Phong vị xuân trên báo xưa: Loa "đột phá" đăng ảnh thiếu nữ

04/02/2022 - 11:18

PNO - Có một tờ báo ít được nhắc đến, trong đó đăng tải nhiều ảnh chân dung thiếu nữ: Loa - tờ báo tồn tại trong những năm thập niên 1930.

Loa - tuần báo phát hành ngày thứ Năm hàng tuần, tại Hà Nội - là tờ báo gần như chưa được nhắc đến trong các nghiên cứu về báo chí Quốc ngữ những năm 30 của thế kỷ XX. Hiện trong kho lưu trữ của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Loa được lưu trữ các số báo từ năm 1935-1936.

Theo số báo 103, ra ngày 9/2/1936 (cũng là số báo cuối cùng được lưu trữ), Loa đã tồn tại được 3 năm. Như vậy, thời gian phát hành của tờ báo này phải được tính từ năm 1933. 

Loa số 101 phát hành đúng ngày 29 Tết
Loa số 101 phát hành đúng ngày 29 Tết năm Bính Tý

Thập niên 1930 nổi bật có Phụ Nữ Tân Văn, Thần Chung, Phong Hóa, Công Luận báo, Hà thành ngọ báo... Cho đến năm 1934, trên Phụ Nữ Tân Văn, Phong Hóa... vẫn chỉ sử dụng minh họa bằng tranh vẽ, nhiều số báo cũng không có minh họa. Một số tờ báo phát hành và tồn tại trước đó: Khai hóa nhật báo, Đông Pháp thời báo, Lục Tỉnh Tân Văn... cũng chỉ có tranh vẽ, chủ yếu dùng ở mục quảng cáo.

Những bức ảnh báo chí được đăng tải sớm nhất trên báo chí Quốc ngữ đầu thế kỷ XX được tìm thấy ở Nam Phong tạp chí, gồm các ảnh chụp tại Pháp (trong chuyến đi Pháp của Phạm Quỳnh vào năm 1922) cùng một số ảnh miền Trung, miền Bắc dùng minh họa cho các bài du ký. So với nhiều tờ báo cùng thời điểm, Loa là tờ báo hiếm hoi có đăng ảnh chân dung thiếu nữ.

Giai đoạn này trên báo chí Quốc ngữ vẫn đang còn những diễn đàn sôi nổi về vấn đề phụ nữ, đấu tranh đòi bình đẳng, nữ quyền cho nữ giới. Việc một tờ báo liên tục đăng tải hình ảnh phụ nữ như Loa cho thấy sự tiến bộ của tờ báo này cũng như sự phát triển của kỹ thuật nhiếp ảnh lúc bấy giờ.

Trong vườn Xuân-ảnh của
Trong vườn Xuân - Ảnh của Đỗ An Ninh

Những số báo cuối năm và đầu xuân của tờ báo này liên tục đăng tải các tranh, ảnh chân dung thiếu nữ, ca ngợi và tôn vinh vẻ đẹp của nữ giới. Đồng thời, trên các số báo đầu năm, Loa cũng có nhiều bài viết, bình luận lẫn thơ ca, văn xuôi về chủ đề xuân. Khám phá phong vị xuân xưa trên một tờ báo lâu nay ít người tìm hiểu, nghiên cứu cũng mở ra nhiều điều thú vị. 

Trên số báo ngày 2/1/1936, Loa có bài thơ của Phạm Xuân Ky miêu tả cảnh đi chợ của chị em phụ nữ: "Những người đàn bà thoăn thoắt bước nhanh/Hoặc nhẹ nhàng vẩy đôi tay mềm mại/Hoặc với giữ ở trên đầu thúng hành/Thúng măng, mấy con gà, thúng củ cải...". Khung cảnh xôn xao bình yên với hình ảnh những đứa trẻ lẽo đẽo theo mẹ đi chợ phiên "và túm chặt vạt áo mẹ, kéo".

Trên số báo này cũng có bài viết kể về việc đi chúc tết cùng hình ảnh mừng tuổi đầu năm.

Bức ảnh chủ đề Cái áo Tết
Bức ảnh chủ đề "Cái áo Tết"

Vấn đề ăn mặc, trang phục của nữ giới cũng được đề cập trên số báo đầu năm. Loa tôn vinh trang phục truyền thống áo dài của phụ nữ và phê phán lối ăn mặc tân thời, ăn mặc kiểu Tây cũng như cách đón tết khác lạ của các nam thanh nữ tú. Ví như chuyện con trai "đánh phấn hồng má, thoa son môi", trên người nhiều đeo nhiều trang sức hay chuyện các thiếu nữ y phục tân thời trên đầu rắc đầy hoa giấy xanh đỏ...

Số báo ngày 3/2/1936 (nhằm 11 tháng Giêng) có bài thơ của Tường Châu miêu tả vẻ đẹp đoan trang của thiếu nữ: "Nhớ chăng buổi hôm xưa/Tha thướt vẻ ngây thơ/Liễu chào, oanh yến đón/Hoa thắm nhụy còn tơ...". Các bức chân dung thiếu nữ được đăng tải trên Loa cũng là những trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam: áo dài, áo tứ thân. Văn hóa trang phục của một thời cũng được nhìn thấy qua những bức ảnh.

Một số bức ảnh thiếu nữ trên những số báo đầu năm:

Bộ áo dài của cô Đào Phụng Hà
Bộ áo dài của cô Đào Phụng Hà
Ấm chè đầu Xuân. Ảnh của Dessin de C.S
Ấm chè đầu Xuân - Ảnh của Dessin de C.S
Hoa Xuân. Ảnh của Lê Đình Chữ
Hoa Xuân - Ảnh của Lê Đình Chữ

"... Năm mới đem cho ta cái ấm áp của mùa xuân tươi mới, lại kèm thêm cho ta một lớp hy vọng, ta sẽ nuôi trong một năm tròn. Nào những ai thất vọng vì năm đã qua, nào cả những ai gặp nhiều sự may trong năm đã qua, cho cả những ai chỉ mong xuông, sống thêm một tuổi, ta nên vui vẻ chào năm mới. Một năm mới, một mối hy vọng mới" - thư tòa soạn báo Loa gửi độc giả, trên số báo ngày 23/1/1936 (đúng ngày 29 tháng Chạp năm Bính Tý, năm này cũng không có ngày 30 Tết). 

Bùi Tiểu Quyên

Nguồn tư liệu: Thư viện Quốc gia Việt Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI