Phòng sách “trị” học sinh cá biệt

04/09/2020 - 07:53

PNO - "Những suy nghĩ bốc đồng của tuổi trẻ khiến em luôn thích “gây hấn” với thầy cô cũng như bạn bè xung quanh. Nhưng khi đến với những sinh hoạt của CLB sách, suy nghĩ của em trở nên tích cực và điềm tĩnh", một học sinh chia sẻ.

“Cô chào em! Cô là cô Nhị. Rất vui khi em đến với phòng sách. Em có thể đọc bất cứ quyển sách nào và có thể chia sẻ bất cứ điều gì về việc học tập, cuộc sống khi xuống đây”, lời chào bất ngờ của cô giáo khiến Nguyễn Trần Hoàng Đặng (học sinh lớp 10A4, Trường Nguyễn Thông, TP.Vĩnh Long) thoáng giật mình, bối rối vì không nghĩ giáo viên lại chủ động bắt chuyện với mình theo cách như vậy.
 

Câu lạ c bộ Sách do cô Nhị quản lý được nhiều học sinh tự giác tham gia
Câu lạc bộ Sách do cô Nhị quản lý được nhiều học sinh tự giác tham gia

Cuộc đối đáp kỳ lạ giữa cô và trò

Cô giáo Nhị bước vào phòng sách sau cậu học sinh, với dáng vẻ khẩn trương như đang muốn nhanh chóng làm xong việc gì đó. Lúc này, Đặng đang trong tư thế “cố thủ” vì nghĩ rằng cô sẽ “giáo huấn” mình. Vài phút sau, cô Nhị mới tiến đến gần Đặng, nở nụ cười thân thiện: “Cô có thể trò chuyện với em không?”. “Dạ không! Em chẳng có gì để nói với cô cả!”.

Sau phút bối rối, Đặng nói dứt khoát, tỏ vẻ khó chịu. Mỉm cười nhìn cậu học sinh lớp Mười dành 80% thời gian trên lớp để ngủ, cũng như sẵn sàng đáp trả bất cứ giáo viên nào “chỉnh đốn” thái độ học tập của mình, cô Nhị từ tốn: “Cho cô hỏi năm câu, hy vọng em trả lời. Nếu như sau năm câu hỏi này, em cảm thấy việc nói chuyện với cô chẳng có gì thú vị thì em có thể về lớp”. 

Rồi không đợi cậu học trò đồng ý, cô hỏi luôn: “Em chơi sáo lâu chưa? Em tự cảm âm hay thổi theo bài phối sẵn? Khả năng giữ cột hơi của em tốt không?...”. Những câu hỏi bật ra chẳng cần mất thời gian suy nghĩ, bởi ngay từ khi bước vào phòng sách, cô đã chú ý cây sáo trúc trên tay Đặng. Có lẽ đó là sở trường của cậu học sinh. “Cô biết chơi sáo?” - cậu học trò ngạc nhiên hỏi lại. “Giống như em, chỉ khi nào cảm thấy thú vị cô mới trả lời. Nếu câu chuyện tiếp tục, cô mong được lắng nghe em và sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện của mình”, cô Nhị nhìn Đặng chân thành, nghiêm túc.

Vậy rồi câu chuyện của cậu học sinh cùng cô quản lý Câu lạc bộ (CLB) sách của trường kéo dài suốt buổi chiều. Từ chuyện sáo trúc, Đặng có cơ hội để giải tỏa những bức bối quây ráp mình suốt bốn năm học cấp II, khiến Đặng trở thành một học sinh “bất trị” khi vào cấp III.

Mỗi người có những khả năng khác nhau, tại sao lại phí thời gian để học đến 13 môn, tại sao phải lay lắt kiểu nào cũng sẽ “sống sót” hết những năm cấp III, tại sao không ai chịu lắng nghe em nói …

Một loạt những chất chứa trong lòng được cậu học sinh chia sẻ với cô giáo. Sau khi nghe Đặng nói hết, cô giáo chia sẻ những suy nghĩ của cậu học trò và điều chỉnh vấn đề để Đặng nhìn nhận theo hướng tích cực. 

Sau cuộc trò chuyện, cô chọn một quyển sách đưa cho Đặng, và mong em sẽ quay trở lại phòng sách để trò chuyện cùng cô sau khi quyển sách được đọc xong.

Đó là câu chuyện của ba năm trước, cũng là nhân duyên khiến Nguyễn Trần Hoàng Đặng gắn bó với CLB sách trường THPT Nguyễn Thông.  Và cũng với những cách tiếp cận như vậy, nhiều học sinh “cá biệt” ở trường THPT Nguyễn Thông cũng trở thành những người yêu sách. 
Lúc này, Đặng đang chuẩn bị cho một hành trình mới, là tân sinh viên ngành tâm lý học của Đại học Hoa Sen (TPHCM)
 

Nhờ sách, nhiều học sinh cá biệt siêng năng học hành, trở thành người có ích
Nhờ sách, nhiều học sinh cá biệt siêng năng học hành, trở thành người có ích

Nhiều học sinh trưởng thành nhờ sách

Không còn là một cậu học sinh luôn coi thường việc học, tự cô lập mình bằng vỏ bọc lạnh lùng, cứng đầu và bất trị, Đặng hôm nay tự tin nhưng khiêm nhường, chín chắn và cẩn trọng trong hoạch định con đường học tập phía trước. Theo Đặng, sự thay đổi mà CLB sách trường THPT Nguyễn Thông đã mang đến cho bản thân là những giá trị bên trong chứ không phải vài hình ảnh bên ngoài mà mọi người vẫn hay chú ý.

 “Tôi đã trải qua chuỗi ngày thật sự kinh khủng với suy nghĩ mình vô dụng, kém cỏi. Nhưng từ khi đến với sách, tôi tin tưởng vào bản thân mình và hạnh phúc hơn với cái nhìn đa chiều trước những vấn đề của cuộc sống”, Đặng nói về kết quả của hành trình ba năm gắn liền với CLB sách của trường.

Cùng cảm nhận của Đặng, Dương Đan Anh (hiện là sinh viên năm hai Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam) chia sẻ rất nhiều về những thay đổi của bản thân kể từ khi đến với CLB Sách ở Trường Nguyễn Thông.  Đan Anh cho biết, năm lớp 11, em cũng quậy “trời thần”. Những suy nghĩ bốc đồng của tuổi trẻ khiến em luôn thích “gây hấn” với thầy cô cũng như bạn bè xung quanh. Nhưng khi đến với những sinh hoạt của CLB sách, suy nghĩ của em trở nên tích cực và điềm tĩnh. “Cũng không ngờ, những quyển sách đã đọc khi đó lại trở thành nguồn tư liệu, giúp ích cho em rất nhiều ở đại học”.

“Tôi đã quen với câu hỏi: “Cô ơi, quyển Đắc nhân tâm các bạn trả chưa, em muốn đọc”, hay “Cô ơi, mua thêm quyển Bố con cá gai nhé. Quyển đấy hay lắm…!”, cô Trần Huỳnh Nhị trải lòng về hạnh phúc của người thầy khi từng ngày gieo vào lòng học sinh tình yêu với sách. Bởi không chỉ riêng Hoàng Đặng hay Đan Anh, mà nhiều học sinh trường Nguyễn Thông đã nhờ sách mà thay đổi, sống có tích cực và văn minh hơn. 

Mấy năm nay, hình ảnh các bạn học sinh cuối buổi học đi nhặt rác quanh khuôn viên trường; các bạn tưới cây, trồng hoa, thu gom rác thải nhựa và giấy để làm kế hoạch nhỏ bán lấy tiền mua sách không còn xa lạ gì đối với học sinh Trường Nguyễn Thông nữa. Còn đối với Hoàng Đặng, điều tuyệt vời nhất mà CLB sách xây dựng được trong thời gian qua là thái độ trân trọng dành cho sách, ngay cả đối với những học sinh không xem việc đọc sách là lựa chọn của mình.

Trong cảm nhận của nhiều học sinh Trường THPT Nguyễn Thông, hình ảnh thầy hiệu trưởng ngồi đọc sách, giáo viên đến CLB mượn sách đọc, để từ đó giới thiệu những quyển sách tâm đắc đến học sinh của mình diễn ra thường xuyên rồi thành quen thuộc. Hành động lặp lại ấy giúp học sinh xóa đi những bỡ ngỡ ban đầu để tìm đến sách.

Học sinh xem phòng sách là nhà, là nơi để gửi gắm tâm tư, để cô trò cùng nhau “gỡ rối”. Có em tự nguyện đăng ký trực phòng sách để quản lý việc mượn trả sách, rồi sắp xếp, quét dọn hằng ngày. Nhiều em tham gia phong trào trong trường, sau khi nhận tiền thưởng thì góp tiền cho CLB mua thêm sách. Nhiều em làm sản phẩm handmade bán để gây quỹ cho CLB hoạt động. 

Với tinh thần ai cũng là thành viên, CLB như thuộc về tất cả học sinh. Do đó, chỉ cần cô quản lý CLB thông báo tổ chức hoạt động là học sinh sẽ đến đăng ký để giúp cô chuẩn bị. Trang fanpage của CLB do học sinh quản lý và thường xuyên cập nhật các hoạt động. 

Thế nhưng, khi nói về những thành quả từ CLB sách, cô Trần Huỳnh Nhị chỉ bày tỏ: “Trường chúng tôi đã bắt đầu bằng những hoạt động rất nhỏ, bởi chúng tôi quan niệm việc hình thành thói quen đọc sách một cách đơn thuần sẽ giúp cho người đọc có một tinh thần trong sáng.

Các giá trị từ sách sẽ tự chuyển hóa vào tâm hồn của chúng ta. Còn việc sử dụng những giá trị đó khi nào thì sẽ tùy vào quá trình sống của mỗi người”. 

Đạt nhiều thành tích nhờ học sinh mê sách

Ở trường  THPT Nguyễn Thông có hai không gian đọc sách. Một là thư viện của nhà trường, hai là phòng đọc của CLB đọc sách do cô Trần Huỳnh Nhị quản lý. CLB có trên 2.000 quyển sách, được bổ sung sách mới thường xuyên bằng nguồn xã hội hóa. Học sinh thường xuyên được nghe giới thiệu sách dưới cờ, mỗi lớp được trang bị kệ sách tại lớp (40 quyển) và tiết đọc sách được đưa vào giảng dạy trong khung giờ học tập chính khóa. 

Năm học 2018 - 2019, Trường THPT Nguyễn Thông có nhiều học sinh đạt giải trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức với 3 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba, 4 giải khuyến khích và 1 giải ba cấp quốc gia. Năm học 2019 - 2020, trường cũng đạt 2 giải tập thể: trường có thí sinh dự thi nhiều nhất và trường có số thí sinh đạt giải nhiều nhất trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc với 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 4 giải khuyến khích.

Thầy Ngô Văn Degol, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thông cho biết, ban đầu, nhà trường đặt ra nhiều giải pháp để nâng cao ý thức đọc sách trong học sinh, kể cả biện pháp hành chính, là bắt buộc mỗi học sinh phải đọc một quyển sách trong một học kỳ, và học sinh phải đăng ký giới thiệu sách trong sinh hoạt chào cờ hằng tuần.

Về sau, khi tiết đọc sách đưa vào chương trình chính khóa và học sinh tự giác thì giải pháp tập trung vào các hoạt động đa dạng của CLB để thu hút các em như giao lưu với nhà văn, diễn giả, tổ chức tết sách, thuyết trình sách bằng tiếng Anh…

 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI