Khách đến đây hầu hết là người nghèo. Những lo toan, những khó khăn vì bệnh tật của bệnh nhân vơi đi rất nhiều bởi những cái nắm tay, những lời thăm hỏi tận tình của các lương y…
"Tay chị đỡ run chưa?"
Nắm chặt bàn tay trái của bà Trần Thị Dung (75 tuổi), cô Trần Thị Lý - Trưởng phòng Chẩn trị YHCT Hy Vọng (gương điển hình trong phong trào nữ tu rèn luyện do Hội LHPN TP phát động) - hỏi: “Tay chị đỡ run chưa, mấy bữa nay còn đau nhức không? Chút nữa vô phòng cho mấy em châm cứu sẽ ổn”!
Nhoẻn miệng cười, bà Dung run run giọng: “Dạ, tôi đỡ rồi”. Cách đây năm tháng, bà bị đột quỵ, nằm bệnh viện hơn một tháng rưỡi, tốn kém rất nhiều nhưng bệnh không thuyên giảm. May được người quen giới thiệu, ba tháng nay, mỗi tuần năm lượt, bà được con chở đến PK Hy Vọng để điều trị. Hồi mới vô, tay trái bà run, giật nhiều đến nỗi khách đến khám cảm thấy sợ. Vậy mà nhờ các cô châm cứu, tập vật lý trị liệu, tay bà đã đỡ run, có thể cầm nắm đồ vật.
|
Bệnh nhân đến phòng chẩn trị y học cổ truyền Hy Vọng hầu hết là người nghèo |
Đi cùng bà Dung là cậu con trai út. Anh là lao động chính trong gia đình, đột nhiên cả tháng nay chân bị sưng to, không có khả năng chữa chạy, nên cũng đến PK này điều trị. Ở dãy ghế kế bên, người đàn bà đen nhẻm đang cầm xấp vé số mời chào khách. Chị là Đặng Thị Thủy (ngụ xã Tân Phú Trung), vừa tranh thủ bán vé số, vừa chờ đến lượt khám bệnh. Gương mặt khắc khổ, chị Thủy thở dài kể, chị có đến sáu đứa con, bốn đứa đã có gia đình nhưng đứa nào cũng khổ, còn hai đứa ở với chị, đứa nhỏ nhất chỉ bốn tuổi. Ba năm nay, chồng chị bỏ đi biền biệt, khiến chị khó khăn trăm bề. “Cặm cụi làm ngày làm đêm mà không đủ ăn. Mấy tháng nay, lưng với cổ đau nhức dữ dội, may mà được người ta chỉ đến PK này, chứ tôi mà đổ bệnh, nghỉ bán ít hôm thì tiền đâu nuôi con”, chị Thủy tâm sự.
Không chỉ chị Thủy, bà Dung, mỗi ngày, hàng trăm lượt người đến đây. Đa số họ đều nghèo, bị tai biến, đột quỵ, bệnh mãn tính… mà không có tiền điều trị lâu dài tại các bệnh viện. Họ chọn nơi đây để gửi gắm hy vọng - đúng như cái tên của PK. Đến đây hai ngày,
tôi đã quen với những dáng người khập khiễng, tay chân run rẩy do di chứng đột quỵ; những gương mặt lam lũ, khắc khổ; những đôi dép lào còn dính đầy bùn đất… Vậy mà ngày nào ở PK này cũng có những món quà nho nhỏ từ các bệnh nhân gửi đến các y sĩ thay lời cảm ơn: có khi là cặp cá lóc đồng, khi thì chục bánh cam, vài ký ổi. Như sáng nay, khi chúng tôi đến cũng là lúc bà Năm mang biếu nửa ký đậu hủ, vài quả trứng gà ta cho các y sĩ.
Hỗ trợ "cần câu cơm" cho người nghèo
Dẫn chúng tôi đi một vòng PK, cô Lý cho biết, PK hoạt động từ tháng 10/2015, mỗi ngày tiếp nhận 100 - 150 lượt bệnh nhân, đến nay đã khám hơn 27.000 lượt. Bệnh nhân hầu hết là người địa phương, một số từ các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bình Dương. PK này vốn đặt tại P.11, Q.Bình Thạnh, do cô Lý làm trưởng phòng, nhưng do phòng ốc chật hẹp, hơn nữa đa số các bệnh nhân đến từ ngoại thành, đi lại xa xôi, vất vả. Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới tại các huyện ngoại thành, cô Lý nhờ người tìm đất ở Củ Chi - nơi giáp ranh tỉnh Tây Ninh, Bình Dương. “Về đây mấy tháng, bà con kéo đến rất đông, tôi thấy ấm lòng vì biết mình đã đặt trái tim đúng chỗ”, cô Lý chia sẻ.
Phòng Chẩn trị YHCT Hy Vọng không giống như các PK từ thiện khác bởi quy mô và sự hiện đại của nó. Trong khuôn viên hơn 3.000m2, PK bài trí khá tươm tất, sạch sẽ. Ngay cổng vào là vườn dược liệu với nhiều loại cây quý như hoàng ngọc, đinh lăng, mật gấu… tươi tốt. Bên trong là một phòng nhận bệnh, một PK và bốn phòng điều trị với 21 giường. Ngoài ra, còn có phòng vật lý trị liệu, phòng phơi thuốc, trữ thuốc và phòng tập dưỡng sinh cho những người lớn tuổi.
Đến đây, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. PK không chỉ mang hy vọng cho người nghèo mà còn giúp “cần câu cơm” cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Lý giải điều này, cô Lý cho biết, "không chỉ bệnh tật, một số người đến đây thường tâm sự bị chồng say xỉn, đánh đập, lại không có công ăn việc làm nên cái vòng luẩn quẩn nghèo - bệnh cứ đeo bám. Tôi liền quyết định trích quỹ từ thiện do Mạnh Thường Quân đóng góp cho họ vay vốn. Tùy phương án làm ăn của mỗi người mà số vốn nhiều ít khác nhau, mỗi ngày họ sẽ trả vài ngàn đồng, đến khi nào dứt nợ thì thôi”.
Như trường hợp chị Nguyễn Thị Lê (xã Tân Phú Trung) vừa bị cháy trại, thiêu rụi hơn 30 con heo lứa (tháng 4/2016), cô Lý trích quỹ cho vay 10 triệu đồng để gầy lại bầy heo 10 con. Đến nay, heo mẹ chuẩn bị đẻ lứa đầu. Để động viên, cô Lý cho vợ chồng chị Lê mượn luôn bảy sào đất sát bên PK để hai vợ chồng cấy vụ đông xuân này. Tùy sức khỏe, hoàn cảnh, “cần câu cơm” đến với từng người khác nhau. Như ông Trần Văn Sỏn - 60 tuổi, bị tai biến, gia cảnh nghèo khó - được cô Lý cho giữ xe ở PK kiếm vài chục ngàn đồng/ngày; vợ ông Sỏn được cho mượn mảnh đất phía sau PK trồng hoa màu.
Những con người khốn khó dần vui hơn, những cuộc đời đang đổi thay từng ngày, những nụ cười hạnh phúc đã nở nhờ những việc làm rất nhỏ của tập thể y sĩ của PK. Ở Hy Vọng, tôi đã thấy rất nhiều nụ cười bật sáng sau bao ngày tưởng đã tắt.
Rồi đây, bảy sào đất bên hông PK sẽ ngào ngạt hương lúa mới. Rẫy đất phía sau cũng đã cho thu hoạch lứa đậu bắp tươi sạch. Hơn hết, một vườn dược liệu với những cây thuốc quý sẽ tràn ngập ngay cạnh PK này; chúng sẽ được chăm sóc, tưới tắm, phơi sấy, bào chế bởi chính bàn tay những y sĩ và cả những bệnh nhân nơi đây.
Thu Hồng