Ngoài danh hiệu “Top 10 chuyên khoa da liễu tốt nhất toàn quốc” không rõ do ai phong, Phòng khám đa khoa Khang Thái (số 87 - 89 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM) còn lập lờ đặt logo của Báo Phụ Nữ TP.HCM trên trang web của mình, ngay dưới dòng chữ “truyền thông nói về chúng tôi”…
Trong những ngày qua, nhiều bạn đọc đã phản ánh: khi click vào website https://dalieu.phongkhamkhangthai.vn/ của Phòng khám đa khoa (PKĐK) Khang Thái, họ thấy măng-sét và logo Báo Phụ Nữ TP.HCM nằm cùng bốn đơn vị khác bên dưới dòng chữ “truyền thông nói về chúng tôi” (tức nói về PKĐK Khang Thái), rất dễ gây hiểu lầm rằng: báo chí có hợp đồng truyền thông với phòng khám này. Do vậy, Báo Phụ Nữ TP.HCM cần phải làm rõ vấn đề này.
Thay tên đổi họ, tiếp tục lừa bệnh nhân
Bài viết gần nhất trong năm 2018 mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đề cập đến các PKĐK Trung Quốc là Phòng khám Trung Quốc đổi tên, tiếp tục lừa bệnh nhân?, phản ánh trường hợp của chị T.N.T.N. - ngụ tại Q.7, TP.HCM - bị bác sĩ của PKĐK Khang Thái “vẽ bệnh, chặt chém”.
|
Trang web của PKĐK Khang Thái "nhập nhèm" gắn măng-sét Báo Phụ Nữ gây ngộ nhận cho khách hàng và bạn đọc |
Cụ thể, phát hiện vùng kín nổi mụn, chị N. đến khám thì được các bác sĩ ở đây “phán” bị viêm cổ tử cung lộ tuyến và gai u nhú âm đạo, dọa phải điều trị gấp. Sau ngày điều trị đầu tiên, bệnh nhân N. bị phòng khám này “chém đẹp” gần 34 triệu đồng, bị yêu cầu tiếp tục điều trị với chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, họ còn cho rằng tử cung chị có dịch nên phải điều trị bằng thuốc đông y với nửa liệu trình 4,5 triệu đồng.
Nếu không hết, phải tiếp tục điều trị với gói dịch vụ khoảng 15 triệu đồng nữa. Thế nhưng, các bác sĩ ở Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Từ Dũ đều cho rằng, các triệu chứng mà chị N. gặp phải không có gì bất thường và việc đốt cổ tử cung sẽ khiến sau này dễ sinh non, có thể vô sinh.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, địa chỉ 87 - 89 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM hiện là trụ sở chính của Công ty TNHH PKĐK Khang Thái, thành lập ngày 25/1/2018 với người đại diện pháp luật là Đào Vinh Quân. Tuy nhiên, tại địa chỉ này, từng tồn tại Phòng khám Thành Thái, trước nữa là Phòng khám Elizabeth - những phòng khám nhiều lần bị báo chí phản ánh tiêu cực liên quan đến “bác sĩ Trung Quốc” và bị Sở Y tế TP.HCM kiểm tra, xử phạt.
Tháng 8/2017, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có bài Đóng phạt liên tục, phòng khám Elizabeth vẫn sai phạm nêu thông tin, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt PKĐK Elizabeth 26,4 triệu đồng do lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ, không lập hồ sơ bệnh án theo quy định của pháp luật, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được cho phép.
Trước đó, tháng 4/2016, PKĐK Elizabeth cũng bị phạt 3 triệu đồng do không niêm yết giá dịch vụ, một bác sĩ của phòng khám bị phạt 35 triệu đồng do hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn. Đến tháng chín cùng năm, phòng khám này lại tiếp tục bị phạt cùng lỗi không niêm yết giá dịch vụ và người phiên dịch chưa được công nhận đủ trình độ phiên dịch bị phạt 18 triệu đồng.
Trước đó, năm 2014, Báo Phụ Nữ TP.HCM từng đăng tin Lại phát hiện bác sĩ Trung Quốc không có chứng chỉ hành nghề cho biết, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra PKĐK Elizabeth, xử phạt hơn 315 triệu đồng do phát hiện bốn bác sĩ quốc tịch Trung Quốc đang khám chữa bệnh, trong đó có một bác sĩ không xuất trình được chứng chỉ hành nghề; hồ sơ, sổ sách ghi chép khám chữa bệnh tại đây không đầy đủ, một số phiếu siêu âm sản phụ khoa, nội soi cổ tử cung không có chữ ký bác sĩ…
|
Phòng khám Khang Thái |
Mới nhất, vào tháng 8 và 9/2018, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục xử phạt Công ty TNHH PKĐK Khang Thái hơn 168 triệu đồng về các hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động, người nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh sử dụng tiếng Việt nhưng chưa được công nhận là biết tiếng Việt thành thạo, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép, hồ sơ bệnh án không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Tự ý mượn danh là vi phạm luật
Trở lại việc website https://dalieu.phongkhamkhangthai.vn/ treo logo, măng-sét Báo Phụ Nữ TP.HCM, chúng tôi đã gọi vào đường dây nóng của cơ sở này và được nhân viên tại đây xác nhận, chính trang web là của PKĐK Khang Thái. Ngoài ra, phòng khám này còn có một tên miền chung nữa là https://phongkhamkhangthai.vn/.
Trao đổi với chúng tôi ngày 1/1, luật sư Phùng Thanh Sơn - Công ty luật Thế Giới Luật Pháp - cho rằng, PKĐK Khang Thái đã có dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Măng-sét của các cơ quan báo chí được dùng để phân biệt sản phẩm báo chí của cơ quan báo chí này với cơ quan báo chí khác. Do đó, măng-sét của Báo Phụ Nữ TP.HCM có thể được xem là nhãn nhiệu hàng hóa (ở đây là các tác phẩm báo chí) theo Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Việc PKĐK Khang Thái sử dụng măng-sét của Báo Phụ Nữ TP.HCM cho hoạt động truyền thông của mình mà không có sự đồng ý chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa - tức Báo Phụ Nữ TP.HCM - là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Báo Phụ Nữ TP.HCM” - ông Sơn nói.
Theo luật sư Sơn, báo có quyền yêu cầu phòng khám này chấm dứt hành vi vi phạm và tháo gỡ măng-sét của báo trên website, tiêu hủy tất cả sản phẩm quảng cáo có măng-sét của báo (nếu có) và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Nếu phòng khám này không thực hiện, Báo Phụ Nữ TP.HCM có thể kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Cần nhắc lại, trên thực tế, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có nhiều bài viết phản ánh những tiêu cực tại địa chỉ này và báo không hợp tác truyền thông với các phòng khám loại này. Tuy nhiên, đáng chú ý, trong số bốn đơn vị có logo xếp chung với Báo Phụ Nữ TP.HCM trên trang web của PKĐK Khang Thái, có đơn vị hiện đang có bài PR ca ngợi phòng khám này. Theo luật sư Sơn, cách truyền thông không rõ ràng này dễ làm người đọc và khách hàng nhầm lẫn phòng khám này rất có uy tín và được cơ quan báo chí chính thống viết bài.
“Hành vi này có dấu hiệu vi phạm điều cấm của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đó là: gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo, cung cấp thông tin không đầy đủ về dịch vụ, uy tín và khả năng chữa bệnh của phòng khám” - luật sư Sơn cho hay.
“Phòng khám Trung Quốc”, hễ kiểm tra là có sai phạm
Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện ở TP.HCM có 217 PKĐK, trong đó 17 PKĐK công lập, 176 PKĐK ngoài công lập và 24 PKĐK có yếu tố nước ngoài. Trong các PKĐK có yếu tố nước ngoài, có 8 PKĐK có người hành nghề mang quốc tịch Trung Quốc.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Phòng PA83 (nay là PA03) Công an TP.HCM kiểm tra định kỳ, đột xuất tất cả 28 lượt đối với 8 PKĐK có người hành nghề mang quốc tịch Trung Quốc và cả 28 lượt đều phát hiện vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng, tạm dừng hoạt động một cơ sở do chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định.
Theo Sở Y tế TP.HCM, để quản lý chặt chẽ nhóm đối tượng này, cần dựa vào bộ tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế. Sở đã xây dựng bộ tiêu chí riêng cho PKĐK, trong đó có PKĐK có yếu tố nước ngoài. Hằng năm, sở tổ chức 5 đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng khám chữa bệnh đối với các cơ sở y tế theo các tiêu chí này. Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Y tế đang xây dựng phần mềm để quản lý chặt chẽ giá dịch vụ của các PKĐK, trong đó có PKĐK có yếu tố nước ngoài.
|
Quốc Ngọc