Phong trào ‘áo vàng’ lan rộng ra ngoài nước Pháp

22/12/2018 - 13:03

PNO - Từ Brussels (Bỉ) đến Basra (Iraq), những chiếc “áo vàng” đã vượt qua biên giới nước Pháp, trở thành biểu tượng thể hiện sự bất bình và phản kháng của người dân nhiều nước trên thế giới.

Phong trao ‘ao vang’ lan rong ra ngoai nuoc Phap
Chiếc “áo vàng” trong cuộc biểu tình chống tham nhũng và tình trạng thất nghiệp ở Basra, Iraq - Ảnh: AFP/Getty Images

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 10/10, khi lời kêu gọi biểu tình của hai tài xế xe tải ở khu Seine-et-Marne, phía đông Paris, được đăng lên Facebook, hô hào phong tỏa mạng lưới giao thông toàn quốc để phản đối chính quyền tăng giá nhiên liệu.

Chỉ trong vài ngày, chiến dịch quy tụ được 200.000 người ủng hộ và châm ngòi cho hàng trăm cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp. Hai tuần sau, video kêu gọi những người lái xe mặc chiếc áo vàng phản quang khi ngồi sau tay lái để thể hiện tinh thần đoàn kết với phong trào biểu tình đã thu hút được 4 triệu lượt người xem.

Phong trào biểu tình của người “áo vàng” chính thức ra đời ngày 17/11 trên quy mô toàn quốc, làm rung chuyển cả nước Pháp.

Nhưng giờ đây, những chiếc áo vàng không chỉ là câu chuyện ở riêng Pháp. Các cuộc biểu tình “áo vàng”, hầu hết không có thủ lĩnh, không tổ chức chặt chẽ và được xây dựng thông qua truyền thông xã hội, đã nhân rộng ra quốc tế, từ Bỉ đến Bulgaria, từ Serbia đến Thụy Điển và từ Israel đến Iraq.

Khác với Pháp, nơi phong trào có được sự ủng hộ của đông đảo công chúng, phong trào ở các quốc gia khác tập hợp những người có nhu cầu và quan điểm chính trị khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ đều bất mãn với chính sách của chính quyền.

Nhà địa lý học Splhe Guilluy nhận định: “Nếu việc tăng giá nhiên liệu kích hoạt phong trào “áo vàng”, điều đó không phải là nguyên nhân sâu xa. Cơn giận dữ của người biểu tình bùng phát ở tầng sâu hơn, là hệ quả của sự sa sút về kinh tế và văn hóa bắt đầu từ thập niên 1980, và giới tinh hoa phương Tây từ từ đã quên mất những người lâu rồi họ không gặp nữa”.

Phong trao ‘ao vang’ lan rong ra ngoai nuoc Phap
Người “áo vàng” biểu tình ở Brussels, Bỉ - Ảnh: nicolaslandemard.com

Và chiếc áo vàng rẻ tiền, dễ kiếm, dễ nhận biết, và trên hết đại diện cho một nghĩa vụ do nhà nước áp đặt, chiếc áo đó tự nó là một biểu tượng đầy cảm hứng, đóng một vai trò lớn trong phong trào đang lan truyền nhanh chóng.

Bất kể kết quả xung đột như thế nào, người ta đã nhìn thấy sự hiện diện của những chiếc “áo vàng” trong một cuộc chiến văn hóa. “Người ta giờ đây lại nhìn thấy tầng lớp lao động và tầng lớp trung lưu thấp kém”, Splhe Guilluy nói.

Cuộc nổi dậy ở Pháp trước tiên lan sang Bỉ, một xứ sở nói tiếng Pháp. 400 người bị bắt trong vài tuần qua. Cảnh sát sử dụng vòi rồng và súng bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông đáp trả lại bằng pháo sáng, đá cuội và bóng bi-a, phóng hỏa đốt xe hơi và xe tải ở Brussels, Charleroi và những nơi khác.

Giống như những người biểu tình ở Pháp, lực lượng “áo vàng” ở Bỉ bất mãn với chính sách của chính phủ và đòi Thủ tướng Charles Michel từ chức, nhằm lập ra Mouvement citoyen belge (Phong trào công dân Bỉ) để cạnh tranh trong các cuộc bầu cử liên bang ở châu Âu và Bỉ trong năm tới.

Hà Lan cũng nổ ra các cuộc biểu tình ôn hòa tại nửa tá thành phố của nước này. Tại Rotterdam, một người biểu tình tên là Ieneke Lambermont cho biết, “con cái bà phải đóng thuế khắp mọi nơi, nhưng lại không có nhà để ở”. Người biểu tình chỉ trích tình trạng xã hội Hà Lan đang xuống cấp, hệ thống phúc lợi xã hội dần biến mất. 

Phong trao ‘ao vang’ lan rong ra ngoai nuoc Phap

Ở Ý, một nhóm biểu tình chống chính sách cắt giảm chi tiêu và chống EU lấy cảm hứng từ “áo vàng” đã thu hút hàng ngàn người ủng hộ trực tuyến và lên kế hoạch cho một cuộc xuống đường khổng lồ vào tháng 1/2019. Còn tại Tây Ban Nha, các nhóm “chalecos amarillos” (áo vàng) sẽ bắt đầu biểu tình ở Madrid vào đúng dịp năm mới vì “ở đây tệ hơn cả Pháp”.

Những người biểu tình “áo vàng” cũng xuất hiện ở Thụy Điển, Hy Lạp và Vương quốc Anh. Tại Anh, một nhóm các nhà vận động ủng hộ Brexit phong tỏa cầu Westminster, London, và phản đối nghị sĩ bảo thủ thân châu Âu Anna Soubry bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh. Ở Đức diễn ra hai cuộc biểu tình “áo vàng” riêng rẽ của phe cực hữu và cực tả ở Berlin và Munich.

Ở Cộng hòa Ireland, hơn 100 người tham dự một cuộc biểu tình “áo vàng” chống chính phủ ở Dublin. Tại Ba Lan, nông dân “áo vàng” biểu tình phong tỏa đường cao tốc chính A2 cách thủ đô Warsaw 32km.

Người biểu tình cũng mặc “áo vàng” ở Bulgaria, quốc gia thành viên nghèo nhất EU, họ chặn các con đường chính trong nước, bao gồm các cửa khẩu biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Người biểu tình không chỉ đòi giảm giá nhiên liệu, nâng cao mức sống, họ còn đòi chính phủ phải từ chức.

Các cuộc biểu tình “áo vàng” diễn ra ở Serbia, ở Canada (phản đối hiệp ước di cư của LHQ), ở Israel và Jordan (chống tham nhũng và chi phí sinh hoạt đắt đỏ). Các nhà quan sát cũng ghi nhận hình ảnh những chiếc áo vàng trong hàng ngũ những người xuống đường ở Trung Đông và châu Phi (Tunisia, Iraq, Ai Cập).

Phong trao ‘ao vang’ lan rong ra ngoai nuoc Phap
Người “áo vàng” xuống đường hôm 15/12 đòi trưng cầu dân ý về các chính sách lớn của chính phủ Pháp - Ảnh: France 24/AFP

Nhiều người “áo vàng” xuất hiện trở lại trên đường phố Paris hôm 17/12 mang theo biểu ngữ “RIC”, những ký tự viết tắt của “Trưng cầu sáng kiến của công dân".

Động thái đó cho thấy những người biểu tình “áo vàng” ở Pháp không phải đã “lùi bước” như nhận định của chính phủ, họ đã mở ra một mặt trận mới, đòi chính quyền tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến rộng rãi của công dân để điều chỉnh các đề xuất chính sách của chính phủ.

Trong một danh sách các yêu cầu được đưa ra hồi cuối tháng 11, những người “áo vàng” đòi bất kỳ đề xuất chính sách nào tập trung đủ 700.000 chữ ký sẽ kích hoạt một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc được tổ chức trong vòng một năm. RIC là một mục trong danh sách 42 biện pháp mà người biểu tình “áo vàng” đòi hỏi.

Thanh Hải (Theo Guardian/France 24)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI