Phòng dịch kiểu... quê

12/03/2020 - 06:00

PNO - Trước ngày bà ngoại lên xe vào Sài Gòn “giải cứu” vợ chồng tôi, tôi gọi về nhờ nhỏ em nhắc nhở: “Nhớ dặn bà ngoại đeo khẩu trang, đến trạm dừng, không cần thiết thì đừng xuống xe”.

Khi thông điệp của tôi được gửi đến má thông qua đứa em, má tôi giãy nãy: “Ai đeo được. Thà chết chớ ai đeo. Ngột ngạt muốn chết”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Hai đứa con tôi, một hai tuổi, một sáu tháng chỉ lòng vòng trong nhà ra đến sân kể từ sau tết đến nay. Sau kỳ nghỉ thai sản, tôi bắt đầu đi làm lại thì dịch bệnh bùng phát đã khiến mọi kế hoạch phá sản.

Tất cả các trường học đều đóng cửa nên tôi không thể gửi con. Mà trong tình hình đáng lo ngại này, trường học có mở, tôi cũng không dám cho con đi học.

Thế là tôi vừa trông hai đứa con, vừa làm việc. Có những ngày gấp gáp quá, tôi bỏ hai đứa con lên võng rồi đưa, ép chúng nó ngủ bất kể giờ nào. Con không ngủ, tôi lại gắt gỏng, la hét với chúng.

Nan giải quá, tôi đành cầu cứu bà ngoại. Tuy nhiên, người có tuổi như má di chuyển một chặng đường dài trên xe khách khiến tôi không yên tâm. Khi Mũi Né trở thành một “thủ đô resort” thì khách trên những xe đưa đón phần đông là khách nước ngoài đủ mọi quốc tịch ra Phan Thiết du lịch.

Mỗi ngày, cứ cách một, hai giờ đồng hồ là những chuyến xe khách giường nằm 45 chỗ sẽ xuất bến từ TP.HCM. Điều đó cũng diễn ra ở chiều ngược lại. Do đó, chỉ cần có một người trên những chuyến xe này mang mầm bệnh, thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng phát tán khắp nơi.

“Lỡ hai đứa nhỏ mà bị bệnh là người ta cách ly hoàn toàn, người thân không được chăm sóc đâu”, tôi lấy hai đứa nhỏ, hy vọng dùng tình thương để tác động với mong muốn bà ngoại phải hết sức cẩn thận. Vậy mà bà chị tôi đang ngồi gần đó, nói vọng vào: “Việt Nam mình có dịch đâu mà mày lo”. 

 “Hàng trăm người nghi nhiễm đang bị cách ly đó”, tôi cố gắng thông tin.

“Tao có nghe nói gì đâu. Thấy trên mạng nói con vi-rút đó nó chỉ sống ở xứ lạnh thôi. Còn Việt Nam mình đang nóng thấy bà, nó sống gì nổi”, chị tôi vặt lại.

Thế là tôi phải giảng giải một bài, dẫn đầy đủ số liệu để phân tích: “Tụi con nít tự dưng không có gì mà người ta cho nghỉ chơi vậy đó hả?”, rồi: “Ngay tại Bình Thuận mình, bữa trước có một du học sinh từ Hàn Quốc về, nay bị cách ly tại bệnh viện, rồi cả gia đình phải tự cách ly theo dõi".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Người ta còn tìm những người nào đi cùng xe khách với em đó để cách ly mà bó tay”, “mấy đứa bạn em ở bên Hàn Quốc nói trước khi dịch bùng phát, dân Hàn không biết sợ là gì. Nay thành một ổ rồi”… Cứ mỗi câu chuyện tôi nói, chị tôi lại: “Vậy hả? Ai biết”. 

Tôi dọa: “Mai má vô đến Sài Gòn, xe dừng lại ở bến, công an thấy ai không đeo khẩu trang là họ bắt buộc cách ly. Ít nhất 14 ngày không có triệu chứng bệnh, họ mới thả về nha”.

Nghe đến đây, má tôi hoảng quá: “Lỡ vậy công chuyện ở nhà làm sao? Tao định vô mười ngày rồi về đi hỏi vợ cho thằng Bảo (cháu tôi)”. Nghe sự hốt hoảng thể hiện rõ trong giọng nói qua điện thoại, thế là tôi chắc thắng và yên tâm đi ngủ.

Vậy mà sáng ra, tôi nhắc lại: “Má nhớ đeo khẩu trang nha”. “Ừ, má mới mượn cái khẩu trang bọc sẵn trong túi đây. Khi nào xe qua hầm Thủ Thiêm lấy ra đeo”.

Lúc này, tôi chỉ còn biết mếu và cầu mong không có ai mang mầm bệnh trên chuyến xe vượt hơn hai trăm cây số đó. Người quê phòng dịch kiểu này, thật đáng lo quá. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI