Phỏng da, rụng tóc vì… làm đẹp

10/09/2023 - 07:45

PNO - Cuối hè, nhiều người tranh thủ đi chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt là các bạn trẻ độ tuổi sinh viên. Tuy nhiên, không ít trường hợp bị biến chứng gây tổn thương cả về thẩm mỹ lẫn tâm lý sau khi nhuộm tóc, triệt lông tại những cơ sở tự phát, thiếu uy tín.

Tổn thương da vì hóa chất nhuộm tóc

Ngày 28/8, tại Hà Nội, một nữ sinh viên sau khi đi tẩy tóc để nhuộm màu sáng đã bị hoại tử da đầu. Bệnh nhân đến bệnh viện khá muộn nên tình trạng tổn thương rất nặng nề. Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương đã phải cạo toàn bộ da dầu, cắt lọc, làm sạch và ghép da từ vùng khác trên cơ thể vào cho người bệnh. Đây là hậu quả từ việc phỏng hóa chất và phỏng nhiệt do trong lúc thực hiện ủ hóa chất tẩy tóc, thợ uốn tóc còn gia tăng nhiệt.

Bác sĩ Phương Thảo đang kiểm tra tình trạng kích ứng da sau khi đi spa làm đẹp cho một bệnh nhân - Ảnh: N.T.
Bác sĩ Phương Thảo đang kiểm tra tình trạng kích ứng da sau khi đi spa làm đẹp cho một bệnh nhân - Ảnh: N.T.

Liên quan đến các biến chứng sau khi nhuộm tóc, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết số ca bệnh được ghi nhận nhiều hơn trong thời gian nghỉ hè và lễ tết. Tuần qua, bác sĩ Thảo đã khám cho 7 trường hợp bị các tổn thương sau quá trình nhuộm tóc. Những bệnh nhân này là đối tượng thanh, thiếu niên nhuộm các màu sáng (vàng, khói, bạch kim…) và người độ tuổi từ trung niên trở lên, tự nhuộm tóc phủ bạc, chấm chân tóc bạc tại nhà.

Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân P.T.D. (20 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM). D. tới bệnh viện trong tình trạng phần rìa chân tóc tại vị trí sau gáy, sau tai bị viêm đỏ, bong vẩy, ngứa ngáy. Sau khi khai thác bệnh sử, bác sĩ biết được cách đây vài ngày, D. đi nhuộm tóc (màu vàng). Lúc thực hiện tại tiệm uốn tóc, do bệnh nhân ngồi nên hóa chất chảy xuống chỗ thấp là rìa chân tóc vùng gáy và sau tai. Bệnh nhân không hề nghĩ mình bị như vậy là do hóa chất nhuộm tóc bởi cô không mẩn ngứa toàn bộ vùng da đầu. Ngoài ra, tóc của D. còn khô, gãy và rụng rất nhiều khiến cô stress nặng. Bên cạnh việc điều trị tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng, cho thuốc làm khỏe nang tóc, bác sĩ Thảo còn phải trấn an tinh thần bệnh nhân. 

Một trường hợp khác là nam giới tên N.Đ.V. (55 tuổi, ngụ tại quận 5, TPHCM) đi khám vì da đầu ngứa, sẩn đỏ vùng nang lông, có mụn nước. Bệnh nhân cho biết tình trạng này xuất hiện sau khi ông đi nhuộm tóc phủ bạc.

Các vấn đề xảy ra sau khi nhuộm tóc được chia thành 2 mức độ: cấp và bán cấp tính. Nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng bất thường ngay sau khi nhuộm tóc thì gọi là cấp tính. Đó có thể là những biểu hiện như ngứa da đầu, bong vẩy vùng trán, chân tóc, mi mắt, cổ. Sở dĩ kích ứng xuất hiện cả ở những vùng lân cận ngoài da đầu là do trong quá trình thực hiện đã sơ ý khiến hóa chất làm tóc dính vào những vị trí này. Tiếp đến, tình trạng bán cấp tính xảy ra sau vài ngày, thậm chí vài tuần. Bệnh nhân bị nổi mụn nước, viêm nang lông, nổi mề đay ở da đầu, cổ mặt. Đôi khi da mặt bị khô, ngứa. Không phải hóa chất bôi trực tiếp lên da mới gây dị ứng. Trong lúc làm tóc, bạn cũng có thể bị dị ứng do hít phải hoặc bị tay của thợ làm tóc dính hóa chất sờ lên mặt, cổ. 

Nhuộm tóc được chia làm 3 nhóm: vĩnh viễn (phải tẩy màu), bán vĩnh viễn (thường làm ở nhà, không gia nhiệt) và tức thời (các loại dầu gội làm đen tóc). Đối với người cao tuổi tự nhuộm tóc ở nhà, tóc còn bị khô, xơ, gãy, rụng do không được chăm sóc trước và sau khi nhuộm. Chẳng những thế, tần suất nhuộm của những người này cũng dày hơn khi phải ra tiệm. Lúc chải thuốc, họ thường làm rất sát da đầu nên nguy cơ bị kích ứng rất cao. Một số bệnh nhân còn bị kích ứng cả 2 bàn tay bởi lúc tự nhuộm tóc, họ không đeo găng tay. 

Theo bác sĩ Phương Thảo, tình huống hoại tử da đầu tới mức phải ghép da do phỏng hóa chất và phỏng nhiệt như nữ sinh viên ở Hà Nội vừa qua hoàn toàn có thể xảy ra. Trên y văn thế giới cũng ghi nhận nhiều ca như thế. Phỏng do hóa chất là  vì nếu muốn nhuộm màu sáng thì phải tẩy tóc. Khi tiến hành tẩy tóc, thợ làm tóc sẽ pha thuốc với nồng độ cao (9 - 10%).

Ngoài ra, các chất ba-zơ mạnh có trong hóa chất làm tóc sẽ gây hút nước, khiến hoại tử mô da đầu. Chưa kể một số cơ sở làm tóc sau khi bôi hóa chất lên tóc còn chụp đầu lại bằng mũ ni lông rồi bật máy gia tăng nhiệt với mục đích khiến các nang tóc giãn nở, hóa chất thẩm thấu nhanh hơn. Trong lúc làm tóc, khách hàng thường ngồi bấm điện thoại để giết thời gian. Vì thế, họ không nhận ra da đầu bị nóng rát. Chưa kể nhiều người lại nghĩ phỏng rát như thế mới hiệu quả nên ráng chịu đựng. Điều này gây hậu quả da đầu bị phỏng nhiệt. Nếu nhiệt độ lên tới trên 65 độ C, tế bào sẽ bị chết. 

Sạm da vì máy chiếu đèn

Trong lúc làm tóc, bạn cũng có thể bị dị ứng do hít phải hoặc bị tay của thợ làm tóc dính hóa chất sờ lên mặt, cổ - Nguồn ảnh: Internet
Trong lúc làm tóc, bạn cũng có thể bị dị ứng do hít phải hoặc bị tay của thợ làm tóc dính hóa chất sờ lên mặt, cổ - Nguồn ảnh: Internet

Ngoài các hậu quả do quá trình nhuộm tóc gây ra, bác sĩ Phương Thảo còn cảnh báo người dân về tình trạng phỏng da sau khi triệt lông hoặc chăm sóc da mặt bằng đèn. Những tai nạn này thường xảy ra sau khi bệnh nhân đi làm đẹp ở các cơ sở chăm sóc sắc đẹp tự phát, thiếu uy tín. Thiết bị họ sử dụng không có nguồn gốc rõ ràng nên nhiệt độ không ổn định.

Mới đây, bác sĩ Thảo khám cho chị P.T.T.X. (45 tuổi, ngụ tại quận 10, TPHCM). Chị X. đi triệt lông mặt ở tiệm uốn tóc gần nhà. Sau đó, vùng da 2 bên cánh mũi, quanh cằm và gò má của chị bị đỏ rát. Bác sĩ Thảo giải thích rằng khi triệt lông, đầu tiếp xúc của máy tì sát vào mặt da, nếu có kẽ hở sẽ gây phỏng. Ở những cơ sở chăm sóc sắc đẹp uy tín, máy triệt lông có nhiều đầu tiếp xúc, mỗi đầu có tiết diện phù hợp với từng vùng da. Gương mặt chúng ta không hoàn toàn bằng phẳng nên ở những vùng quanh mũi, gò má, miệng phải dùng đầu tiếp xúc phù hợp. Tuy nhiên, những tiệm uốn tóc, spa tự phát thường tiết kiệm chi phí, mua loại máy triệt lông rẻ, chỉ có một đầu tiếp xúc. Điều này gây hậu quả phỏng da như trường hợp chị X. Mỗi ngày, bác sĩ Thảo ghi nhận từ 3-5 ca bị phỏng da sau khi đi triệt lông.

Bên cạnh đó, một số phụ nữ lại bị phỏng da mặt sau khi đi spa chiếu đèn. Có 2 nguyên nhân gây phỏng. Thứ nhất, thiết bị chiếu đèn có xuất xứ không rõ ràng, độ an toàn chưa được kiểm chứng nên nhiệt độ không ổn định. Thứ hai, tình trạng da mặt của khách hàng đang yếu, bị khô rát và kích ứng nhưng nhân viên của spa không giảm công suất đèn. Chị N.K.T. (50 tuổi, ngụ tại TPHCM) sau khi đi spa chiếu đèn để làm da mặt săn chắc thì thấy gò má có vết sạm, rát như bị phỏng. Chị T. kể lúc soi đèn lên da chỉ thấy nóng ấm, không hiểu sao về nhà mặt lại có đốm sạm và rát như thế.

Tóm lại, bác sĩ Phương Thảo khuyến cáo người dân khi đi làm đẹp, cần lựa chọn những cơ sở uy tín. Tránh thực hiện ở những nơi tự phát kẻo tiền mất, tật mang. Ngoài ra, nên hạn chế nhuộm tóc màu sáng vì sẽ phải qua công đoạn tẩy tóc gây hại cho tóc và da đầu. Tần suất uốn, nhuộm tóc không nên quá gần. Khi nhuộm tóc bạc ở nhà, người dân cần tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu thấy bất cứ triệu chứng bất thường nào như đỏ ngứa, nổi mụn nước, kích ứng da, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được xử trí kịp thời. Bên cạnh đó, khi đi triệt lông, chiếu đèn chăm sóc da, chị em cần tìm hiểu kỹ càng về cơ sở định làm đẹp. Nhân viên chăm sóc da phải được đào tạo, trang bị kỹ năng đầy đủ. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI