Phong tục cúng Tất niên – bữa cơm ngày cuối năm
Thực tế, bữa cơm tất niên không phải nghi lễ ngày Tết song đó là phong tục của người dân Việt Nam. Cúng tất niên là cúng trình ông bà, tổ tiên năm cũ đã kết thúc. Cúng tất niên thường được làm buổi chiều ngày 30 tết. Sau cúng, cả nhà sẽ đoàn tụ quây quần cùng nhau ăn bữa cơm cuối năm.
Bữa cơm tất niên là nét văn hoá đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi “Tết đến, xuân về". Mâm cỗ cúng gia tiên trong buổi chiều ngày cuối cùng của năm âm lịch với mỗi gia đình xưa nay vẫn là công việc vô cùng quan trọng và là nét đẹp truyền thống từ bao đời nay. Từ sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình lo làm cơm cúng để mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết. Người đàn ông trụ cột trong gia đình sửa soạn nơi thờ tự, thăm mộ rồi trở về làm lễ cúng.
Mâm lễ cúng tất niên tùy thuộc theo vùng miền, mỗi nơi sẽ khác nhau và tùy thuộc vào điều kiện gia đình mà chuẩn bị. Thế nhưng, một số vật phẩm bắt nhất định phải có khi cúng theo phong tục của người Việt đó là: mâm ngũ quả, hương hoa, vàng mã, trầu cau, rượu, bánh chưng... các món ăn trong ngày tết sẽ được bày biện trang nghiêm trên bàn thờ.
Một số vùng có thêm câu đối đỏ, "gậy ông vải" (là 2 đôi mía còn đủ cả ngọn, lá tươi tốt, buộc khum vào nhau ở hai bên bàn thờ). Đặc biệt, trước khi cúng tất niên, cả gia đình đều phải có mặt, thành tâm kính lễ.
Lễ vật cúng không cần quá cầu kỳ mà chủ yếu thể hiện được tấm lòng thành. Mâm cơm đạm bạc, chỉ cần có đầy đủ các vị, các hàng đại diện cho các món mặn, chay, thể hiện được sự phong phú trong đời sống hàng ngày của cuộc sống.
Trước là để cúng thần linh, ông bà tổ tiên, sau là cấp cho con cháu mọi thành viên trong gia đình cùng hưởng lộc và nói chuyện trò vui vẻ trong một năm đã qua, động viên nhau cố gắng, tạo nên một không khí gia đình đầm ấm trong gia đình.
Phong tục cúng đêm giao thừa – Thời khắc chuyển giao sang năm mới
Sau khi cúng tất niên, lễ cúng giao thừa (hay lễ trừ tịch) được thực hiện vào nửa đêm 30, rạng sáng mùng một Tết. Đêm Giao thừa là đêm cuối cùng của năm cũ, là điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đêm Giao thừa là một đêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với một năm. Một năm mới đến, người già thêm trường thọ và người trẻ thêm trưởng thành.
Đêm Giao thừa đến mang ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ, mọi điều xấu xa trong năm cũ đi và rước nhiều may mắn thành công đến cho năm mới. Người ta tin rằng mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới. Trong giây phút thiêng liêng ấy, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay trong năm cũ. Mọi sự kiêng kỵ được thực hiện triệt để từ giây phút giao thừa tới sáng sớm mùng 1 Tết.
Thời điểm giao thừa, người ta thường cúng lễ ngoài trời và trong nhà. Lễ vật cúng giao thừa ngoài trời gồm hương, đăng (nến), trầu, rượu, vàng, tiền… Ngoài ra, lễ vật cần thêm thủ lớn luộc hoặc gà trống luộc (cả con, đủ bộ), xôi nếp, bánh chưng…
Những lễ vật này cần được chuẩn bị từ trước thời điểm giao thừa. Chúng được đặt trên bàn hay mâm lớn kê trên một cái đôn (không để trên mặt đất). Tới đúng thời điểm giao thừa, người dân thắp đèn, hương. Nếu có chuẩn bị văn khấn trên giấy để đọc thì sau khi đọc xong, người ta đốt ngay cùng với tiền, vàng dâng cúng.
Phong tục cúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán
Theo phong tục, sau bữa cơm cúng Giao thừa để tiễn năm cũ đón năm mới thì sáng mùng 1 Tết, các gia đình người Việt đều chuẩn bị bữa cơm cúng trang trọng (có thể nói là bữa cơm trang trọng nhất năm).
Mùng 1 Tết Nguyên Đán là buổi sáng đầu tiên trong năm mới. Do vậy, việc thờ cúng ngày mùng 1 Tết được các gia đình chuẩn bị rất chu đáo, để cầu mong cho một năm mới Kỷ Hợi 2019 khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc cho cả gia đình.
Theo phong tục, người ta gọi bữa cơm cúng sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, tức là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Trong ngày đặc biệt này, người ta thường cúng tổ tiên và thần linh. Chiều mùng 1 Tết, các gia đình làm cơm cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều.
Trong cả 3 ngày Tết (mùng 1,2,3) việc làm lễ cúng cơ bản được thực hiện giống nhau. Cần lưu ý khi cúng gia tiên, tiền bạc, vàng mã phải để nguyên và đốt nhang đèn suốt 3 ngày Tết cho đến lễ Hóa vàng.
Các bữa còn lại trong ba ngày Tết chỉ cần cúng bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo. Trên bàn thờ ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục trong 3 ngày Tết cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí Tết thêm đầm ấm, sum vầy...
Mâm cỗ cúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán: Trong sáng mùng 1 ngoài việc sửa soạn lại ban thờ (thay trầu cau, nước…) thì vẫn phải chuẩn bị mâm cỗ để thắp hương. Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.
Lễ mặn thường là cúng bánh chưng, gà, giò, canh… Người ta cũng thường kiêng sát sinh vào sáng mùng 1 Tết nên gà cúng của buổi sáng này thường được làm thì từ tối hôm trước.
Sau khi mâm cúng mùng 1 Tết đã được sửa soạn tươm tất thì chủ nhà bưng lên bàn thờ, rồi tiếp theo chủ nhà sẽ lên thực hiện nghi lễ để tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Hương tàn, chủ nhà lễ tạ, hạ cỗ xuống cho con cháu hưởng lộc.
Có thể thấy, đối với người Việt các phong tục thờ cúng Tết đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng và đi sâu vào tiềm thức của mỗi người. Những nghi lễ này là cách để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình và mong cầu một năm mới an khang, thịnh vượng, hạnh phúc viên mãn.
Trần Yến