Phóng viên tuổi... 94

22/06/2024 - 09:55

PNO - 94 tuổi, ông Nguyễn Thế Viên (xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vẫn say mê viết báo. Ông từng là phóng viên chiến trường những năm chống Pháp, Mỹ...

“Tốc ký” trên bao thuốc lá

Xem lại những tấm hình kỷ niệm xưa, ông Nguyễn Thế Viên (SN 1930, trú xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cho biết, năm 1951, theo tiếng gọi Tổ quốc, ông gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong hành quân ra Bắc phục vụ cho cuộc chiến chống thực dân Pháp khi vừa học xong chương trình phổ thông.

Vốn mê viết lách, ban ngày ông cùng đồng đội đi phá đá mở đường, đêm về lại tranh thủ viết về công việc mở đường, những tấm gương trong đơn vị gửi cho Báo Cứu quốc. Năm 1953, ông được chuyển về Trung đoàn 6, Sư đoàn 312, mặt trận Điện Biên Phủ - đây cũng là thời điểm đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cầm bút của ông Viên.

ở tuổi 94, ông Viên vẫn đều đặn viết báo để thỏa niềm đam mê của mình - Ảnh: Phan Ngọc
Ở tuổi 94, ông Viên vẫn đều đặn viết báo để thỏa niềm đam mê của mình - Ảnh: Phan Ngọc

Tại đây, ông Viên đã ghi tốc kí về hoạt động của đội công binh phá thác trên sông Nậm Na vào những mảnh giấy nhàu nát từ bao thuốc. Bài báo được đăng tải trên tờ Tin tức Mặt trận đã nhận được nhiều lời khen, khích lệ ông tiếp tục viết báo của đồng đội. Sau bài báo này, ông được Sư đoàn 312 điều động về làm phóng viên cho tờ Tin tức Mặt trận.

Ông kể, ngày đó gia tài của người phóng viên chiến trường như ông chỉ có cái bút và tập giấy. Khi ra trận, người phóng viên cũng như một chiến sĩ, cầm bút thay cầm vũ khí để chiến đấu. Cứ thế, họ lăn lộn hầu khắp các chiến trường, bám sát trận địa để kịp thời phản ánh, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.

“Gian nan nhất là thiếu giấy để viết. Lúc đó tôi thường sử dụng những tờ giấy đã viết ngâm vào nước nhằm tẩy trắng rồi phơi khô để sử dụng lại, hoặc nhặt những vỏ bao thuốc lá do địch vứt lại chiến trường để ghi chép lại thông tin” - ông Viên kể.

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Viên được cử đi đào tạo 18 tháng lớp Báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Kết thúc khóa đào tạo, chàng phóng viên trẻ được điều về làm việc tại Báo Quân đội nhân dân.

Ông bảo, kỷ niệm khó phai mờ nhất trong đời làm báo của mình là 3 lần đi theo Bác Hồ để đưa tin khi Người ra thăm đảo Cô Tô, về thăm xã Vĩnh Thành và chỉ đạo chống úng ở Hải Dương. Mỗi lần như thế đều để lại cho ông một kỷ niệm sâu sắc, đặc biệt là những lời dặn dò của Bác, làm hành trang cho sự nghiệp cầm bút.

Năm 2022, ông Viên được trao chứng nhận là tác giả cao tuổi nhất tham gia Giải Báo chí Búa liềm vàng Nghệ An - Ảnh: Phan Ngọc
Năm 2022, ông Viên được trao chứng nhận là tác giả cao tuổi nhất tham gia Giải Báo chí Búa liềm vàng Nghệ An - Ảnh: Phan Ngọc

Năm 1974, khi ông Viên gắng tiến sát để chụp ảnh chiếc máy bay bị cháy tại trận đánh ở đèo An Khê (Bình Định) thì bị địch câu pháo. “Lúc đó, tôi bị pháo nổ làm hỏng một mắt, quai hàm bị gãy, toàn bộ máy ảnh và các tư liệu bị hư hỏng” - ông Viên kể và cho hay, do bị trọng thương nên ông phải lui về khu vực hậu chiến điều trị.

Còn đi được là còn viết

Năm 1986, ông Viên nghỉ hưu, trở về quê hương với cuộc sống mới. Để nuôi sống bản thân và gia đình, ông nhận 1ha đất hoang rồi cải tạo trồng cây, đào ao thả cá. Vừa chăm lo phát triển kinh tế, ông vừa tranh thủ thời gian làm thơ, viết báo gửi đăng trên nhiều báo, tạp chí từ trung ương tới địa phương để thỏa niềm đam mê của mình.

Tủ sách ở hiên nhà luôn được ông Viên sắp xếp cẩn thận để phục vụ học sinh trong vùng - Ảnh: Phan Ngọc
Tủ sách ở hiên nhà luôn được ông Viên sắp xếp cẩn thận để phục vụ học sinh trong vùng - Ảnh: Phan Ngọc

Ông còn hoạt động rất sôi nổi, từng có nhiều năm là Chủ tịch Hội thơ Đường luật huyện Yên Thành và là Trưởng Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên Phủ huyện. Ở cái tuổi 94, ông vẫn đi và say viết. Hình ảnh ông già râu tóc bạc phơ, cùng chiếc xe đạp lặn lội khắp làng trên xóm dưới để tìm gặp nhân vật viết bài không còn xa lạ với người dân vùng quê này.

Ông bảo rằng, nghề báo không chỉ là đam mê, mà nó đã thấm vào máu, không thể dứt được. Sức khỏe cũng không còn tốt như trước, song ông Viên vẫn tự đặt mục tiêu viết ít nhất 4 bài báo mỗi tháng. Bài viết của ông chủ yếu xoay quanh những cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ làm ăn giỏi trong vùng.

Không sử dụng được máy tính, ông miệt mài viết bài ra giấy như hồi còn ở chiến trường rồi đóng vào bì thư, hoặc nhờ con cháu viết lại trên máy tính rồi gửi tới một số tòa soạn. “Thời cuộc thay đổi, báo chí cũng có rất nhiều thay đổi. Ngày trước chúng tôi chỉ cần tập trung vào chiến đấu để viết về các trận đánh, những tấm gương... nhưng giờ làm báo phải trau dồi thêm nhiều kiến thức, tìm hiểu kỹ, sâu sát để làm nổi bật lên được vấn đề đang được xã hội quan tâm” - ông Viên nói.

Những năm qua, căn nhà tình nghĩa do Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An tặng cũng được ông Viên “biến” thành điểm đọc sách của học sinh, làm thơ của bạn bạn mỗi dịp cuối tuần. Đến nay, ông Viên đã sưu tầm được hơn 500 đầu sách, cùng hàng trăm tờ báo và tạp chí để phục vụ người dân địa phương.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEbandoclambaovi /strCate=bandoclambao