ra ở nhiều trường trong cả nước. Trên trang web của Trường tiểu học Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), ngoài công bố chi tiết thông tin của học sinh, nhà trường còn kèm cả số điện thoại, năm sinh, nghề nghiệp của cả cha lẫn mẹ học sinh.
Trường học cần chấn chỉnh, mã số hóa học sinh
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, thông tin cá nhân bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau: họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, chứng minh nhân dân, chức danh, thư điện tử, số hộ chiếu. Theo quy định tại điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 thì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Khi công bố, thu thập thông tin tư liệu đời tư cá nhân nhất thiết phải được sự đồng ý của người đó.
“Nhà trường thu thập thông tin cá nhân của học sinh, phụ huynh thì phải có trách nhiệm bảo mật. Việc công khai chi tiết mã định danh cá nhân, số nhà của học sinh hay số điện thoại, nghề nghiệp của phụ huynh là không cần thiết và vi phạm quy định của pháp luật. Ngành giáo dục nên chấn chỉnh ngay tình trạng này để tránh các hệ lụy như phụ huynh học sinh bị lừa đảo, làm phiền, quấy rối” - luật sư Nguyễn Tri Đức nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn (chuyên gia tội phạm học) cho biết: “Theo tâm lý, khi bạn biết được nhiều thông tin về một người, bạn sẽ dễ tiếp cận người đó hơn. Tội phạm cũng vậy, khi nắm rõ thông tin cá nhân của nạn nhân chúng sẽ dựng nên những kịch bản khiến nạn nhân dễ tin tưởng”.
Kỹ sư Trần Việt Pháp - chuyên gia bảo mật của một hệ thống bán lẻ tại TPHCM - nhận định, nhiều người cho rằng, việc công khai dữ liệu của học sinh, phụ huynh tràn lan trên web như hiện nay là bình thường. Tuy nhiên, với các đối tượng lừa đảo hay những người bán hàng thì đây là “miếng pho mát miễn phí rất có giá trị”.
“Tháng Bảy năm ngoái, nhiều người sửng sốt khi dữ liệu của 30 triệu người, trong đó có hồ sơ của học sinh, sinh viên được rao bán trên web đen. Các trường học hiện đang công khai khá nhiều thông tin trên web để phụ huynh, học sinh tiện theo dõi, trong đó có nhiều thông tin lẽ ra phải bảo mật. Không ít kẻ xấu sẽ âm thầm tổng hợp những thông tin này mua bán, lừa đảo” - ông Pháp cảnh báo.
Theo ông Pháp, để hạn chế làm lộ thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh, các trường chỉ nên công bố những thông tin cơ bản là: họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh (cấp tỉnh) và dân tộc, để tránh nhầm lẫn do cùng tên, cùng ngày tháng năm sinh. Nhà trường cũng nên áp dụng mã số học sinh, sinh viên để quản lý.
“Khi mỗi học sinh đã có một mã số, nhà trường sẽ không cần phải công bố quá nhiều thông tin chi tiết để phân biệt học sinh này và học sinh kia. Cùng với đó, trang web trường cần thiết lập thêm các chế độ riêng tư. Ví dụ, ở các hạng mục nội bộ thì truy cập phải có tài khoản và mật khẩu. Tài khoản chính là mã số của các em học sinh” - kỹ sư Trần Việt Pháp khuyến cáo.
Khẩn trương điều tra, làm rõ những vụ lừa “con bị chấn thương nguy kịch” Một nguồn tin từ Công an TPHCM cho biết, lãnh đạo công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, làm rõ việc một số phụ huynh trình báo bị lừa tiền với chiêu trò “con bị chấn thương nguy kịch”. Ngoài chiêu trò trên, Công an TPHCM cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng với chiêu trò mạo danh cơ quan công quyền yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra. Đây là chiêu trò lừa đảo vì cơ quan chức năng không làm việc qua điện thoại. Nạn nhân bị lừa đảo hoặc phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần đến ngay cơ quan công an gần nhất để trình báo. Chiều tối 6/3, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đã có văn bản khẩn yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên. Động thái này được đưa ra sau khi nhiều phụ huynh ở TPHCM bị kẻ xấu gọi điện báo tin lừa đảo. |
Sơn Vinh