Phòng ngừa đau mắt đỏ khi trẻ đi học

04/09/2023 - 06:51

PNO - Mặc dù TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam chưa phát hiện nhiều ca đau mắt đỏ nhưng thời tiết mưa nắng thất thường, môi trường nhiều khói bụi, thói quen hay dùng chung đồ cá nhân trong gia đình dễ khiến bệnh này dễ lây lan. Vì vậy, phụ huynh không nên chủ quan, nhất là khi trẻ trở lại trường học.

Đau mắt đỏ có nguy hiểm không?

Những ngày qua, các bệnh viện phía Bắc ghi nhận số bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ gia tăng. Trong 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 50 ca đau mắt đỏ. Trong đó, có 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như có giả mạc cần bóc, bị trầy xước giác mạc. Bệnh viện Mắt Trung ương cũng ghi nhận gần 2.600 ca đau mắt đỏ trong tháng Bảy, và 2.400 ca vào tháng Tám… Tình hình này khiến phụ huynh không khỏi lo lắng khi con bắt đầu đi học lại.
 

Bé trai 7 tuổi bị viêm kết mạc với triệu chứng đổ ghèn, đỏ mắt
Bé trai 7 tuổi bị viêm kết mạc với triệu chứng đổ ghèn, đỏ mắt

Anh Phạm Văn Linh (36 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) cho biết có thông tin một trường tiểu học tại đây đang có dịch đau mắt đỏ, bởi lớp học 50 trẻ thì một nửa mắc các triệu chứng nghi ngờ đau mắt đỏ. Theo đó, bệnh nhi bị đau sưng mắt, đổ ghèn nhiều, ghèn có màu xanh… Anh Linh rất băn khoăn về cách nhận biết, phòng ngừa, chăm sóc trẻ nhỏ để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho những trẻ khác.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Nguyên Huân - Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM - cho biết, bệnh đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc cấp, chủ yếu do Adenovirus gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, đôi khi bùng phát thành dịch. Tại TPHCM, bệnh vẫn chỉ rải rác, không thành dịch. Trong 1 tháng gần đây, Bệnh viện Mắt TPHCM ghi nhận một số trường hợp viêm kết mạc cấp. Người bệnh có triệu chứng nhẹ, sau điều trị không để lại biến chứng, nên phụ huynh đừng quá lo lắng.

Theo bác sĩ Phạm Nguyên Huân, đau mắt đỏ thường khởi phát ở 1 mắt, vài ngày sau lây sang mắt còn lại. Khi hỏi bệnh sử, bệnh nhân có tiền căn mắc bệnh, hoặc tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp trên. Vì vậy, người bệnh sẽ có các triệu chứng giống hội chứng cúm, bao gồm nhức mỏi, sốt nhẹ, đau họng, cộm xốn mắt, chảy nước mắt, đổ ghèn hoặc các dịch tiết làm dính 2 mi mắt khi ngủ dậy; kèm theo nổi hạch ở trước tai, mi mắt phù, có các dấu hiệu viêm, xuất huyết ở kết mạc, có thể kèm theo màng thật hoặc màng giả ở kết mạc sụn mi. 

Thông thường, nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh, vệ sinh, chăm sóc và điều trị tốt sẽ khỏi bệnh trong 7-10 ngày. Ngược lại, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn, gây tổn thương giác mạc (tròng đen), nguy cơ để lại sẹo, tổn thương, giảm thị lực.

Không tự ý điều trị

Do hầu hết trường hợp mắc bệnh nguyên nhân từ vi rút, vi khuẩn nên người khỏe có thể bị lây bệnh đau mắt đỏ khi tiếp xúc trực tiếp nước mắt, nước bọt hoặc đường hô hấp của bệnh nhân. Vì vậy, bệnh nhân cần hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng, rửa tay thường xuyên bằng xà bông và dung dịch sát khuẩn. Trường hợp trong gia đình có người bị đau mắt đỏ, cần hạn chế tiếp xúc, cho người bệnh sử dụng riêng vật dụng cá nhân như chén dĩa, muỗng, khăn… 

Bệnh nhân hạn chế đến nơi đông người, dùng khăn che miệng khi ho, hắt hơi. Sau khi dùng khăn giấy hoặc bông gạc y tế để vệ sinh mắt, mũi hãy bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh. Lưu ý, người bị đau mắt đỏ không nên đeo kính áp tròng càng dễ gây viêm nhiễm hơn.

“Quan trọng, triệu chứng của đau mắt đỏ gần giống với bệnh viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp, viêm kết giác mạc do vi khuẩn… Vì vậy, khi một người, đặc biệt là trẻ em có biểu hiện nghi ngờ đau mắt đỏ, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh và điều trị chính xác. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt hoặc biện pháp dân gian như nhỏ chanh, đắp thịt ếch, lá nha đam, xông lá trầu vào mắt… sẽ tăng nguy cơ bị biến chứng, càng làm cho bệnh nặng nề hơn” - Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM khuyến cáo.

Để phòng bệnh, người lớn nên thường xuyên giặt giũ, lau dọn các bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, đồ chơi của trẻ, bàn ghế… Các em học sinh sắp đi học, phụ huynh cần nhắc nhở con em mình rửa tay thường xuyên bằng xà bông, nước khử khuẩn; không dùng chung khăn tay, mền gối; không ăn, uống chung với bạn. Trường hợp không may trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ cần thông báo cho giáo viên, cho trẻ nghỉ học vài ngày để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI