PNO - Phong trào “Người kinh doanh văn minh” do Hội LHPN phối hợp cùng Sở Công Thương TP.HCM phát động từ năm 1998, đến nay đã đi qua chặng đường 24 năm. Bền bỉ theo thời gian, phong trào đã và đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo chị em thương nhân.
Ngày 28/10, Hội LHPN TP.HCM tổng kết 5 năm thực hiện phong trào “Người kinh doanh văn minh” giai đoạn 2017-2022, tặng bằng khen cho 13 tập thể và 52 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào. Là một trong 52 gương điển hình người kinh doanh văn minh, chị Hoàng Phi Phượng - thương nhân ngành hàng mỹ phẩm tại trung tâm thương mại An Đông - phấn khởi: “Hôm nay là một ngày kỷ niệm, chị em thương nhân các chợ có dịp gặp nhau, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh để cùng trở thành những thương nhân văn minh”.
Các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu “Người kinh doanh văn minh”
Là người yêu thích kinh doanh, 30 năm trước, chị Phượng gom góp tài sản được một lượng vàng làm vốn kinh doanh ngành hàng mỹ phẩm. Khởi đầu chưa có kinh nghiệm, chưa có khách hàng… nên phải mất nhiều năm sau chị mới gầy dựng được chỗ đứng trên thương trường. “Để có được chỗ đứng như hôm nay, ngoài sự cố gắng, tôi luôn nhận được giúp đỡ, đồng hành từ ban quản lý chợ, Hội Phụ nữ chợ, nhất là sự hỗ trợ kịp thời từ các nguồn vốn, giúp tôi có thêm tài chính để nhập hàng, đáp ứng nhu cầu khách hàng theo từng giai đoạn” - chị Phượng cho biết.
Chị Phượng cũng là thương nhân tiêu biểu hưởng ứng phong trào “Người kinh doanh mới” từ những ngày đầu và hiện nay là phong trào “Người kinh doanh văn minh”. Từ phong trào, chị tiếp cận và học được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng về bán hàng, sắp xếp quầy kệ, buôn bán văn minh, không chèo kéo khách hàng; cam kết bán theo giá niêm yết, không bán hàng gian hàng giả… Nhờ liên tục thay đổi mình, chị Phượng đã tạo được uy tín với nhiều nhóm khách hàng, cả khách hàng tại TP.HCM và ở các tỉnh xa… Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, từ một sạp nhỏ, đến nay chị đã phát triển thành 6 sạp, trong đó có 3 sạp để chứa hàng, thị trường phân phối trải dài từ miền Nam ra đến miền Trung, doanh số khoảng 2 - 3 tỷ đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động.
Là một thương nhân bán bánh kẹo, chạp phô tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, Q.3, chị Trương Ngọc Yến cho biết: “Các tiêu chí của phong trào gắn liền với công việc buôn bán của thương nhân. Trong quá trình kinh doanh tôi luôn cam kết không bán hàng gian, hàng giả, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; bán hàng đúng giá niêm yết, cân đong đo đếm chính xác. Hơn thế, trong buôn bán mình phải luôn niềm nở, hòa nhã với khách hàng…”.
Hiện tại, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các nữ thương nhân đang cố gắng bám chợ để thu hút khách hàng, học thêm các kỹ năng bán hàng online… để tiếp cận được với nhiều khách hàng, tăng tính cạnh tranh.
Xây dựng chợ văn minh, giữ được bản sắc riêng
Phong trào “Người kinh doanh văn minh” được Hội LHPN TP.HCM và Sở Công Thương phát động từ năm 1998, đến nay đã khơi dậy được tính đoàn kết vì sự phát triển kinh tế tại các chợ truyền thống. Chị em thương nhân đã từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, tiếp cận xu hướng thương mại điện tử, xây dựng chợ văn minh và hơn hết là giữ được bản sắc riêng.
Hiện, TP.HCM có 235 chợ, trong đó có 52 chợ có Hội Phụ nữ, hơn 45.800 thương nhân đang kinh doanh và 25.612 thương nhân là hội viên phụ nữ, chiếm tỷ lệ khoảng 56%. Trong 5 năm qua, dù việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số người kinh doanh đã giảm, nhưng chị em thương nhân vẫn nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Người kinh doanh văn minh”, xây dựng chợ “Văn minh thương nghiệp”. Hằng năm đều có trên 85% thương nhân nói chung và trên 90% nữ thương nhân đạt các tiêu chí của “Người kinh doanh văn minh”.
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết: “Để thực hiện hiệu quả phong trào “Người kinh doanh văn minh”, hằng năm Hội LHPN thành phố, các quận, huyện đều có các chương trình đào tạo kỹ năng và kinh doanh ứng dụng công nghệ số; duy trì các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi, quan tâm đến đời sống, sức khỏe của thương nhân, giúp các chị em yên tâm kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào phụ nữ và hoạt động Hội”. Hội đã hỗ trợ cho 5.230 lượt thương nhân vay vốn với số tiền trên 185 tỷ đồng. Thương nhân các chợ tích cực tham gia các hoạt động Hội Phụ nữ và ngày hội Thương nhân thành phố; tham gia công tác xã hội từ thiện, chăm lo cho người khó khăn, cơ nhỡ, học viên tại các trung tâm bảo trợ xã hội với kinh phí gần 700 triệu đồng; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch gần 500 triệu đồng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - khẳng định: “Dù TP.HCM có tốc độ hội nhập mạnh mẽ nhưng chợ truyền thống vẫn có một vị thế quan trọng trong đời sống của người dân. Theo thống kê từ Sở Công Thương, hiện nay hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm chủ yếu phục vụ cho người tiêu dùng qua kênh chợ đầu mối, chợ truyền thống, chiếm từ 60 - 70%. Dù các kênh thương mại hiện đại phát triển, nhưng gần gũi với người dân, người tiêu dùng vẫn là không gian chợ. Chợ không chỉ là nơi mua hàng hóa mà còn là nơi gắn kết các hoạt động chia sẻ với cộng đồng và là không gian văn hóa đặc trưng. Vì thế, nâng cao chất lượng hoạt động chợ truyền thống là việc phải làm ở hiện tại và cả tương lai”.
Để tiếp nối những thành tựu đã đạt được, Hội LHPN TP.HCM và Sở Công Thương TP.HCM đã ký kết chương trình phối hợp trong lĩnh vực thương mại giai đoạn 2022-2027. Hai đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan trong lĩnh vực thương mại; tổ chức các chuyên đề về kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh đối với các đơn vị quản lý chợ, thương nhân chợ truyền thống, hướng dẫn bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt… Ngoài ra, hai đơn vị còn phối hợp thực hiện công tác hỗ trợ kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, thực hiện phong trào “Người kinh doanh văn minh”; phát huy vai trò của nữ doanh nhân, thương nhân trong việc tham gia các hoạt động Hội Phụ nữ, đặc biệt là các hoạt động an sinh xã hội…
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.