Phong hàm giáo sư và những nghi vấn không vô cớ

28/02/2018 - 08:49

PNO - Lối “giải quyết mà không giải quyết gì” ít nhiều chứng tỏ đồn đoán về những tiêu cực trong việc xét phong hàm GS, PGS là có cơ sở.

Suốt mấy tuần qua, dư luận sôi lên với chuyện phong hàm giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS), nhất là sau “chuyến tàu vét” năm 2017. Nghi vấn thì nhiều nhưng bằng chứng thì không dễ. Và câu chuyện đang xôn xao ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN) - Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM cho thấy, những nghi vấn của xã hội không phải là vô cớ.

Phong ham giao su va nhung nghi van khong vo co
 

Chuyện là có một ông giáo về hưu đã làm đơn tố cáo với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiêm Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) Phùng Xuân Nhạ về việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS cho hai ông H.T.P. và T.T.T., đều là cán bộ giảng dạy tại khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật của Trường ĐH KHTN - ĐHQG TP.HCM. Theo người tố cáo, cả ông P. và ông T. đều không xứng đáng được phong hàm PGS vì đã vi phạm pháp luật. 

Cụ thể, để tránh tiêu cực, quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của ĐHQG TP.HCM cũng như của Bộ GD-ĐT nghiêm cấm người làm phản biện là người sinh hoạt trong cùng đơn vị chuyên môn với nghiên cứu sinh (NCS) - khoản 2 điều 35 và đơn vị chuyên môn cũng được xác định rõ là bộ môn hoặc khoa, phòng chuyên môn trực tiếp đào tạo NCS - khoản 1, điều 4.

Với trường hợp của hai ông P. và T., dù cùng làm việc tại một “đơn vị chuyên môn” là bộ môn vật lý hạt nhân - kỹ thuật hạt nhân thuộc khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật, nhưng ông P. lại làm phản biện luận án tiến sĩ cho ông T. năm 2013. Điều này là trái với quy định. Ngoài ra, ông P. còn bị phát hiện ngồi ghế “phản biện” một luận án tiến sĩ trái quy định cho một NCS khác vào năm 2015. 

Những sai phạm vừa nêu đã được ĐHQG TP.HCM kiểm tra và kết luận tại văn bản số 1875/ KL-ĐHQG ngày 23/9/2016. Ngoài ra, theo người tố cáo, trong hội đồng chấm luận án tiến sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử và hạt nhân của ông T.T.T. còn có ông Nguyễn Ngọc Lâm, một PGS-TS thuộc chuyên ngành điện tử, làm Chủ tịch hội đồng, cũng không đúng với quy chế.

Trong bản kết luận, ĐHQG TP.HCM đề nghị hiệu trưởng Trường ĐH KHTN xem xét xử lý hành vi sai phạm của các cá nhân có liên quan và có hình thức xử lý triệt để theo quy định của pháp luật.

Phép suy luận không thể bỏ qua ở đây là: khi ông P. ngồi ghế phản biện luận án tiến sĩ sai quy định (và ông P. còn là Phó trưởng khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật nên không thể không biết quy định) thì cái Hội đồng chấm luận án tiến sĩ đấy là không hợp pháp và tấm bằng tiến sĩ cấp cho ông T. cũng không hợp quy! Cho nên, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn PGS cho hai ông H.T.P. và T.T.T. chẳng thể bình thường!

Sau khi nhận đơn tố cáo, cách giải quyết của HĐCDGSNN là yêu cầu HĐCDGS ngành vật lý kiểm tra báo cáo, Trường ĐH KHTN giải trình. Để bảo vệ mình, ĐH KHTN “nặn” ra khái niệm mới ngược với quy chế và chẳng giống ai - “đơn vị chuyên môn là nhóm nghiên cứu” - và giải thích: đề tài tiến sĩ của NCS T.T.T. thuộc “nhóm nghiên cứu” khác, không cùng “đơn vị chuyên môn” với tiến sĩ H.T.P.!

Để làm rõ vấn đề, sáng 27/2, rất nhiều phóng viên đã đến Trường ĐH KHTN nhưng đều không gặp được những người có trách nhiệm. Trong khi đó, HĐCDGS ngành vật lý đã dựa vào sự “ngụy biện” của ĐH KHTN để kết luận rằng “thư tố cáo đã được cơ sở giáo dục ĐH giải quyết”. HĐCDGSNN cũng theo đó để trả lời người tố cáo!

Nực cười ở chỗ các văn bản giải trình của ĐH KHTN, báo cáo của HĐCDGS ngành vật lý và văn bản trả lời người tố cáo của Văn phòng HĐCDGSNN đều được ký trong ngày 26/1/2018, chứng tỏ việc giải quyết tố cáo được HĐCDGSNN làm quấy quá. Lối “giải quyết mà không giải quyết gì” ít nhiều chứng tỏ đồn đoán về những tiêu cực trong việc xét phong hàm GS, PGS là có cơ sở. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI