PNO - Nhiệm kỳ qua có rất nhiều phong trào và hoạt động của Hội Phụ nữ các cấp mang nặng “tình nghĩa đồng bào”, như “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Vì nụ cười phụ nữ”, “Mẹ đỡ đầu”… Xuất phát từ trái tim nên những phong trào ấy cũng đã chạm đến trái tim của bao người.
Sát tết Nhâm Dần, khi ngồi bàn bạc việc tổ chức ngày hội mua sắm tết với giá 0 đồng cho hội viên phụ nữ Q.7 và H.Nhà Bè ở nhà hàng Khải Phương, chị Trần Thị Huyền Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cứ băn khoăn, làm sao để những phần quà trao được tươm tất nhất. Chương trình “Ngày hội 0 đồng - san sẻ yêu thương” ngày cận tết chính là một trong những hoạt động của Hội LHPN thành phố hưởng ứng chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” của Hội LHPN Việt Nam phát động. Nhưng với suy nghĩ, làm cách nào để việc trao quà được vui vẻ, thân tình, ấm áp, các chị đã phải bàn tính kỹ lưỡng. Cuối cùng, hai phiên chợ “Mua sắm tết 0 đồng” bằng phiếu quà tặng cũng thành hiện thực. Trong ngày hội mua sắm, các dì các chị vui cười như hoa. Bên cạnh những gian hàng mua bằng phiếu tặng, nhiều gian hàng giày dép, túi xách, áo dài, quần áo cũ cũng được bày biện đẹp mắt để ai thích cứ chọn lấy.
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân (bìa trái) - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - trao quà cho phụ nữ khó khăn tại H.Cần Giờ - ảnh: D.Trang
Không chỉ ở cấp thành, mà ở cấp quận/huyện và các cơ sở Hội, trong dịp tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu vừa qua, việc tổ chức các “phiên chợ 0 đồng” và trao quà cũng được tổ chức trang trọng, ấm áp. Nhận lấy phần quà tết trĩu nặng trong ngày hội xuân do Hội LHPN H.Củ Chi tổ chức vào những ngày cuối năm, bà Lý Thị Khiển, ấp Phú Hiệp, xã Phú Hòa Đông, hớn hở: “Mấy cô tặng quà mà tinh tế quá. Đúng như ông bà mình dạy “của cho không bằng cách cho”. Tôi thấy chị em, ai nhận quà cũng mừng vui, cảm động”.
Đồng hành với Hội trong các chương trình chăm lo an sinh xã hội là rất nhiều nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp. Có lẽ, do những chương trình mang nặng tình yêu thương đã có sức lay động lòng người, cho nên thay vì chỉ chăm lo 7.500 phần quà cho phụ nữ, trẻ em và nữ công nhân lao động nhập cư có hoàn cảnh khó khăn như dự định ban đầu, Hội LHPN thành phố đã huy động thêm 60.700 phần quà với trị giá lên đến trên 24,3 tỷ đồng để thực hiện chương trình “Vòng tay yêu thương” - chăm lo cho các trẻ mồ côi, gia đình trẻ mồ côi vì COVID-19. Đây có thể xem là một thành tích vượt ra ngoài sức tưởng tượng.
Đỡ đần nỗi đau mất mẹ, mất cha
Nhắc đến chuyện trợ sức cho những gia đình trẻ mồ côi vì COVID-19, bà Nguyễn Thị Huyền - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.Đà Nẵng - tâm sự: “Dịch COVID-19 đã diễn ra hết sức phức tạp, khó lường, không chỉ để lại hậu quả nặng nề về việc làm, thu nhập và sức khỏe của người dân, mà còn để lại nhiều mất mát không gì bù đắp nổi cho những gia đình có người thân qua đời”.
Qua giới thiệu của bà Huyền, câu chuyện về gia đình cậu bé Võ Bá Toàn, sáu tuổi, ở P.Thạc Gián, TP.Đà Nẵng, hiện lên một cách bi thương: vào tháng 8/2021, trong lúc tha hương kiếm sống, cha Toàn mất do COVID-19 tại Bình Định. Hiện mẹ em phải nuôi hai con nhỏ, nhưng việc làm của mẹ (giúp việc, shipper) thì bữa có bữa không, thu nhập bấp bênh. Ba mẹ con em đang sống nương nhờ với gia đình người cậu ruột, nhưng cậu cũng không có việc làm. Cuộc sống khó khăn khiến mẹ Toàn kiệt sức, không biết làm sao để lo cho hai con nhỏ được cắp sách đến trường. Toàn, dù mới sáu tuổi, nhưng đang phải đối diện với nguy cơ bỏ học.
Đáng thương hơn nữa là hoàn cảnh của em Ngô Thùy Na - học sinh lớp Tám, Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh. Ba chị em Na sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ tại thôn Cẩm Nam, xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Năm 2015, trên đường đi làm về, mẹ em không may bị tai nạn giao thông và qua đời. Đến cuối năm 2019, đến lượt ba em cũng bị tai nạn qua đời. Hiện, chị cả Na là Ngô Thùy Linh đang học lớp Mười, em trai Na là Ngô Tấn Tú đang học lớp Bảy. Cả ba chị em đang sống với bà nội đã 89 tuổi và người cô không có việc làm.
Hai cháu Võ Bá Toàn và Ngô Thùy Na chỉ là hai trong 1.518 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, trong đó có 125 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 15 em mồ côi do dịch COVID-19 mà Hội LHPN TP.Đà Nẵng đã thống kê được. Nỗi đau mất mẹ, mất cha là không gì bù đắp được đối với các em, đặc biệt là các em ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cha mẹ không còn khiến nhiều trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa. Con đường phía trước của các em còn rất nhiều chông gai và hơn lúc nào hết, các em đang rất cần được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.
Nhận thức được vấn đề ấy, ngay sau khi chương trình “Mẹ đỡ đầu” được triển khai thực hiện, các cấp Hội ở TP.Đà Nẵng đã chủ động rà soát, đăng ký nhận đỡ đầu cho 100 trẻ mồ côi ở các địa phương trên địa bàn, đồng thời tích cực triển khai chương trình với nhiều hoạt động ý nghĩa trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Điển hình như Hội Phụ nữ Q.Hải Châu đã nhận đỡ đầu 32 trẻ mồ côi, Hội Phụ nữ Q.Cẩm Lệ nhận đỡ đầu 12 trẻ. Ở Q.Liên Chiểu và nhiều địa phương khác, Hội Phụ nữ cũng vận động các mạnh thường quân chăm lo cho trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Đà Nẵng trao quà hỗ trợ cho trẻ mồ côi trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Bà Nguyễn Thị Huyền cho biết, Hội LHPN TP.Đà Nẵng đặt mục tiêu, trong năm 2022 bảo đảm 100% trẻ mồ côi do COVID-19 và do các nguyên nhân khác, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đều có “mẹ đỡ đầu”; phấn đấu có ít nhất 100 trẻ mồ côi được các cấp Hội nhận đỡ đầu, chăm sóc.Tùy vào điều kiện, có thể nhận đỡ đầu một hoặc nhiều trẻ cùng lúc với mức hỗ trợ tối thiểu 500.000 đồng/trẻ/tháng nhằm chung tay cùng gia đình chăm lo chu đáo, tạo điều kiện để các em trưởng thành và phát triển toàn diện.
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 cũng như các đợt thiên tai liên tiếp xảy ra trong hai năm 2020 và 2021, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động các chương trình thiết thực nhằm huy động sức người, sức của cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh và thiên tai. Thông qua đó, Hội đã vận động nguồn lực trị giá hơn 150 tỷ đồng để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em ổn định cuộc sống. Ngoài ra, Hội còn vận động, tổ chức cho hội viên, phụ nữ thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, nhất là “hậu cần tại chỗ” và tham gia tích cực vào Tổ phòng chống COVID-19 tại cộng đồng.
Riêng chương trình “Mẹ đỡ đầu”, theo báo cáo của Ban Gia đình - Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam mới đây, sau năm tháng phát động, có 1.458 trẻ em được kết nối để nhận mẹ đỡ đầu, có cả mẹ ở Mỹ nhận con qua hình thức online. Chương trình đã lan tỏa tới các tỉnh, thành và được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, câu lạc bộ hưởng ứng. Chẳng hạn như câu lạc bộ Hướng dương đón nắng, câu lạc bộ Viết tiếp ước mơ…
Tại TP.HCM, với chương trình “Vòng tay yêu thương”, Hội LHPN TP.HCM đã ký kết với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Báo Phụ Nữ TP.HCM bảo trợ 682 trẻ mồ côi do dịch đến năm 18 tuổi với sự đồng hành của hơn 11 đơn vị doanh nghiệp và nhà hảo tâm; tổng kinh phí thực hiện chương trình lên đến hơn 100 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các bên cũng đã đồng hành cùng Hội Thầy thuốc trẻ và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM chăm lo cho 318 trẻ bằng cách hỗ trợ sữa, nhu yếu phẩm, khẩu trang, phí sinh hoạt; trao 253 máy tính bảng làm phương tiện học tập cho trẻ mồ côi với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Thăm khám sức khỏe ban đầu, hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý miễn phí…
Chiều ngày 16/1, Hội LHPN, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, các Câu Lạc bộ, doanh nghiệp tổ chức chương trình họp mặt “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình”.