Ăn ngon - Sống khoẻ

Phụ gia trong mì ăn liền có an toàn không?

12/12/2022 - 08:45

PNO - Thành phần và hàm lượng các nguyên liệu sử dụng trong các gói gia vị ngoài việc tạo nên hương vị riêng, thì còn phải đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.

* Mì gói là món ăn quen thuộc và rất ngon miệng, người lớn trẻ nhỏ đều thích. Không rõ trong gói mì có những phụ gia gì và các phụ gia này có an toàn hay không. Hiện ở Việt Nam cơ quan nào kiểm soát những tiêu chuẩn an toàn trong mì ăn liền?

Thanh Xuân (quận 11, TPHCM)

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - trả lời: Mì gói là món ăn quen thuộc được nhiều người ưa thích vì hương vị thơm ngon với nhiều loại khác nhau. Trong 1 gói mì thông thường bao gồm 3 gói gia vị chính là: gói xúp, gói dầu và gói rau. 

Thành phần trong gói xúp là hỗn hợp các loại gia vị (muối, đường, bột ngọt, tiêu, tỏi, ớt…) nhằm tạo nên hương vị đặc trưng cho từng loại sản phẩm. Màu vàng của sợi mì được tạo nên từ chiết xuất củ nghệ.

Gói dầu gia vị: được nấu từ dầu thực vật tinh luyện cùng các nguyên liệu tươi như hành tím, ớt, tỏi, ngò om...
Gói rau sấy: bao gồm thịt, tôm, trứng, rau (hành lá, ba rô, đậu hà lan, cà rốt, cải…) được sấy khô.

Thành phần và hàm lượng các nguyên liệu sử dụng trong các gói gia vị ngoài việc tạo nên hương vị riêng, phù hợp với từng loại sản phẩm thì nhà sản xuất còn phải đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam, có công bố đầy đủ thành phần trên bao bì và được cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt “Xác nhận công bố phù hợp quy định an tòan thực phẩm”. 

Nguyên liệu và quy cách sản xuất gói gia vị trong sản phẩm mì ăn liền không chỉ theo quy định, tiêu chuẩn của công ty mà còn phải theo Tiêu chuẩn Việt Nam về mì ăn liền để phù hợp sử dụng đi kèm trong gói sản phẩm. Thành phần các gói gia vị được công bố và ghi rõ trên bao bì sản phẩm, bao gồm cả nguyên liệu có khả năng gây dị ứng cho một số đối tượng nhất định (nếu có). Vì vậy, các phụ gia này đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Vấn đề phụ gia trong thực phẩm là mối quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Trong thực phẩm, phụ gia được định nghĩa là: “Những chất không được coi là thực phẩm hoặc một thành phần chủ yếu của thực phẩm, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng; được chủ động thêm vào thực phẩm với một lượng nhỏ, an toàn cho sức khỏe nhằm duy trì chất lượng, hình dạng, mùi vị, độ kiềm hay độ a xít của thực phẩm, hoặc nhằm đáp ứng cho yêu cầu về công nghệ trong sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển và bảo quản thực phẩm”. 

Bộ Y tế đã ban hành danh mục các phụ gia thực phẩm, hương liệu được phép sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng nhất định. Danh mục này hoàn toàn phù hợp với danh mục của Ủy ban Codex quốc tế. Bên cạnh đó, các thông tin bắt buộc trên nhãn thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vì vậy, người tiêu dùng nên đọc kỹ các chất phụ gia, hương liệu trên bao bì, nhãn mác của từng sản phẩm trước khi sử dụng. Nếu các phụ gia trong danh mục cho phép, đúng đối tượng và liều dùng thì vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. 

Ở Việt Nam việc phân công, phân cấp và phối hợp quản lý an toàn thực phẩm thực hiện theo Luật An toàn thực phẩm, khoản 1 đến khoản 7, điều 36, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm từ bột nhào, đã hoặc chưa làm chín (mì sợi, mì ăn liền spaghetti, mì dẹt, cháo ăn liền, bánh đa, phở, bún, miến...). 

Đối với người tiêu dùng, khi lựa chọn sản phẩm thực phẩm đóng gói sẵn nên xem kỹ nhãn mác để lựa chọn được sản phẩm không chỉ phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân và gia đình, mà còn lựa chọn được các sản phẩm an toàn với sức khỏe. 

B.T. (ghi)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI