edf40wrjww2tblPage:Content
BS H. (Q.Tân Phú) khám cho bệnh nhi
Giữ chân con bệnh
Tại phòng mạch của BS T.H. (P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM), 18g mới bắt đầu khám bệnh, nhưng từ 17g đã có hàng chục bệnh nhi và phụ huynh ngồi chờ. Ai đến trước thì bốc số và ngồi đợi. Trong phòng khám, ngoài BS T.H. còn một thanh niên làm công việc nhập liệu (tên, triệu chứng bệnh của từng bệnh nhi).
Cả hai đều mặc thường phục. Dụng cụ khám bệnh của BS T.H. gồm ống nghe, đèn pin và que đè lưỡi. Bệnh nhi nào vào khám cũng được BS đặt ống nghe vào lưng, bụng và dùng que đè lưỡi, soi đèn pin vào miệng. Sau những động tác trên, ông rời bàn khám, vào căn phòng nhỏ kế bên mang ra một nắm thuốc để xuống bàn cho thanh niên kia chia ra từng bao ni lông nhỏ, ghi chú cho bệnh nhi uống vào sáng, trưa, chiều, tối.
Một bệnh nhi có triệu chứng hay nôn oẹ, BS T.H. phán: “Bé bị rối loạn bao tử” rồi cho hai ngày thuốc với giá 80.000đ, và hẹn “hết thuốc tái khám”. Thuốc BS cho đều bị bóc vỉ. Bệnh nhi nào cũng đều được cho một bịch thuốc tương tự. Chị N.T.T. (ngụ Q.Gò Vấp) nói: “Con tui khám ở đây từ nhỏ. Thuốc không toa, bị bóc vỏ nhưng hay lắm cô. Mỗi đợt bệnh chỉ cần đến BS T.H. ba lần, mỗi lần hai ngày thuốc với giá 80.000đ là hết bệnh. Đi BS khác không… xi nhê”.
Tại phòng khám của BS N.T.S., chuyên khoa hô hấp nhi trên đường Trần Mai Ninh, P.12, Q.Tân Bình, chị Thu (ngụ H.Hóc Môn) kể: “Lúc trước tui ở Tân Bình nên đưa con đi BS S. từ nhỏ. Giờ chuyển lên Hóc Môn, xa quá, nhưng đi BS khác thì không hạp, nên vẫn phải lặn lội xuống đây”. Tôi đưa cháu vào khám với triệu chứng hay nhợn ói, BS S. “phán”, viêm phế quản và cho ba ngày thuốc uống với giá 180.000đ. Trên bàn khám của BS S. chất đầy những lọ thuốc không tên. Một nhân viên mặc thường phục lấy thuốc theo y lệnh BS và kiêm luôn nhiệm vụ sắp xếp xe cộ.
Thấy khách lạ, anh này cảnh giác: “Khám ở đây bao nhiêu lần rồi?”. Sau khi biết chúng tôi là khách mới, BS S. vội lấy tờ giấy trong hộc tủ ra ghi toa. Một bà mẹ đưa con đến phòng khám này chia sẻ: “Chắc chị mới đến khám lần đầu, chứ như tụi tui thì làm gì có toa”.
Ngoài chiêu giữ chân con bệnh bằng cách cho thuốc đã bóc vỉ, không kê toa, tại các phòng khám, chúng tôi còn nhận thấy nhiều BS ghi tên thuốc bằng nhiều “mật mã” trong những tờ giấy nhỏ hoặc sổ khám.
Nguy cơ tử vong vì dùng thuốc quá liều
Bệnh nhi V.T.G., ba tuổi, được cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 trong tình trạng co giật, mắt trợn ngược, tăng trương lực cơ. Các BS cho biết bé bị ngộ độc thuốc do uống quá liều. Ôm đứa con gái mềm oặt trên tay, mẹ bé cho biết, trước khi đi làm, chị để sẵn bịch thuốc và dặn người giúp việc cho bé uống ba lần. Không thấy toa thuốc, lại thấy viên thuốc bị bẻ đôi, người giúp việc cứ tưởng thuốc bị bể, nên đem cho uống dồn một lần khiến bé bị ngộ độc.
Mới đây, BV Chợ Rẫy đã cấp cứu cho bệnh nhi T.Y.L., bốn tuổi, bị tăng áp lực sọ não do dùng quá liều vitamin A. Mẹ bé L. cho biết, bé hay bị bệnh vặt. Nghe giới thiệu một BS ở Q.5 rất “mát tay”, chị đã đưa bé đến khám và được cho ba ngày thuốc kèm một hũ vitamin A. BS không kê toa nhưng ghi uống một viên/ngày lên vỉ thuốc. Do không hiểu ý BS, cũng không có toa thuốc để đối chiếu nên chị đã cho bé uống mỗi ngày ba lần, mỗi lần một viên. Sau một tuần, bé L. có biểu hiện nôn, kích thích, tiêu chảy, co giật, mê sảng. Rất may, bé L. được cấp cứu kịp thời.
Nhiều ngày “mục sở thị” hơn 10 phòng khám bệnh nhi trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi nhận thấy các BS đều cho thuốc bẻ đôi, bẻ ba. PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y Dược TP.HCM) cho biết, dạng thuốc thích hợp cho trẻ là dạng lỏng: si rô, dung dịch ngọt, nhũ dịch, hỗn dịch…
Trường hợp các BS cho thuốc viên nén cắt ra, hay viên nang mở vỏ chia làm hai-ba phần cho trẻ uống, chắc chắn là dùng thuốc người lớn. Có những thuốc chỉ hợp cho người lớn, rất nguy hại cho trẻ, vì chuyển hóa thuốc của cơ thể người lớn và trẻ khác nhau. Chưa kể, thuốc người lớn thường rất đắng, khi cho trẻ uống phải đè, ép khiến trẻ bị nôn ói.
Nhiều phụ huynh cho đường, mật ong, nước trái cây vào thuốc cho trẻ dễ uống, sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Việc bẻ để chia thuốc cũng dễ dẫn đến tình trạng trẻ uống thuốc quá liều. Đáng lo là hầu hết người nhà của bệnh nhi không biết đã cho trẻ uống thuốc gì (vì thuốc đã bị bóc vỉ), khiến các BS gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán và điều trị ngộ độc.
BS H. (Phòng khám T.D, Q.12) đặt cây đè lưỡi bẩn lên một khay nhựa, rồi gác ống tiêm có dung dịch màu đỏ lên. Trong khay có khá nhiều miểng chai ống thuốc.
Mức xử phạt quá nhẹ
Hiện nay có rất nhiều phòng khám trên địa bàn TP.HCM mắc các sai phạm về hành nghề khám chữa bệnh như không kê toa, công khai bán thuốc và bán thuốc bóc vỉ, kê toa cho có (không ghi đầy đủ tên, tuổi, cân nặng, liều thuốc uống trong ngày).
Thông tư số 10-BYT/DC giải thích Quyết định số 311 về việc cho phép những người làm nghề tư về y tế được dự trữ một số thuốc men, nêu: những người làm nghề tư về y tế như bác sĩ, y sĩ, nha sĩ, y tá, hộ sinh, thợ chữa răng… chỉ được chữa bệnh, kê đơn hoặc làm nghề chuyên môn trong phạm vi đã quy định, không được buôn bán thuốc cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân cần thuốc, nếu không có trong quy định, tùy theo quyền hạn mà kê đơn cho bệnh nhân đi mua ở ngoài, nhất thiết không được lợi dụng việc chữa bệnh để buôn bán thuốc cho bệnh nhân và không được dự trữ thuốc men trái với quy định.
Theo Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt từ 300.000-1.000.000đ nếu cơ sở hành nghề chung với điểm kinh doanh. Phạt từ hai-năm triệu đồng với người làm chuyên môn không có bằng cấp; vừa kê đơn, vừa bán thuốc ngoài số thuốc cấp cứu theo quy định của cơ quan y tế (trừ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền). Phạt từ 100.000-200.000đ với người bán thuốc không mặc áo công tác, không đeo biển tên… Nghị định 176 đã sửa đổi, bổ sung, tăng mức xử phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc cho người bệnh, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi khác.
Tuy nhiên, có lẽ mức xử phạt này chưa “nhằm nhò” gì so với lợi nhuận từ các phòng khám tư nên tình trạng BS vừa khám bệnh, vừa bán thuốc, thuốc đã bóc vỉ… vẫn tiếp tục diễn ra.
HOA LÀI
BS không kê đơn, người bệnh dễ uống nhầm thuốc, gây ngộ độc. Thực tế, nhiều phụ huynh giữ lại đơn cũ để dùng lần sau (khi trẻ có triệu chứng bệnh tương tự) hoặc cho người khác “mượn” đơn. Việc này không an toàn vì thuốc có thể che lấp một vài triệu chứng bệnh, đến khi đưa trẻ đi khám thì bệnh đã nặng hoặc bệnh nhẹ chuyển thành nặng, kéo dài thời gian chữa trị… BS hành nghề nên cho toa đúng theo quy định. Thói quen dùng toa cũ cũng có phần do BS không giải thích kỹ những nguy hiểm, tác hại cho phụ huynh hiểu rõ. PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức |