Phong vị xuân trên báo xưa: Cười với tết cùng...Vịt Đực

05/02/2022 - 12:19

PNO - Tờ báo trào phúng mang tên Vịt Đực từng đón và tiễn cái Tết Mậu Dần năm 1938 với phong vị của tiếng cười hóm hỉnh.

Số đầu tiên của báo Vịt Đực phát hành ngày 22/6/1938, tờ báo này gắn với những tên tuổi làng báo lúc bấy giờ: Tam lang Vũ Đình Chí, Vũ Bằng, Phùng Bảo Thạch, Lưu Văn Phụng... Tờ báo ra đời xác lập bàn 3 chuyện: chính trị, xã hội và văn chương.

Trước năm 1945, Vịt Đực là tờ báo rất được yêu thích vì có nhiều bài viết thể hiện góc nhìn thẳng thẳn, dám lên tiếng phê phán các vấn nạn xã hội, thậm chí chỉ trích bất cứ nhân vật dù "tai to mặt lớn" hay nổi tiếng như thế nào.  

Vịt Đực-tờ báo trào phúng nổi tiếng trước năm 1945
Vịt Đực - tờ báo trào phúng nổi tiếng trước năm 1945

Tên tờ báo cũng vô cùng độc đáo so với những tờ báo trào phúng khác. Và cách lý giải về "tin vịt" (từ dùng để nói về những thông tin sai sự thật trên các báo lá cải) cũng trào lộng qua chuyện kể: có một người nọ nuôi 20 con vịt, nhưng một con vịt trong số đó đã ăn thịt hết 19 con còn lại. Sau đó chính nó bị người ta ăn thịt và người ấy ăn xong thì...chết, đến lúc mổ tử thi, bác sĩ nói người này vì ăn một lúc 20 con vịt mà chết! (bài viết Vì sao người ta gọi tờ báo là "con vịt"?, số ra ngày 22/6/1938).

Văn phong báo Vịt Đực cứ hài hước giễu nhại mà châm biếm sâu cay, không ngại nói thẳng nói thật nên được bạn đọc hoan nghênh. Đọc vừa cười vừa thấm chuyện thế thái nhân tình lúc bấy giờ. Trên số báo Tất niên năm Mậu Dần 1938, thư tòa soạn gửi chào bạn đọc cũng bằng giọng văn dí dỏm: "Số báo này là số báo hết năm. Hết một năm cười cợt với các bạn gần xa. Vịt Đực ra xong số báo này thì nghỉ Tết. Vì Vịt Đực mệt..."

Hình ảnh Cọp trên số báo Tất Niên năm Mậu Dần
Hình ảnh cọp trên số báo Tất niên năm Mậu Dần

Nhưng cũng trên những số báo Tất niên Mậu Dần và Tân niên Kỷ Mão, lại thấy những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đa dạng của đất Hà thành hơn 80 năm trước. Một cuộc thi "xe hoa Ánh Sáng" diễu hành qua phố mừng Xuân, trên đó là các nam thanh nữ tú. Hội chợ Ánh Sáng gồm có các hoạt động vui xuân: chợ phiên bên bờ hồ, diễn kịch, "tombola" - nơi vui chơi đánh bạc...

Những ngày đầu năm, khán giả thủ đô còn được xem nghệ sĩ Năm Châu, nghệ sĩ Phùng Há diễn vở Đời cô Lựu ở "nhà hát Tây" (Nhà hát lớn Hà Nội), có cả vở kịch Đoạn tuyệt của Thế Lữ... Ngoài kịch, cải lương còn có phim chiếu rạp. Câu chuyện Xuân Diệu mua vé mời Thế Lữ xem phim Toura tại rạp Majestic được đưa hẳn lên báo, trong bài viết Hà Nội năm mới (số báo ngày 7/3/1939).

Tuy nhiên, đã lên báo Vịt Đực thì bài viết nào cũng là trào lộng. Ngay cả bài thơ Xuân xuân chúc chơi cũng "cà khịa" nhiều đối tượng: "Ngày xuân nâng chén rượu mùi/Chúc ông quan lớn suốt đời trẻ măng...", "Xin chúc ông chủ đồn điền/Chiếm thêm nhiều ruộng đất miền nhà quê/Bớt công của kẻ làm thuê/Tậu ít vợ bé, trâu dê chó bò"...(tác giả Thường Quân).

Minh họa thường thấy trên báo là...những chú vịt
Minh họa thường thấy trên báo là... những chú vịt

Lại còn có một câu chuyện hóm hỉnh trước thềm xuân, rằng các thi sĩ Việt Nam họp lại bầu Tản Đà làm thơ  khiếu nại lên... Trời vì "văn chương hạ giới rẻ như bèo". Nhưng cho dù thế nào thì "đời còn, thơ còn", "Kêu gào để cho người ta biết đến mình và mượn người kêu gào hộ" (trong bài Câu chuyện thơ của tác giả Tân Thạch). 

Bài thơ trào phúng Năm Cọp đã qua trên số báo ngày 11/2/1939 ngoài bày tỏ tâm trạng ưu thời mẫn thế, vừa giễu nhại phê phán chuyện thời sự vừa châm biếm về "nạn loạn thơ": "Lại nữa gần đây nạn loạn thơ/Mấy thằng trẻ oắt cũng a dua/Hoài công bố nó cho đi học/Làm bẩn nghề văn các cụ xưa...".

Ngày nay lần giở lại những trang báo trào phúng Vịt Đực, thấy rõ được tư tưởng cũng như những mâu thuẫn trong quan điểm sáng tác của giới văn nhân thi sĩ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trong lối hành văn hóm hỉnh trào lộng của tờ báo, thấy cả những vấn đề mà người thủ đô phải đối mặt trong năm con hổ (Mậu Dần - 1938): dịch bệnh đậu mùa, thổ tả...

Vào dịp cuối năm cũng là thời điểm làng báo Bắc Kỳ phản đối dự án tăng thuế giấy nhật trình, cuộc họp diễn ra vào ngày 1/2/1939 với các đại diện Nguyễn Văn Nguyên - báo Đời Nay, Trần Khánh Dư - báo Ngày Nay, Phan Trần Chúc - báo Tân Việt Nam, Vũ Đình Long - Tiểu thuyết thứ Bảy...

Bùi Tiểu Quyên

Nguồn tư liệu: Thư viện Quốc gia Việt Nam

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI