Phòng tránh, xử trí sự cố sức khỏe ngày Tết

07/02/2018 - 09:00

PNO - Giờ giấc sinh hoạt của chúng ta vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thường bị xáo trộn bởi các cuộc vui, viếng thăm, du lịch và tiệc tùng.

Bên cạnh đó là thói quen ăn uống “thả ga” có thể khiến sức khỏe gặp sự cố. Sau đây là những lưu ý phòng, tránh và xử trí các tình huống bệnh tật dễ xảy ra trong những ngày tết.

Phong tranh, xu tri su co suc khoe ngay Tet
 


Xử trí khi say nắng, sốc nhiệt

Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu - khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý về tình trạng di chuyển nhiều ngoài trời nắng kéo dài có nguy cơ bị say nắng, thậm chí là sốc nhiệt. Tỷ lệ tử vong khi sốc nhiệt nhưng không được sơ cứu kịp thời dao động từ 20% - 80%, tùy thuộc vào thời gian đưa tới bệnh viện cũng như các mức độ tổn thương các cơ quan (tim, thận, đường ruột…). 

Người bị sốc nhiệt thường có biểu hiện ngất xỉu, nôn khi đang ở ngoài trời nắng nóng, sốt cao trên 400C. Nếu thấy nạn nhân có biểu hiện như vậy, cần nhanh chóng đưa vào nơi bóng râm, lấy khăn lau mát các vị trí nhiều mạch máu như vùng thái dương, cổ, bẹn, nách để hạ nhiệt cơ thể rồi lập tức đưa đi bệnh viện. 

Phòng tránh và xử trí ngộ độc thực phẩm

Phong tranh, xu tri su co suc khoe ngay Tet
 

Bác sĩ Nguyễn Việt Trường - Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cảnh báo về tình trạng trẻ em bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm trong những dịp lễ tết, hội hè. Nguyên nhân chủ yếu do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, một bữa ăn quá nhiều món, nhiều chất khiến trẻ không thể hấp thu nổi.

Những bệnh đường tiêu hóa  ở trẻ hay gặp là: tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nặng hơn nữa là ngộ độc thực phẩm. Để phòng tránh bệnh đường tiêu hóa cho con, bác sĩ Trường khuyên phụ huynh hãy hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, chia nhỏ các bữa ăn, đừng cho bé ăn quá nhiều món vào cùng một thời điểm. 

Nếu thấy sau khi ăn từ vài phút đến vài giờ trẻ nôn, đau bụng dữ dội, tiêu chảy, sốt cao trên 380C thì đó là dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, lập tức cho trẻ uống thật nhiều nước rồi đưa đi bệnh viện để được xử lý kịp thời. 

Chẳng riêng trẻ em, nếu không biết cách bảo quản thực phẩm đúng cách thì nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra với tất cả mọi người. Bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường, khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng hướng dẫn người dân bảo quản thực phẩm vào dịp tết với những lưu ý sau:

- Thực phẩm khi cất vào tủ lạnh nên được chia thành những phần vừa đủ một lần ăn, phải được đựng trong hộp có nắp hoặc bọc thực phẩm, khi lấy ra nên đun nóng lại ngay và sử dụng hết phần thực phẩm đó.

- Không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh vì sẽ làm cho nhiệt độ tủ lạnh tăng cao, ảnh hưởng đến các thức ăn xung quanh.

- Sau khi nấu chín, các thực phẩm dễ hỏng như thịt, gia cầm, cá, trứng, đậu cần làm nguội nhanh và không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. 

- Khi hâm nóng thức ăn, hãy đảm bảo thức ăn thừa được đun sôi. Nếu hâm bằng lò vi sóng, hãy đảo trộn thức ăn lúc hâm để nhiệt độ được phân bổ đều. Sau khi hết thời gian hâm, đừng vội lấy ra ngay, hãy để chúng trong lò khoảng 3 phút. 

Cẩn thận với đau dạ dày

Phong tranh, xu tri su co suc khoe ngay Tet
 

Bác sĩ Võ Ngọc Quốc Minh - khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết vào dịp trước và sau Tết, nhóm bệnh nhân đi khám tiêu hóa cao hơn bình thường khoảng 20%. Nổi bật trong số đó là nhóm bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng do áp lực cuộc sống, tiệc tùng, bia rượu quá đà. Không điều trị kịp thời bệnh có thể biến chứng thành xuất huyết dạ dày, thậm chí thủng dạ dày, nguy hiểm tính mạng. 

Để phòng tránh bệnh này, dù lễ tết nhưng chúng ta vẫn phải ăn uống đúng giờ, kiêng các gia vị chua, cay. Khi ăn chúng ta nên chậm rãi, nhai kỹ. Những ngày này khó tránh khỏi bia rượu nhưng nên có ý thức hạn chế để bảo vệ sức khỏe. 

Bác sĩ cũng chỉ cách, trước khi uống bia rượu cần ăn nhẹ để bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày. Uống một ly sữa tươi trước khi nhậu cũng là mẹo hay, khiến lượng cồn trong bia rượu hấp thụ chậm hơn và đỡ hại dạ dày hơn. Nếu thấy các dấu hiệu như nôn ra máu, đi tiêu ra máu thì có thể dạ dày đang bị xuất huyết, bệnh nhân cần được đưa tới bệnh viện ngay để cấp cứu cầm máu. 

Những người mang sẵn bệnh lý tim mạch, tiểu đường, huyết áp cần đi khám trước Tết để được bác sĩ kê toa thuốc đầy đủ.

Trong các ngày tết khoa Cấp cứu của các bệnh viện vẫn làm việc 24/24 giờ. Nếu người thân trong gia đình xảy ra sự cố nguy hiểm về sức khỏe, có thể gọi 115 để được hỗ trợ cấp cứu tại nhà và đưa tới bệnh viện gần nhất nếu cần thiết.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI