PNO - “Trò chuyện với tương lai không đơn thuần chỉ là câu chuyện giáo dục, mà bắt đầu từ sự thấu hiểu. Tôi tìm thấy điều đó trong chính những thứ mình đang làm. Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ - tôi và chương trình chỉ là đang giúp các em học sinh thắp lên một ước mơ, tiếp lửa và khuyến khích các em đi đến cùng, chạm vào ước mơ đó’’ là chia sẻ chân thành của phóng viên, biên tập viên Phương Huyền với Báo Phụ nữ TPHCM.
Phương Huyền nhận giải thưởng cá nhân với tác phẩm Trò chuyện với tương lai phát thanh trên VOH (Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM)
“Trò chuyện với tương lai” bắt đầu từ sự thấu hiểu
Phóng viên: Là nhà báo không chuyên về mảng giáo dục, tự nhận mình không phải diễn giả chuyên nghiệp, điều gì thôi thúc chị tự tin gầy dựng chương trình Trò chuyện với tương lai (TCVTL)?
Phóng viên, biên tập viên Phương Huyền: Để có được TCVTL thực ra là cả một hành trình dài. Hơn 17 năm làm báo, đặc thù của phát thanh mang lại cho tôi nhiều điều thú vị. Chúng tôi cũng được phân mảng nhưng thực ra lại có thể đá nhiều sân. Tôi làm “Văn học tuổi xanh - Cửa sổ văn học” từ ngày còn là sinh viên đến nay đã hơn 20 năm. Tôi dẫn dắt chương trình Trò chuyện đêm khuya, đồng hành cùng tiến sĩ Lý Thị Mai gần 15 năm; đồng thời là biên tập viên, dẫn dắt Những lá thư xanh đến nay cũng hơn 10 năm; rồi nhiều chương trình khác như Hạt giống tâm hồn, Chung nhịp văn minh… Hầu như chương trình của tôi nếu không liên quan đến văn chương thì cũng là tâm lý. TCVTL không đơn thuần là câu chuyện giáo dục, mà bắt đầu từ sự thấu hiểu. Tôi tìm thấy điều đó trong chính những thứ mình đang làm. Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ. TCVTL, vì thế, bắt đầu từ việc đọc để lắng nghe rồi mới đi đến chia sẻ với các em.
* Làm thế nào để chị có thể đưa TCVTL từ thực tế đến phòng thu, phát trên sóng radio hiệu quả?
- Năm 2021, trong một lần trò chuyện cùng một người bạn là giáo viên ở Ninh Thuận, anh ấy bảo tôi: “Thấy em hay đi trò chuyện cùng học sinh ở thành phố, hay em làm gì cho học sinh Ninh Thuận đi. Ở tỉnh, học sinh thiếu thốn đủ thứ, em à”. Khi nghe anh nói điều này tôi đã nghĩ nếu có làm, phải làm gì đó thật sự chạm đến các em. Các em phải là nhân vật trung tâm. Thay vì kiểu nói cho các em nghe, chúng ta hãy lắng nghe các em nói để hiểu hơn về những mong muốn, trăn trở của các em. Cùng thời điểm đó, một người bạn ở trường cũ nói với tôi: “Huyền về chia sẻ cho học trò của mình đi. Các em học sinh rất cần có thêm động lực, mà tụi mình thì không biết cách nào để chuyển tải”. Tôi mang suy nghĩ này chia sẻ với người bạn là thạc sĩ Trang Minh Hà. Anh Hà là người có rất nhiều ý tưởng. Vậy là anh bảo mở cuộc thi viết, có giải thưởng hẳn hoi, anh sẽ tìm cách kêu gọi tài trợ.
Và trong đầu tôi xuất hiện Thư gửi tương lai: “Bạn có từng ước mơ 5 năm nữa, 10 năm nữa bạn là ai? Bạn sẽ trở thành người như thế nào? Mong muốn của bạn sẽ là công việc gì? Hãy ngồi xuống và viết cho mình một bức thư…”. Hơn 1.000 học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, Ba Đồn, Quảng Bình đã bắt đầu thử nghiệm với Thư gửi tương lai như thế.
Rồi anh Hà cùng tôi về Quảng Bình vào những ngày cuối tháng 3/2021. Quảng Bình đón chúng tôi bằng cơn mưa và đợt lạnh bất thường. Trường đầu tiên, lần đầu tiên, mọi thứ đều đầu tiên có lẽ còn nhiều bỡ ngỡ với chính chúng tôi nên chưa thật sự thành công. Nhưng, tôi vẫn tiếp tục mang chương trình đến Ninh Thuận cũng vào tháng Tư năm đó với 4 trường. Tôi thấy mình cần phải gieo vào lòng các em ước mơ và hoài bão để thực hiện ước mơ. Rút kinh nghiệm lần ở Quảng Bình, TCVTL được đón nhận nồng nhiệt tại Ninh Thuận.
Phương Huyền (thứ hai từ phải sang) được tặng thưởng giải 3 - giải Báo chí toàn quốc 2023
* Rào cản lớn nhất khi thực hiện chương trình này ngoài thực tế là gì? Chị vượt qua những khó khăn đó như thế nào để mang TCVTL đến các trường?
- Khó khăn không hề ít! Bỏ qua việc phải sắp xếp công việc, lo sức khỏe thì còn rất nhiều áp lực. Ở tỉnh, học trò còn nhiều khó khăn. Học trò ở thành phố luôn đầy ắp sách trong thư viện, cần gì thì có ba mẹ, thầy cô đáp ứng đầy đủ. Học trò ở tỉnh còn thiếu cả tình thương. Ba mẹ đi làm xa, ba mẹ không sống cùng nhau, con em đồng bào dân tộc thiểu số… - các em thiếu thốn đủ thứ. Đến chia sẻ thôi thì không được, làm sao phải có thêm quà khích lệ các em viết tốt, có thêm ít suất học bổng cho các em… Vậy là việc chuẩn bị cho chuyến đi luôn phải làm trước đó hàng tháng trời. Kinh phí này, suốt 3 năm nay vẫn từ sự chia sẻ của những người bạn thương quý, những nhà xuất bản, những công ty sách, thậm chí cả thính giả của đài.
Trong đợt bão Yagi vừa qua, Phương Huyền đã kêu gọi sự chia sẻ của mọi người với đồng bào miền Bắc. Số tiền 199.404.700 đồng huy động được, chị mua đồ dùng học tập, sách vở gửi đến 8 trường thuộc phòng giáo dục huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, gồm: Nậm Pung, Mường Hum, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Cốc Mỳ, Trung Lèng Hồ, Mường Vi, Bản Xèo. 24.000 quyển vở, 12.000 cây bút đã được trao tặng đến các em học sinh.
Đầu tháng 12/2024, chị sẽ thực hiện chuyến trao tặng sách, học bổng, quà; tổ chức đọc sách, vẽ tranh, tô màu, chơi đố vui với sách cho học sinh của 3 trường tiểu học, 1 trường THCS ở vùng núi Ninh Sơn, Ninh Thuận.
Nhưng khó khăn nhất vẫn là làm thế nào để chương trình hấp dẫn. 2 tiếng cho một nhà văn, nhà báo ngồi giao lưu hấp dẫn không khó nhưng 60 phút đứng giữa sân trường để thu hút các em, để các em nghe và nói, nói và nghe, thật chẳng dễ chút nào. Làm sao để các em thấy mình thật sự là trung tâm? Làm sao để các em học sinh tỉnh lẻ vốn nhút nhát rụt rè dám đứng dậy chia sẻ trước hàng ngàn học sinh và thầy cô toàn trường? Và làm sao để buổi trò chuyện cùng các em thực sự có ý nghĩa, có giá trị với các em? Chưa kể, có những trường tôi đã đi đến năm thứ ba, khó tránh khỏi sự trùng lắp. Có nhiều khó khăn và áp lực nhưng tôi vẫn mê! Các em vẫn chào đón, chờ đợi mình. Cứ gần đến ngày là có cả tin nhắn của thầy cô lẫn học trò là “Các em chờ cô Huyền về”, “Mong cô Huyền lắm”… Vậy là lại tiếp tục thắp lửa cho chính mình.
* Sau chuỗi sự kiện TCVTL ở các trường học, có thể thấy những người đồng hành cùng chị góp phần không nhỏ vào việc tạo nên hứng khởi để chương trình thành công rực rỡ. Chị hãy chia sẻ đôi chút về những cộng sự này?
- Tôi thật sự vô cùng biết ơn những người đồng hành cùng mình. Nếu không có họ, chắc chắn sẽ khó có TCVTL như ngày hôm nay. Thạc sĩ Trang Minh Hà là người cùng tìm ý tưởng đầu tiên về việc đi trường với tôi. Sau đó, anh cùng tôi 2 lần liên tiếp đi Phú Yên, đến trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Thu Trang - cử nhân chuyên ngành quan hệ quốc tế, Trường đại học Quốc tế Tokyo, Nhật Bản - thì mang đến cho học trò làn gió trẻ trung, tươi mới.
Còn thạc sĩ Lê Hoài Việt - giảng viên Đại học Mở TPHCM - là người đồng hành vô cùng tuyệt vời. Có thể nói, anh Việt lấp đầy những khoảng trống mà tôi thiếu. Với chuyên ngành giảng dạy về khởi nghiệp, anh giúp học sinh biết cách hệ thống, đặt mục tiêu, chia nhỏ mục tiêu để theo đuổi ước mơ. Đi cùng Việt, tôi vô cùng yên tâm, chỉ việc giữ lửa cho các em và đẩy Việt cháy hết mình giữa sân trường. Còn một người nữa tuy không thể cùng đi đến các trường nhưng lại là người cùng tôi giữ sóng TCVTL trên VOH. Đó là thầy giáo nổi tiếng của Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) - thầy Đỗ Đức Anh. Là một thầy giáo dạy văn giỏi, thú vị, hiểu học trò, thầy Đức Anh thật sự phù hợp trong vai trò cùng tôi dẫn dắt chương trình trên sóng.
Hãy để mỗi đứa trẻ được lớn lên với ước mơ hạnh phúc
* Suốt quá trình thực hiện TCVTL, chị nhận ra điều thiếu hụt lớn nhất của các em mà chúng ta cần giúp bổ khuyết, lấp đầy trong hiện tại là gì?
- Mục tiêu của chương trình là giúp các em nhận ra rằng phải có ước mơ, có khát khao thực hiện ước mơ trong tương lai. Có những bức thư, các em băn khoăn “thực sự em không biết ước mơ là gì”… Nhiều nơi còn quá đặt nặng thành tích mà quên mất rằng chưa chắc học giỏi đã thành công hay hạnh phúc. Các em vì chuyện thành tích mà phải chịu quá nhiều áp lực: áp lực với bạn bè đồng trang lứa, áp lực “con nhà người ta”… Có những bức thư mà đọc xong, tôi vô cùng xúc động. Các em cần được hiểu, được cảm thông, được chia sẻ. Thầy cô, ba mẹ hãy thật sự yêu thương, học cách làm bạn cùng các em để mỗi đứa trẻ được lớn lên với ước mơ hạnh phúc.
Truyện vừa dành cho thiếu nhi Những thiên thần của người gác rừng vừa được tái bản
* Sau một chuỗi chương trình TCVTL đến các trường, kết quả mà chị và cộng sự nhận được như thế nào? Đây có phải là “quả ngọt” xứng đáng cho suốt 3 năm nỗ lực, dấn thân và cống hiến?
- Đi trường là một phần trong chương trình phát sóng trên VOH. Sau khi đi trường năm 2021, chuyên mục Thư gửi tương lai được phát trong chương trình Sài Gòn buổi sáng với ý nghĩa đồng hành cùng tuyển sinh. Rồi cũng ngay sau đó, tôi đã lên ý tưởng hoàn thiện chương trình TCVTL với thời lượng 30 phút để chuyển tải hết ý nghĩa chương trình. Những vấn đề các em nêu ra trong những bức thư hay chia sẻ tại trường chính là chủ đề mấu chốt cho mỗi số phát sóng. Các chủ đề như: Xác định mục tiêu, Hoàn thiện bản thân, Áp lực với bạn bè đồng trang lứa, Cô đơn ở giới trẻ… thực ra là những chủ đề thu hút. Tôi nghĩ rằng những người đi cùng mình đến các trường hay cùng mình thể hiện trên sóng đều rất vui với thành quả nho nhỏ này. Nói “quả ngọt xứng đáng cho suốt 3 năm nỗ lực, dấn thân và cống hiến” nghe hơi to tát nhưng tôi thấy vui và thêm động lực. Bởi lẽ, không ít lần tôi tự hỏi mình có đang đi đúng không, mình có đang làm điều thực sự cần thiết không… Tôi biết rằng khi mệt quá thì mình nghĩ vậy thôi chứ vẫn sẽ tiếp tục. Chỉ có điều sau 3 năm, tôi nghĩ sẽ tới lúc mình phải nghiêm túc ngồi lại để tìm ra hướng đi. Bởi cứ đi bằng đam mê, tìm sự hỗ trợ bằng các mối quan hệ cá nhân thì không thể trụ nổi.
Phương Huyền trong một hoạt động ở trường học
* Cảm xúc nào đọng lại nhiều nhất trong chị sau loạt chương trình TCVTL?
- Mỗi chuyến đi đều mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Năm nay, lần đầu tiên tôi đến với Gia Lai và thật sự bất ngờ về các em. Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng ở Krông Pa hơi rụt rè vì đa số là người dân tộc thiểu số nhưng học sinh Trường THPT Lê Thánh Tông ở Ayun Pa lại quá sôi nổi. Các em có những ước mơ thật đẹp như đưa xe sách đi khắp các buôn làng, chăm sóc động vật hoang dã, trở thành nhà trị liệu tâm lý đứng về phía trẻ bị xâm hại tình dục… Các em lần đầu tiên viết về ước mơ của mình và cũng vô cùng hào hứng khi chia sẻ về ước mơ tuyệt đẹp đó. Ninh Thuận bước sang năm thứ ba nên tôi được nghe các em chia sẻ nhiều hơn, giãi bày nhiều hơn những điều khó nói. Ở Phú Yên thì chính thầy cô đã nói “nghe các em chia sẻ về ước mơ, chợt nghĩ đến ước mơ của chính mình”. Tất cả điều đó mang đến động lực, như cách để tôi “sạc pin”.
Tôi vẫn còn giữ những dòng tin nhắn của thầy Nguyễn Trung Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đặng Chí Thanh, Cà Ná, Ninh Thuận - từ 3 năm trước. Khi gửi thư của các em cho tôi, thầy nhắn: “Mình không nghĩ một cuộc thi viết nhỏ mà lại khiến một cán bộ quản lý giáo dục như mình phải suy nghĩ nhiều như thế. Đọc thư mà thấy thương các em vô cùng”. Chính những tin nhắn ấy của thầy, những lời chia sẻ của thầy cô các trường khác cùng những bức thư, sự đón nhận của các em đã cho tôi niềm tin và động lực để đi tiếp.
Phương Huyền trong phòng thu Trò chuyện với tương lai cùng thầy giáo Đỗ Đức Anh (bìa phải) và thạc sĩ Lê Hoài Việt
* Nhận diện chính mình và vẽ nên tương lai của bản thân, nói thì dễ nhưng thực hiện không hề dễ dàng nếu các em thiếu ý chí và không có người kề cạnh để hun đúc. Sau thành công của chương trình, chị dự định sẽ làm gì để có thể đi đường dài, đồng hành, tiếp lửa cho các em trong tương lai?
- Để chương trình thật sự lan tỏa phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Hiện nay, tôi mới chỉ đi đến các tỉnh: Quảng Bình, Ninh Thuận, Phú Yên, Gia Lai theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”. Vẫn phải tự mang chương trình đi giới thiệu cho từng trường và rồi trường này kết nối trường kia. Điều đó thật sự chưa chuyên nghiệp. Nếu cơ quan quản lý giáo dục các tỉnh thành thấy được giá trị từ chương trình để đưa vào hoạt động ngoại khóa đồng bộ hơn hay chí ít cũng đến nhiều tỉnh hơn thì mới thành công. Bên cạnh đó, cũng không thể mãi đi xin sách vở, học bổng hay quà tặng theo cách hiện tại. Mối quan hệ nào cũng chỉ có thể hỗ trợ một vài lần mà thôi, không làm mãi được. Rồi thì chương trình trên sóng cũng cần có kinh phí lâu dài. Tôi cần lắm sự đồng hành của doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục và sự phát triển của các em để đi cùng mình. Rất mong chương trình sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, với những kế hoạch hữu ích hơn. Tất cả vì thế hệ tương lai của đất nước.
Phương Huyền chia sẻ cùng học sinh trong một lần giao lưu
Công việc buộc phải đi nhiều nhưng lại là nguồn cảm hứng cho văn chương
* Là phóng viên, biên tập viên, MC, nhà văn và là mẹ của một cô bé tuổi teen, đây có phải là những lợi thế giúp chị nắm bắt tâm lý học sinh tốt và gần gũi các em, dễ dàng truyền cảm hứng đọc, viết và giúp các em tự tin chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc?
- Từ khi có con, tôi học làm mẹ. Từ khi làm nghề, tôi học thêm để hiểu và yêu hơn những thứ xung quanh mình. Tôi may mắn được làm việc với nhiều chuyên gia, trong đó có các chuyên gia mảng tâm lý - giáo dục. Mỗi lần trò chuyện, phỏng vấn chuyên gia, tôi lại được học thêm… Rồi tôi cũng viết lách đôi chút, có vài cuốn sách cho tuổi teen và thiếu nhi nên hay được mời đi chơi với trẻ. Thời gian đầu, tôi thấy mình nói dở lắm nhưng cứ đi về rồi lại tự rút kinh nghiệm. Trường sau có thể chưa hay hơn trường trước nhưng sẽ tìm ra cách để các em nhớ được nhiều hơn, thích đọc hơn, tự tin hơn. Tôi cũng thường xuyên chia sẻ với con. Mẹ con tôi chơi với nhau, tâm sự với nhau như bạn. Tôi hay hỏi con rằng mẹ làm như vậy, nói như vậy với lứa tuổi các con thì có phù hợp không. Nói chung là nhiều cách nhưng cách nào thì đi trường cũng vui. Vì thế mà chỉ trong tháng Mười và Mười một này, tôi đi chơi với các bạn nhỏ cả ba cấp tới gần 20 trường cả tỉnh và thành phố.
Phóng viên, biên tập viên Phương Huyền (kênh FF99.9Mhz - VOH)
* Ngoài công việc chuyên môn của một phóng viên, biên tập viên sóng phát thanh, chị còn là một cây bút hoạt động sôi nổi trên văn đàn. Làm sao để chị vẫn giữ được tình yêu và niềm đam mê với văn chương bền bỉ như vậy?
- Công việc hiện tại của tôi nhìn vào có vẻ rất nhiều nhưng thực chất, tất cả đều ràng buộc lẫn nhau.
Nhờ yêu công việc chính, tôi kết nối với con người thực tế bên ngoài gần gũi hơn. Nhờ gặp gỡ nhiều ở ngoài, tôi có nhiều chất liệu hơn cho trang viết. Nhờ đi chơi với trẻ con, học sinh nhiều, tôi thuận tay hơn khi viết cho thiếu nhi. Có thể giai đoạn này tôi không viết đều vì tôi nghĩ mỗi thời điểm sẽ có mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, tôi vẫn tha thiết với văn chương, vẫn chia sẻ với các bạn việc đọc sách, tình yêu với viết lách.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Phương Huyền là phóng viên, biên tập viên của kênh FM99.9Mhz (VOH - Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM). Chị cũng là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Phương Huyền còn là MC quen thuộc trong các sự kiện văn hóa văn nghệ.
Hơn 17 năm trong nghề, chị luôn là một “cánh chim không mỏi” trong mọi lĩnh vực. Chị vừa được trao tặng giải 3 cá nhân - giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2023 dành cho tác phẩm - chương trình TCVTL phát trên sóng VOH - Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM do chị chủ biên.
Phương Huyền hiện là 1 trong 10 đại sứ Văn hóa đọc của TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025. Hiện tại, chị là 1 trong 7 nghệ sĩ thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật là ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nhiệm kỳ 2024-2029. Một số tác phẩm của chị đã xuất bản: Kẻ hiếu kỳ, Ai rồi cũng chỉ còn lại một mình, Cái tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú, Không gì là mãi mãi, Yêu một chút cũng đâu có sao, Những thiên thần của người gác rừng…
Trần Huyền Trang (thực hiện) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.