Phòng dịch COVID-19: Người dân cứ muốn 'siêu' hơn bác sĩ

21/02/2020 - 10:28

PNO - Từ lúc học sinh ở TPHCM được nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, trong khu nhà trọ gần một công ty may mặc lớn ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM thường xảy ra những cuộc tranh cãi quyết liệt về mức độ nguy hiểm của chủng virus corona mới. Tuy nhiên, thay vì nhắc nhở nhau thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, công nhân ở khu nhà trọ này lại thường bàn tán về những câu chuyện từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) được chia sẻ trên Facebook.

Ai cũng muốn làm… chuyên gia

Tối cuối tuần, lối đi nhỏ giữa hai dãy nhà trọ nói trên được công nhân tận dụng làm chỗ ăn uống. Họ trải chiếu giữa lối đi, bày đồ nhắm ra nhâm nhi. Rượu vào lời ra, câu chuyện về chủ đề dịch viêm phổi COVID-19 càng lúc càng sôi nổi, nhưng chẳng ai để ý xem việc mình nói hăng quá có bắn nước bọt trúng người đối diện hay không. “Corona có gì nguy hiểm đâu. Bệnh này chữa đơn giản mà cứ loạn cả lên. Cách chữa như sau: lục bản mộc, nhị lạng đinh, hoa linh tinh, đa nhân khóc, bát nhân khiêng, kèn trống chiêng, thừng hai mét. Hạ thổ” - một công nhân cầm điện thoại đọc một đoạn thông tin chia sẻ trên mạng xã hội Facebook về mức độ nguy hiểm của virus corona chủng mới với giọng đầy hứng thú.
Câu nói đùa về mức độ nguy hiểm của virus corona này được chia sẻ khá nhiều trên Facebook trong những ngày qua. Dù là đùa nhưng nó lại hàm chứa thông tin gây lo sợ cho nhiều người. Và không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận biết được đâu là những thông tin cần theo dõi, cần tiếp nhận để phòng chống dịch bệnh. “Đến nay, đã có mấy chục quốc gia trên thế giới phát hiện có người bị nhiễm bệnh viêm phổi này. Tốt nhất là không nên ra đường, không đến gần người lạ” - anh B., công nhân giày da ở khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), tỏ ra am tường. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi việc theo dõi thông tin phòng chống dịch bệnh ra sao, anh B. nói chủ yếu theo dõi qua tin tức chia sẻ trên Facebook.  
TPHCM lập bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi để tiếp nhận các trường hợp nghi nhiễm bệnh do virus corona chủng mới- Ảnh: Sở Y tế TPHCM
TPHCM lập bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi để tiếp nhận các trường hợp nghi nhiễm bệnh do virus corona chủng mới - Ảnh: Sở Y tế TPHCM

Lướt qua mạng xã hội Facebook, chúng tôi nhận thấy, có vô số bài viết bày tỏ sự hiểu biết “uyên thâm” của mình về dịch COVID-19, chủ yếu theo hai hướng. Một hướng nói quá lên về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh (so với thông tin chính thống do các cơ quan y tế cung cấp); hướng còn lại thường dùng các dẫn chứng về tai nạn giao thông, về các dịch bệnh khác để chứng minh dịch viêm phổi COVID-19 không đáng sợ. 

Trước sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội về dịch COVID-19, nhiều bác sĩ ở TPHCM cảm thấy ái ngại. Chia sẻ quan điểm của mình trên Facebook cá nhân, tiến sĩ - bác sĩ N.V.K. - đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - viết: “Có thể khẳng định một điều mà không sợ đại ngôn rằng, với trình độ y khoa và ngôn ngữ của mình, tôi ăn đứt cả phóng viên chuyên viết về y tế và dịch bài y khoa. Nhưng tôi không viết một chữ nào về tình hình dịch tễ, lây truyền, bệnh sinh, sinh lý bệnh, điều trị... Không phải tôi vô trách nhiệm với cộng đồng mà đơn giản là tôi không nên làm và không cần làm nữa”.
Để bảo vệ quan điểm của mình, bác sĩ K. lập luận: “Thứ nhất, thông tin chính thống từ Bộ Y tế đã có, thông tin này được các chuyên gia có nghề thẩm định. Các bạn đừng bao giờ cho rằng Bộ Y tế giấu giếm gì về bệnh tật trong giai đoạn này. Không có niềm tin, chúng ta chắc chắn chẳng có gì cả. Thứ hai, các chuyên gia hàng đầu, đúng chuyên ngành vi sinh, truyền nhiễm, chống nhiễm khuẩn như bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1), bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM), phó giáo sư Lê Thị Anh Thư (Bệnh viện Chợ Rẫy) và cả giáo sư Nguyễn Thanh Long (Thứ trưởng Bộ Y tế) cùng một số chuyên gia đầu ngành khác đã nói rõ”.
Theo bác sĩ N.V.K., thông tin từ các nguồn như vậy là đủ. Nếu muốn làm việc gì đó cho cộng đồng thì nên share (chia sẻ) lại các nguồn tin này và làm những việc cụ thể khác như rửa tay bằng xà phòng, mang khẩu trang theo đúng khuyến cáo... “Đừng sáng tác thêm nữa. Mắm muối và chuyện kinh dị không có lợi trong chống dịch” - bác sĩ K. nhấn mạnh thêm.

Nghe ít được nhiều, nghe nhiều được ít

Trao đổi với chúng tôi, nhà báo Phan Sơn - từng tham gia nhiều khóa học về truyền thông cảnh báo nguy cơ dịch bệnh ở các nước phát triển và có nhiều năm theo dõi thông tin ở lĩnh vực y tế - cho rằng, việc phát triển của mạng xã hội với các công cụ truyền thông mới hiện nay đã tạo thuận lợi trong việc đưa tin về nguy cơ dịch bệnh so với những năm trước đây. Tuy nhiên, đây là vấn đề mang tính hai mặt. Mạng xã hội là nơi phát tán nhiều thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận mà giới nghiên cứu truyền thông gọi là “tin giả”, “tin xuyên tạc”, “tin nguy hại”. Dạng thông tin này gây hại cho người tiếp nhận và cản trở nỗ lực của nhà quản lý trong việc giải quyết những vấn đề cộng đồng. “Trong đợt dịch COVID-19, các loại tin này nở rộ và được phát tán, chia sẻ phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau” - nhà báo Phan Sơn đề cập.
Theo nhà báo Phan Sơn, nhiều người chia sẻ, phát tán các thông tin này vì họ hiểu sai, hiểu chưa đúng. Vì thế, ở đây, vai trò của báo chí chính thống là hết sức quan trọng. Người làm báo không chỉ tác nghiệp nhanh chóng mà còn phải chính xác, đặc biệt cần trang bị kiến thức về những vấn đề khoa học (ở đây là y tế, dịch bệnh) để tránh thông tin sai, gây hoang mang cho công chúng.  
Nhà báo Phan Sơn cho biết thêm, trong truyền thông y tế sức khỏe, có một lĩnh vực nhỏ gọi là truyền thông nguy cơ, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm. Nhiều học giả truyền thông thế giới đã nghiên cứu truyền thông nguy cơ và đúc kết thành nhiều bài học thực tiễn để áp dụng. Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ban hành hướng dẫn truyền thông nguy cơ cho các quốc gia thành viên sử dụng trong các tình huống khẩn cấp dịch bệnh. Việc nghiên cứu các bài học đã xảy ra trên thế giới cũng như áp dụng hướng dẫn sẽ tạo thuận lợi cho nhà quản lý trong việc phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh trong một lần hướng dẫn cách đưa tin về dịch bệnh - Ảnh: Trung Thanh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh trong một lần hướng dẫn cách đưa tin về dịch bệnh - Ảnh: Trung Thanh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cũng cho rằng, nhiều thông tin chia sẻ trên mạng xã hội không chính xác làm cho người dân thêm hoang mang. “Đến nay, những thông tin do Bộ Y tế hướng dẫn đã đủ giúp người dân phòng chống dịch bệnh rồi. Đọc càng nhiều thông tin trên mạng xã hội, nhất là những tranh cãi về chuyên môn, chỉ gây hoang mang thêm chứ không có ích lợi gì trong phòng dịch” - bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh, khi xảy ra dịch bệnh, nếu cơ quan chức năng có xu hướng “nói giảm đi” và truyền thông “nói quá lên”, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sẽ thêm khó khăn. “Đưa tin về dịch bệnh cần chính xác, vừa đủ, không gây hoang mang nhưng cũng không làm cho người dân chủ quan, lơ là. Trong đợt dịch COVID-19 này, cơ quan chức năng ở Việt Nam đã thông tin rất kịp thời, đầy đủ và báo chí cũng đưa tin tuyên truyền khá tốt. Nếu so với các đợt dịch lớn trước đây như dịch SARS, dịch cúm H5N1, công tác truyền thông đã tốt hơn rất nhiều. Dù có một số bài báo đưa tin nhanh không chính xác nhưng sau đó họ đã biết nhờ những bác sĩ có chuyên môn sâu tư vấn để kịp thời điều chỉnh” - bác sĩ Khanh nói thêm.
Bác sĩ Khanh cho biết, để đưa ra những thông tin cảnh báo và hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 phù hợp, ngoài theo dõi, cập nhật diễn biến từ vùng dịch bên Trung Quốc, các bác sĩ tham gia phòng chống dịch ở Việt Nam còn phải nghiên cứu các tài liệu liên quan, thường xuyên trao đổi kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn với nhau. Trong khi đó, có rất nhiều người không có chuyên môn, chỉ dựa vào những thông tin trên mạng rồi thêm thắt, đăng lên Facebook, làm nhiễu loạn thông tin hướng dẫn về phòng dịch. 
“Việc đưa tin hướng dẫn phòng dịch tùy từng thời điểm, với liều lượng khác nhau. Ví dụ, lúc mới xảy ra dịch, nếu phân tích quá sâu về bệnh lý, sẽ không có tác dụng bằng việc đưa ra những chỉ dẫn đơn giản về cách nhận biết dấu hiệu bệnh, các hình thức lây nhiễm” - bác sĩ Khanh giải thích. 
Theo bác sĩ Khanh, có nhiều thông tin cần phải kiểm chứng và cân nhắc trước khi chia sẻ. Ví dụ, về thời gian ủ bệnh của COVID-19, nhiều nghiên cứu cho thấy, thời gian tối đa là 14 ngày nhưng sau đó, lại có thông tin là 24 ngày. Vậy, thời gian 24 ngày này có phổ biến hay không, hay chỉ là cá biệt, hoặc đó là cách biện hộ để né tránh bớt trách nhiệm về việc để dịch bùng phát ở Trung Quốc?
Bác sĩ Khanh khuyến cáo thêm: “Dù lo lắng, hoang mang hay lạc quan thái quá, cũng phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Người dân chỉ cần thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ y tế bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang vào thời điểm cần thiết, đúng cách cũng như thực hiện các hướng dẫn khác về cách ly là đủ. Những việc chuyên môn còn lại, cứ để bác sĩ lo”. 

TPHCM kiểm soát dịch viêm phổi ra sao?

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính đến hết ngày 14/2, tại TPHCM, đã xác định được ba trường hợp dương tính với virus corona; trong đó, hai cha con người Trung Quốc đã khỏi bệnh và xuất viện, trường hợp còn lại đã ổn định sức khỏe. Có 32 trường hợp nghi ngờ nhưng qua xét nghiệm, có 31 trường hợp âm tính. Có 45 người tiếp xúc gần với ca bệnh, trong đó 17 trường hợp đã kết thúc theo dõi, 18 trường hợp đang được cách ly tập trung và 10 ca đang cách ly tại nhà. Tính đến sáng 15/2, có 16 người được cách ly ở bệnh viện dã chiến tại huyện Củ Chi và 2.901 người được cách ly tại nhà/cơ sở lưu trú. Trong số này, hiện có 1.712 người đã hết thời gian theo dõi và 1.189 người đang được theo dõi. 

Ca sĩ, diễn viên, giáo viên cũng tung tin thất thiệt

Trong đợt dịch COVID-19, có rất nhiều trường hợp đưa tin trên Facebook không đúng sự thật, gây hoang mang cho người dân, bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Thậm chí, có trường hợp giáo viên cũng đưa tin thất thiệt. Cụ thể, theo xác định của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, có một giáo viên Trường THCS Nguyễn Thái Bình dùng tài khoản cá nhân trên Facebook chia sẻ thông tin về việc ở Cà Mau có một số người bị sốt và có trường hợp dương tính với virus corona chủng mới nhưng trên thực tế, tại địa phương này, chưa xác định có trường hợp nhiễm bệnh do virus corona. 

Tại TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt các diễn viên, ca sĩ đưa thông tin sai về dịch bệnh COVID-19 như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Ngô Thanh Vân và Cát Phượng. Theo đó, ba trường hợp này bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM xử phạt hành chính với mức phạt 10 triệu đồng/người. Đây là mức phạt thấp nhất, căn cứ theo Nghị định 174 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Cụ thể, hành vi vi phạm "cung cấp nội dung thông tin sai sự thật" có mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức.

 Trung Thanh - Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI