Phòng và trị cảm mùa hè bằng thuốc nam

03/06/2024 - 06:38

PNO - Với đặc điểm nắng nóng kèm mưa, thời tiết những ngày này có khả năng gây bệnh ngoại cảm rất cao; đặc biệt với những người có sức đề kháng kém, có bệnh nền, người làm việc ngoài trời hoặc thường xuyên phải di chuyển trên đường.

Triệu chứng đặc thù khi nhiễm ngoại cảm trong tiết khí này là cảm giác trì trệ, nặng nề, nặng đầu, thân ê ẩm, tứ chi mỏi mệt, đau nhức cơ khớp, cứng cổ gáy, đầy hơi, trướng bụng...

Đó là do độ ẩm trong không khí quá cao, thấp khí, thấp tà gây cản trở các hoạt động của cơ thể sinh ra các triệu chứng kể trên. Song song đó, thử tà và nhiệt tà (nắng và nóng quá mức) khiến cơ thể bị mất nước do đổ nhiều mồ hôi. Nếu không kịp bù đủ nước, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao, mất nước, gây sốt, nhức đầu, nóng mắt, hoa mắt… Thuốc nam có ưu thế phòng và trị các chứng bệnh do ngoại cảm với rất nhiều sự lựa chọn, dễ tìm, dễ sử dụng.

Hoa cúc, loại thuốc nam có tác dụng trừ phong nhiệt hiệu quả
Hoa cúc, loại thuốc nam có tác dụng trừ phong nhiệt hiệu quả

Ăn uống để phòng ngừa cảm

Mỗi người có thể dễ dàng phòng bệnh bằng cách sử dụng các vị thuốc nam trong bữa ăn hoặc dưới dạng hãm trà uống thay nước mỗi ngày. Nên ưu tiên chuẩn bị sẵn ở nhà các loại thảo dược như: mã đề, râu ngô, lá dâu tằm, hương nhu, bạc hà, cúc hoa, bột sắn dây, rau má, đậu ván trắng, ý dĩ…

Nước nấu từ cây mã đề, râu ngô, ý dĩ, xích tiểu đậu (đậu đỏ hạt nhỏ), đậu ván trắng… sẽ giúp trừ thấp tà rất tốt qua đường tiểu tiện. Lưu ý, đậu đỏ, đậu ván trắng cần sao thơm trước khi nấu nước. Ý dĩ, đậu đỏ còn có thể nấu cháo ăn thay bữa sáng hoặc chiều.

Lá cây dâu tằm giúp phòng và trừ cảm mạo do phong nhiệt hiệu quả. Có thể hái lá tươi non nấu canh ăn; hoặc hãm lá khô uống thay nước, lượng dùng từ 5-12 g/người/ngày.

Cúc hoa là vị thuốc nam phổ biến, dễ tìm; giúp thanh nhiệt, giải độc, tán phong, sáng mắt; trị được các chứng hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, nhức mắt… Ngày dùng từ 8 - 12g, dạng hãm trà hoặc sắc thuốc.

Dân gian thường sử dụng sắn dây ở dạng bột. Đây cũng là vị thuốc nam giúp giải nhiệt, giải khát, sinh tân dịch, giải cơ… bằng cách hòa nước sôi để nguội uống sống; có thể kết hợp thêm ít đường và lát chanh sẽ giúp ngon miệng và tăng tác dụng. Nếu tiêu hóa kém thì nên hòa với nước sôi cho bột chín rồi mới dùng.

Để dự phòng cảm cũng có thể dùng lá bạc hà kết hợp với lá tía tô, hoắc hương uống liên tục trong 3 ngày.

Do đặc thù ngày nay nhiều người làm việc và ngủ trong môi trường máy lạnh nên vẫn đồng thời vừa nhiễm khí thấp vừa nhiễm khí hàn. Do đó nên kết hợp uống thêm nước nấu từ lá tía tô, kinh giới; 2 loại thảo dược này đều có tác dụng sát trùng đường hô hấp, kháng viêm, kháng dị ứng, giải trừ khí hàn cho cơ thể. Hoặc có thể thay đổi, dùng thêm nước gừng tươi với lượng nhỏ mật ong. Gừng có tính kháng viêm, ức chế trung tâm ho - giúp giảm ho đồng thời còn làm mạnh tiêu hóa.

Trị cảm tận gốc bằng thảo dược quanh nhà

Khi bị ngoại cảm, nhiều người thường có thói quen uống thuốc tây. Cách này có thể cắt nhanh triệu chứng nhưng không trị dứt được nguyên nhân gốc. Hậu quả là những tà khí gây bệnh vẫn lưu cữu trong cơ thể, chờ cơ hội thuận lợi sẽ phát sinh những chứng bệnh mới như viêm xoang, các cơ khớp…

Do vậy, ngay khi có dấu hiệu cảm mùa hè, nếu triệu chứng thiên về nhiệt, không ra mồ hôi, nên dùng bạc hà tươi cùng với cúc tần, hương nhu, lá sả, lá tre nấu nước xông, sau đó uống một bát nước xông khi còn nóng (nên để riêng bát nước này trước khi xông). Đồng thời, dùng thêm các loại nước rau má, bột sắn dây, nước đậu ván trắng (sao thơm), hương nhu… giải nắng, hạ nhiệt. Nếu kèm thêm ho nhiều thì kết hợp uống nước nấu các loại lá dâu, bạc hà, rau má, xạ can, lá hẹ.
Triệu chứng bệnh ngoại cảm thiên về hàn thì nên kết hợp các loại tía tô, kinh giới, hành lá, gừng tươi cùng nấu nước xông và nước uống hoặc cho vào cháo loãng, ăn nóng; sao cho toát được mồ hôi và khí hàn ra khỏi cơ thể.

Khi có các triệu chứng bệnh ngoại cảm như đã kể trên mà có kèm đổ mồ hôi thì nên thêm quế chi, đinh lăng vào nấu uống.

Nếu triệu chứng thiên về thấp thì kết hợp các loại lá hương nhu, hoắc hương, bạc hà, lá lốt, tía tô, kinh giới để xông; uống nước các loại thảo dược như hướng dẫn ở phần trên. Đồng thời sắc và uống thêm bài thuốc sau: quế chi, cây đậu săng, hắc sửu, huyết rồng, bồ bồ, thiên niên kiện, muồng lá nhỏ, đều 8g; nhàu ta, mơ lông, cỏ xước, cam thảo nam, đều 12g.

Trường hợp bị cảm phong nhiệt mà nhức đầu, nên nấu cháo hoa cúc ăn sẽ giảm đau nhiều. Cụ thể: 12g hoa cúc trắng, 10g lá dâu tằm, 15g hạ khô thảo, 30g đậu ván, 50g gạo tẻ, đường phèn vừa đủ. Đem cúc trắng, lá dâu, hạ khô thảo rửa sạch, đun lấy nước bỏ bã; cho gạo tẻ, đậu ván, đường phèn vào cùng nấu thành cháo loãng. Mỗi ngày ăn 2 lần, ăn lúc cháo còn ấm. Lưu ý không áp dụng cho những người thường bị tiêu chảy.

Bị ngoại cảm có kèm ho khan, khô mũi, họng, uống thêm nước nấu từ lá chanh, mạch môn, muồng trâu, lá dâu, mè đen.

Hà Nguyễn Đông Y (Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI