Phong tục và thiết chế của người An Nam

28/10/2013 - 08:08

PNO - PNO - Phong tục và thiết chế của người An Nam (NXB Tri Thức) là tập sách đầu tiên trong bộ Lời người man di hiện đại - dự kiến 15 tập, gồm các trước tác của nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936).

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông là trí thức tân học, nhà báo, nhà văn tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỷ XX có công lớn trong việc phát triển tiếng Việt hiện đại.  Trong một bức thư trao đổi với cụ Huỳnh Thúc Kháng năm 1932, Nguyễn Văn Vĩnh tự nhận mình là “người man di hiện đại”. “Man di” vì ông xuất thân nghèo khổ và không được đào tạo chính thống, còn “hiện đại” là bởi ông đã đào tạo mình thành người hiểu biết nhờ tự học.

Phong tuc va thiet che cua nguoi An Nam

Sinh thời, học giả Nguyễn Văn Vĩnh từng làm chủ bút tất cả bảy tờ báo, trong đó có ba tờ tiếng Pháp, tuy nhiên chỉ các bài báo trên tờ L’Annam Nouveau mới thể hiện sâu sắc, toàn diện nhất suy nghĩ của ông về các vấn đề xã hội.

Khi đọc Phong tục và thiết chế của người An Nam, chúng ta sẽ hình dung ra sự hiểu biết uyên thâm của ông với văn hóa nước nhà. Đây là những bài báo đã in trên báo L’Annam Nouveau (Nước Nam Mới) do Nguyễn Văn Vĩnh viết bằng tiếng Pháp; Phạm Toàn và Dương Tường chuyển ngữ tiếng Việt.

Những bài viết trong tập này nêu lên những khái niệm cơ bản và nét đặc trưng về làng xã, dân cư, tập quán sinh hoạt, buôn bán, ruộng đất, bói toán, giá lúa gạo... của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Chẳng hạn, ông phân tích về tập quán “chơi họ”, theo ông là “di sản có từ những thời xa xưa” nhưng chỉ có khả năng đáp ứng những nhu cầu rất hạn hẹp của những cá nhân gắn bó với nhau vì sự tin cậy lẫn nhau. Do đó, phương thức “chơi họ” không đáp ứng nhu cầu thương mại thời hiện đại. Về vấn đề lúa vốn là nguồn sống của người nông dân, ông cho rằng với một xã hội thuần sản xuất lúa gạo mà nhà nước không có sự hỗ trợ như tổ chức thị trường và đầu tư tài chính… thì chưa thể gọi là “khai sáng văn minh” cho xứ thuộc địa như người Pháp đã tuyên bố.

Ngoài ra, với cái nhìn sâu sắc của người trong cuộc, nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh còn cảnh báo, phê phán một số tác động tiêu cực, hậu quả của chính sách cai trị do thực dân Pháp đã áp đặt đã làm mất đi cái căn cốt của phong tục, truyền thống ở nông thôn Việt Nam.

Có thể nói, tập sách Phong tục và thiết chế của người An Nam đem lại cho chúng ta nhiều thông tin rất hữu ích. Giúp cho người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về nông thôn Việt Nam với các nét sinh họa, văn hóa, kinh tế… đầu thế kỷ XX.

P.H


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI