Phong trào #MeToo thứ 2 của Pháp vạch tội hiếp dâm trẻ em

22/02/2021 - 19:40

PNO - Một số vụ tấn công tình dục và hiếp dâm trẻ em nổi cộm gần đây đã được đưa ra ánh sáng. Mẫu số chung của các câu chuyện buồn này là “văn hóa im lặng và đồng lõa” ở Pháp, thứ đã dung túng để những kiểu lạm dụng này kéo dài trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên.

Một khẩu hiệu dán trên tường ở thành phố Paris: “Để tránh một phiên tòa xét xử hiếp dâm, hãy trở thành cảnh sát trưởng” - Ảnh: AP
Một khẩu hiệu dán trên tường ở thành phố Paris: “Để tránh một phiên tòa xét xử hiếp dâm, hãy trở thành cảnh sát trưởng” - Ảnh: AP

"Vùng xám" trong luật 

Nước Pháp đang phải đối mặt với làn sóng #MeToo thứ 2 khi một số trường hợp tấn công và lạm dụng tình dục nổi cộm chiếm vị trí trung tâm những tháng gần đây. Lần này, phong trào tập trung vào loạn luân và hiếp dâm trẻ em ở một quốc gia được coi là có luật hiếp dâm rất mơ hồ về độ tuổi đồng thuận.

Tuần trước, tòa án phúc thẩm cấp cao nhất của Pháp đã nghe phần tranh luận về trường hợp 20 lính cứu hỏa bị cáo buộc hiếp dâm tập thể một bé gái 13 tuổi nhiều lần trong suốt thời gian 2 năm. Dự kiến ​​phán quyết sẽ được đưa ra vào tháng tới. Trong khi đó, hàng trăm nhà hoạt động nữ quyền đã tổ chức các cuộc tuần hành ủng hộ bé gái.

Julie (biệt danh được sử dụng để bảo vệ danh tính của cô bé) năm 13 tuổi lên cơn động kinh ở trường. Một lính cứu hỏa trẻ thuộc sở cảnh sát được gọi đến để đưa cô đến bệnh viện. Anh ta xin số điện thoại của cô bé, sau đó chia sẻ với các đồng nghiệp của mình và những người đó bắt đầu liên lạc với Julie.

Trong 2 năm tiếp theo, Julie bị 20 lính cứu hỏa tấn công tình dục và cưỡng hiếp tập thể. Bà Corinne Leriche, mẹ của Julie là người kể lại câu chuyện khủng khiếp của con gái. Chị nói: “Đứa trẻ này đã bị 20 người lớn liên tục cưỡng hiếp, mà họ là những người có mặt để cứu nó”.

Julie rơi vào tình trạng trầm cảm nghiêm trọng, cô đã nhiều lần định tự tử trước khi tâm sự với mẹ mình về vụ lạm dụng đang âm thầm diễn ra. Lúc đó, Julie mới 15 tuổi.

Leriche cho biết, khi những kẻ hiếp dâm bị buộc tội vào năm 2010, các nhân viên cảnh sát khai rằng quan hệ giữa họ với Julie là quan hệ đồng thuận. Mẹ cô gái phẫn nộ cho biết, phản ứng ban đầu của cảnh sát là "chúng ta không nên tin rằng Julie đã bị cưỡng hiếp, mà do cô bé muốn những chuyện đó xảy ra với mình".

Tháng 7/2019, 1 thẩm phán cuối cùng đã chấp nhận quan điểm đó. Trong khi 3 người đàn ông thừa nhận có quan hệ tình dục với Julie, họ khẳng định đó là sự đồng thuận và chưa bao giờ phải đối mặt với bất kỳ án tù hay tiền phạt nào. Thẩm phán đã hạ cấp các tội danh từ hiếp dâm xuống tấn công tình dục. 17 gã cảnh sát còn lại không bao giờ bị buộc tội.

Luật pháp Pháp không coi quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi là tội hình sự nếu quan hệ đó là đồng thuận - điều khoản này tạo ra một “vùng xám” trong luật khiến việc kết tội thủ phạm trở nên khó khăn.

#MeToo thứ 2 ở Pháp

Tuy nhiên, phong trào #MeToo thứ 2 ở Pháp không chấp nhận quan điểm như vậy. Trước đây, vào năm 2017, khi nước Pháp đối mặt với làn sóng #MeToo đầu tiên, nhiều người còn có phản ứng trái chiều, thậm chí hoài nghi.

Nhưng làn sóng lần này - chủ yếu xoay quanh các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em và loạn luân - dường như đã được công nhận.

Phong trào #MeToo thứ 2 bắt đầu hồi tháng 1/2021 khi Camille Kouchner, một luật sư xuất thân từ gia đình Pháp danh tiếng, xuất bản cuốn hồi ký “La Familia Grande” (Đại gia đình). Trong đó, Kouchner cáo buộc cha dượng Olivier Duhamel lạm dụng tình dục anh trai song sinh của cô khi anh ấy còn ở tuổi vị thành niên.

Cuốn sách La Familia Grande của Camille Kouchner bày bán trong một hiệu sách ở Paris - Ảnh: AP
Cuốn sách "La Familia Grande" của Camille Kouchner bày bán trong một hiệu sách ở Paris - Ảnh: AP

Ông Duhamel - một nhà khoa học chính trị nổi tiếng và là cựu Chủ tịch hội đồng giám sát trường đại học danh tiếng Sciences Po - phủ nhận những cáo buộc trong cuốn "La Familia Grande",  nhưng ông đã từ chức ngay sau khi có lời cáo buộc.

Tháng trước, khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình French TV,  luật sư Kouchner cho biết mục tiêu của cô là “tạo ra nhận thức”. Cô nói, “xung quanh chúng ta luôn có những nạn nhân của tội loạn luân và lạm dụng trẻ em”.

Hàng ngàn người bắt đầu chia sẻ những câu chuyện cá nhân về loạn luân và lạm dụng trẻ em bằng cách sử dụng từ khóa #MeTooInceste hoặc #MeTooIncest.

Theo một cuộc thăm dò vào tháng 11/2020 của Ipsos, cứ 10 người Pháp thì có 1 người nói rằng họ là nạn nhân của hành vi loạn luân.

Phản ứng dây chuyền

Duhamel chỉ là một trong số hàng loạt các chính trị gia cấp cao, học giả và những nhân vật trong giới tinh hoa của Pháp đã từ chức trong mấy tuần gần đây.

Một số người bị cáo buộc lạm dụng, những người khác bị buộc tội giúp bạn bè che giấu các vụ lạm dụng tình dục. Đáng chú ý, tất cả các câu chuyện đều phơi bày một mẫu số chung: văn hóa im lặng và đồng lõa ở Pháp.

Alice Coffin, một thành viên Hội đồng thành phố Paris và nhà hoạt động nữ quyền, nói rằng sự khác biệt ngày nay là các nạn nhân đã phá vỡ sự im lặng đó. Bà Coffin nói: “Họ bắt đầu ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng như vậy là chưa đủ”. Bà lưu ý đến cấu trúc quyền lực cứng rắn ở Pháp, đặc biệt là phần đỉnh, “chưa nhúc nhích”.

Bà Coffin đề cập đến các thành viên trong nội các của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin, người đang bị điều tra về tội hiếp dâm và Bộ trưởng Tư pháp Éric Dupond-Moretti, người từng chỉ trích phong trào #MeToo ban đầu “đã đi quá xa”.

Về phần mình, Tổng thống Macron tháng trước đã công bố một video hứa hẹn sẽ có những đạo luật cứng rắn hơn về lạm dụng tình dục trẻ em. Mặc dù chưa có thay đổi chính thức nào về luật pháp, nhưng tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Pháp đã thông báo kế hoạch thiết lập độ tuổi đồng thuận là 15 tuổi. Theo đó, bất kỳ người trưởng thành nào quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi sẽ bị coi là hiếp dâm, ngoại lệ chỉ dành cho trường hợp 2 trẻ vị thành niên đồng thuận làm việc này.

Thanh Hiền (theo The World/ Pri.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI