Phòng ngừa bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

24/09/2016 - 15:00

PNO - Con bạn bất kì lúc nào cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em. Hãy trang bị cho con những kĩ năng dưới đây càng sớm càng tốt để ngăn chặn nguy cơ này.

1. Dạy trẻ các tình huống tốt – xấu giả định

Bố mẹ, người thân không thể lúc nào cũng ở bên con trẻ để bảo vệ, trông coi. Vì thế, việc xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành lên những kỹ năng, phản xạ khi gặp phải các tình huống tương tự trên thực tế là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.

Bạn nên nói với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất. Tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, để cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp.

2. Dạy trẻ biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ

Cha mẹ nên dạy cho trẻ biết cách nhận ra “những người lạ có thể tin tưởng” như là thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục - cần giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến), hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường.

Với những người này, khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể trông cậy, nhờ vả, kể về tình hình của mình và đề nghị giúp đỡ liên lạc ngay với bố mẹ.

Việc dạy trẻ nhớ họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên cha mẹ cũng cần dặn trẻ phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với “những người lạ có thể tin tưởng”.

3. Dạy con thói quen cảnh giác

Hãy dặn con không được tự ý bắt chuyện,  nói chuyện hay đi theo người lạ. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho bố mẹ hoặc những “người lạ có thể tin tưởng” ở gần đó.

Dạy trẻ tuyệt đối không được nhận hay ăn uống bất cứ thứ gì của người lạ mặt. Có thể đặt ra những câu hỏi tình huống, chẳng hạn: “Con cần làm gì nếu có người lạ tìm cách bắt quen, cho con bánh kẹo, đồ chơi, hay rủ con đi ăn kem, xem phim”,…

Phong ngua bat coc, chiem doat tre em: Dung de
Cha mẹ cần dạy con tuyệt đối không được nhận bất kì thứ gì từ người lạ.

Sau khi trẻ trả lời, cần phân tích cho trẻ thấy đó rất có thể là cạm bẫy lừa lọc để bắt cóc trẻ con, từ đó hướng dẫn trẻ cách từ chối lịch sự nhưng cương quyết với họ, đừng bị quyến rũ bởi những thứ họ đưa ra.

Cách từ chối có thể là: “Bố mẹ cháu không cho phép nhận”, sau đó dạy trẻ cần nhanh chóng trở lại với người thân của mình, hoặc chạy đến nơi có công an hay bảo vệ đứng, để tránh bị người lạ kia tiếp tục dụ dỗ, khống chế.

Nếu bị người lạ kéo, dắt, lôi đi thì cần huấn luyện cho bé biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh. Có thể hô: “Bắt cóc trẻ con, cứu, cứu cháu với”,…

Khi bị bắt kéo đi mà việc la hét không có kết quả, hãy dạy trẻ cách giả bộ ngoan ngoãn rồi bất ngờ xỉa tay vào mắt, đá vào hạ bộ, vào cẳng chân của tên bắt cóc rồi bỏ chạy, kêu cứu. Nếu thấy có người, cần hét thật to để gây sự chú ý, như: “Bắt cóc trẻ con, cứu cháu với” hoặc "các người không phải là bố mẹ tôi",…

Khi phải đi làm mà có trẻ ở nhà một mình, cần khóa kỹ hệ thống cửa. Có thể giao cho trẻ chìa khóa, nhưng dặn dò không được tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ vào nhà, dù với bất cứ lý do gì. Dặn trẻ không được bỏ nhà đi chơi. Nếu có người lạ tìm đến nhà, lấy lý do công việc hoặc là bạn của bố mẹ để xin vào nhà, cần gọi điện ngay cho bố mẹ thông báo và bảo họ lúc khác quay lại.

Dặn trẻ tuyệt đối không đứng gần cửa ra vào để nói chuyện với khách, đề phòng bị thôi miên, đầu độc, dụ dỗ mở cửa. Nếu khách tỏ ra kiên trì muốn vào nhà, cần gọi điện báo cho bố mẹ biết để xử lý, trong tình huống nguy cấp có thể gọi điện 113 báo công an.

4. Đưa ra những giao ước bí mật

Thống nhất với trẻ một “mật khẩu” trong gia đình và chỉ bố mẹ hoặc những ai nói được mật khẩu đó thì trẻ mới được phép đi theo về. Việc làm này rất hiệu quả đối với trẻ đi học ở các nhà mẫu giáo, tiểu học, THCS.

Hàng ngày khi đón trẻ từ trường, lớp, cha mẹ nên nói thầm “mật khẩu” cho trẻ nghe để luyện thành thói quen. Đồng thời hãy dặn con nhớ rằng, dù người thân hay người lạ tới đón, con nhất định phải hỏi “mật khẩu là gì?”. Nếu người đón không nói được, thì trẻ hãy ngay lập tức chạy đi và cầu cứu sự trợ giúp từ “những người lạ có thể tin tưởng”, như cô giáo, chú công an, bác bảo vệ hoặc những người lớn xung quanh.

5. Dặn trẻ tuyệt đối không được đi một mình

Cảnh báo cho trẻ biết những mối nguy hiểm khôn lường luôn rình rập, khi trẻ đi 1 mình tại những nơi vắng vẻ. Nếu trẻ đã đến tuổi đi chơi với bạn bè mà không có sự giám sát của người lớn thì hãy dặn trẻ luôn luôn để mắt tới nhóm bạn. Những kẻ bắt cóc thường thích bắt trẻ khi trẻ đi một mình và hiếm khi hành động khi trẻ đi với 2-3 người bạn.

Khi trẻ tham gia giao thông trên đường, dạy trẻ cần chú ý quan sát và luôn luôn cảnh giác với những chiếc xe lạ hoặc bất cứ ai đang đeo bám theo sau trẻ một cách không bình thường. Khi đó, trẻ cần dừng lại ở chỗ đông người, ghi nhớ hoặc ghi chép lại biển số xe của kẻ có biểu hiện theo dõi mình. Nếu cảm thấy nguy hiểm, có thể cho xe vào quán bán hàng, nói với “những người lạ có thể tin tưởng” hoặc người lớn, người già về mình, về tình hình mình bị bám theo.

Phong ngua bat coc, chiem doat tre em: Dung de
Trẻ đi một mình là mục tiêu của nhiều vụ bắt cóc.

Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, THCS nếu cùng cha mẹ, người thân đi ra các địa điểm công cộng (như bến tàu xe, nhà ga, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại…), cần bám sát và luôn luôn để mắt tới người thân của mình để tránh bị lạc. Nếu thấy cha mẹ, người thân đã khuất khỏi tầm nhìn của mình thì hãy gọi to lên.

Với trẻ trẻ sơ sinh hoặc dưới 6 tuổi, gia đình nên trông trẻ cẩn thận, tránh để trẻ tự ý ra ngoài đường chơi với bạn bè mà không có sự giám sát của người thân. Cũng tránh cho trẻ tiếp xúc nhiều với những người lạ mặt.

Cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, để mắt đến con cái, chú ý quan sát những vấn đề xung quanh trẻ, nhằm phát hiện sớm những nguy cơ, những biểu hiện bất thường chứng tỏ trẻ đang bị theo dõi.

6. Cảnh giác cao độ với internet

Bạn cần dạy trẻ không được đăng công khai những thông tin cá nhân lên trên mạng, như họ tên đầy đủ, tên của những thành viên trong gia đình, số điện thoại, địa chỉ hoặc trường học của mình, anh em mình. Bởi vì đối tượng bắt cóc có thể lập tài khoản giả, làm quen kết bạn rồi rủ rê trẻ đi chơi, thăm quan, du lịch, xem phim… rồi tận dụng thời cơ bắt cóc trẻ. Chúng cũng có thể khai thác các thông tin về gia đình trẻ để phục vụ cho mục đích đen tối của mình.

Cha mẹ cũng cần tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội (facebook, zalo…) những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình vì hiện nay tội phạm thường “tăm tia, săn mồi” ngay từ các trang cá nhân.

Đỗ Trung Hiếu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI